Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước vào khu tập thể của trường THCS Kim Lâm (thuộc khu tái địnhcư Bản Vẽ – Thanh Chương – Nghệ An)là một cặp vợ chồng đang bận bịu soạn giáo án bên đứacon nhỏ tuổi. Chưa kịp hỏi thăm, bác bảo vệ đã giới thiệu ngay rằng “đây là một trong những cặp vợ chồng giáo viên mới “theo học sinh” về từ Bản Vẽ, cuộc sống còn vất vả nhưng hạnh phúc lắm”.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ đang bộn bề sách vở, thầy giáo Vi Văn Thành không giấu nổi niềm vui khi nói về tổ ấm của mình. Cũng như bao giáo viên cắm bản khác, sau khi tốt nghiệp khóa 39, khoa lịch sử Trường Đại học Vinh chàng sinh viên dân tộc Thái Vi Văn Thành đã tình nguyện lên huyện miền núi Tương Dương để dạy học. Tại đây, thầy giáo trẻ đã “phải lòng” cô giáo Nguyễn Thị Bình, một giáo viên mầm non có thâm niên cắm bản gần 10 năm. Chàng dạy cấp 2, nàng dạy mầm non, chuyện tình của họ được nhen nhóm sau những lần cùng nhau xuống bản vận độngcon em đồng bào dân tộc đến lớp, sau những lần trèo đèo vượt núi về thăm quê (quê Thành ở Quỳ Hợp còn quê Bình ở mãi Nam Đàn). Năm 2004 họ cưới nhau và một năm sau cô giáo Bình sinh con đầu lòng. Năm 2006 dự án Thủy điện Bản Vẽ triển khai, một nửa số học sinh của xã Kim Đa phải chuyển về khu tái định cư Bản Vẽ ở Thanh Chương để tiếp tục học, gia đình thầy giáo Thành cũng được thuyên chuyển theo học sinh. Tại khu tái định cư này, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và tập thể giáo viên, học sinh, những cặp vợ chồng giáo viên như Thành đều được tạo điều kiện để ổn định dần cuộc sống… Ngoài sự động viên về mặt tinh thần thì trong thời gian tới huyện Thanh Chương cũng sẽ có những chính sách ưu đãi đối với những giáo viên ở đây để họ yên tâm dạy học.
Đối với những giáo viên cắm bản như thầy giáo Vi Văn Thành thì được chuyển về xuôi là một cuộc đổiđời thực sự “Mặc dù khu tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng so với khi còn ở Tương Dương thì không chỉ bà con dân bản mà những người như chúng tôi cũng không thể nghĩ tới”. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất trong những lớp học ở khu tái định cư hiện nay chính là cơ sở vật chất để dạy học: “Trường lớp đã khang trang nhưng sách vở thì còn thiếu nhiều lắm!”- thầy giáo Thành tâm sự. Trong những năm học đầu tiên, mặc dù sách vở và đồ dùng chưa chuyển về kịp nhưng với sự nỗ lực vượt khó của mình các anh chị em giáo viên đã tự mày mò, thiết kế những đồ dùng học tập thiết yếu và đơn giản để giảm bớt tình trạng “dạy chay, học chay”. Tuy vậy, đây vẫn mới chỉ là những biện pháp tình thế còn lâu dài các em phải có sách vở đầy đủ thì mới đảm bảo được chất lượng giảng dạy.
Bản Vẽ giờ đây đã khang trang hơn trước, đồng bào dân tộc về đây đã dần dần ổn định cuộc sống, con em đi học cũng đỡ vất vả hơn nhưng để bà con dân bản thay đổi được tập quán sản xuất, cách nghĩ cách làm và thấy được vai trò của con chữ thì không hề đơn giản. Tâm lí muốn để con cái ở nhà lao động vẫn còn chi phối vì vậy ở Bản Vẽ nhiều em vẫn bỏ học vào rừng, nhiều em theo gia đình trở về bản cũ. Vì vậy ngày ngày sau giờ lên lớp, các giáo viên ở đây lại xuống bản hướng dẫn bà con sản xuất canh tác theo phương thức mới, vận động bà con cho học sinh đến lớp. Công cuộc gieo mầm con chữ lại bắt đầu trên vùng đất mới, gian nan và khó nhọc…
Hà Nguyên Khoa
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)