Tuần qua, Sở Nội vụ TP.HCM đã trình UBND TP tờ trình về Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Theo đó, đến năm 2021 TP sẽ cắt giảm 13.927 biên chế, trong đó khối hành chính Nhà nước giảm 1.311 người, khối sự nghiệp giảm 12.616 người. Liệu đề án có khả thi hay mãi mãi chỉ nằm trên giấy?
Trả lời các cơ quan báo chí xung quanh đề án này, ông Lê Văn Làm – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – cho biết: Đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế là những đối tượng được quy định trong điều 6 Nghị định 108/2014. Cụ thể như cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) trong hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí ngay cả giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành, chủ tịch hay phó chủ tịch UBND các quận, huyện mà hai năm liền kề không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là đối tượng thuộc diện tinh giản. Ngoài ra, các trường hợp dôi dư do cơ cấu lại CB, CC, VC theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác cũng thuộc đối tượng tinh giản…
Theo như phát biểu của ông Làm thì TP.HCM rất quyết liệt trong việc tinh giản biên chế và hoàn toàn không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Nhưng thử hỏi với trên 13.000 CB, CC đang công tác tại các cơ quan hành chính Nhà nước, trên 126.100 VC đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc có mấy người “hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ”. Cứ nhìn cái cách đánh giá CB, CC, VC hàng năm của các cơ quan, đơn vị thì sẽ rõ. Việc đánh giá này có tới 60%, thậm chí là 70% mang tính chủ quan – nghĩa là biết đồng nghiệp của mình không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vì tính tình dễ chịu, biết quan tâm đến người khác nên “lỗi lớn thì hóa nhỏ, lỗi nhỏ thì bỏ qua” và tất cả đều “hoàn thành nhiệm vụ”. Với “lính lác” tìm một người “hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ” đã khó, với “sếp” thì còn khó gấp vạn lần. Nếu không phải muốn nghỉ việc thì không có cấp dưới nào dám đánh giá cấp trên của mình là “không hoàn thành nhiệm vụ”. Huống hồ theo điều 6 Nghị định 108/2014 thì phải là “hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ” mới bị tinh giản. Mặt khác, hầu như không có cơ quan, đơn vị nào là không mắc bệnh thành tích nặng. Vì vậy chẳng dại gì các cơ quan, đơn vị “vạch áo cho người xem lưng” bằng cách đưa ra những con số vô cùng chính xác về số CB, CC, VC không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó cho thấy, việc tinh giản biên chế theo điều 6 Nghị định 108/2014 gần như là… không khả thi.
Riêng với đối tượng tinh giản là các trường hợp dôi dư do cơ cấu lại CB, CC, VC theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác… cũng rất khó thực hiện. Rất nhiều sở, ngành hiện nay lấy lý do là quá tải công việc đã “đẻ” ra không ít phòng, ban. Mà theo ngành dọc thì những phòng, ban này hoàn toàn không có. Điều đáng nói ở đây là, nhân sự của các phòng, ban “sinh sau đẻ muộn” này phần lớn là “con ông, cháu cha”, nói chung là có quan hệ với người đứng đầu của sở, ngành. Vậy làm sao tinh giản được đây? “Cha đẻ” của các “phòng, ban vượt kế hoạch” sẽ tìm ra 1.001 lý do để giữ các phòng, ban này lại. Thậm chí có thể xóa tên các phòng, ban nhưng nhân sự thì vẫn có thể bố trí, sắp xếp làm việc khác được. Tóm lại là, không có ai dôi dư cả. Và nếu không có CB, CC, VC dôi dư thì không có biên chế bị tinh giản.
Có thể nói, để Đề án tinh giản biên chế của TP đi vào thực tế, công tác đánh giá hàng năm tại các cơ quan, đơn vị phải chuyển từ chủ quan sang khách quan; các tiêu chí để đánh giá phải chi tiết, cụ thể, không chung chung. Đặc biệt, việc đánh giá hàng năm không chỉ diễn ra ở cấp cơ quan, đơn vị mà phải có cả cấp TP. Nghĩa là UBND TP phải trực tiếp đánh giá các sở, ngành, quận, huyện chứ không chỉ nghe những sở, ngành, quận, huyện báo cáo kết quả đánh giá…
Hòa Triều
Bình luận (0)