Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Cắt” nhiều chương trình liên kết quốc tế “chui”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-5, Bộ GD-ĐT đã chính thức “cắt” nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế trái phép. Thậm chí có chương trình dù đã… hết hạn mà các trường vẫn tiếp tục chiêu sinh!
Không công nhận bằng
Theo Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng, tháng 10-2011, Trường ĐH Hoa Sen đã nộp hồ sơ xin cấp phép triển khai chương trình liên kết đào tạo cử nhân quản lý khách sạn nhà hàng quốc tế với Trường Du lịch và Khách sạn Vatel – Cộng hòa Pháp nhưng chưa được bộ phê duyệt do chưa đủ điều kiện quy định. Tuy vậy, hai tháng sau đó, trường vẫn tổ chức tuyển sinh và hiện có 14 SV đang theo học ngoại ngữ và làm quen với nghề nghiệp trước khi học chính khóa. Bên cạnh xử phạt hành chính, Bộ GD-ĐT còn yêu cầu Trường ĐH Hoa Sen ngừng ngay chương trình đào tạo này; tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài và báo cáo bộ trước ngày 10-6.
Trường Đào tạo Quản lý doanh nghiệp (số 10 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) không được đào tạo, liên kết đào tạo để cấp văn bằng các trình độ TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên, từ tháng 6-2009 đến nay, trường đã tổ chức đào tạo chương trình các môn học thuộc trình độ cao đẳng (Advanced Diploma) tại Việt Nam các ngành: Quản trị kinh doanh (Business Management), hệ thống thông tin kinh doanh (Business Information Systems), quản trị nhân lực (Human Resource Management), quản trị tài chính (Financial Management), quản lý lữ hành du lịch khách sạn nhà hàng (Marketing, Travel Tourism & Hospitality Management) theo chứng nhận cho phép của Association of Business Executives (ABE – UK). Sau khi học xong chương trình, sinh viên có thể dự thi online, được ABE cấp bằng CĐ. Hiện trường đang đào tạo 54 sinh viên. Không chỉ xử phạt hành chính, Bộ GD-ĐT còn đề nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục xem xét không công nhận văn bằng thuộc chương trình đào tạo trái phép trên.
Viện ĐH Mở Hà Nội chỉ được liên kết đào tạo với Trường CĐ Kỹ thuật Box Hill ở 3 ngành trình độ CĐ và thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên đã hết hạn vào tháng 12-2011. Tuy nhiên, viện đã thông báo tuyển sinh hệ ĐH khóa 12 năm 2011-2012, dự kiến thêm 3 ngành mới. Bộ GD-ĐT yêu cầu viện ngừng hoạt động quảng cáo, tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo hệ ĐH các chuyên ngành điện tử viễn thông, kỹ thuật máy tính, kế toán doanh nghiệp, quản trị du lịch, quản trị khách sạn và quản trị dịch vụ ngân hàng liên kết với Trường CĐ Kỹ thuật Box Hill. Đồng thời, xử phạt hành chính và yêu cầu Viện ĐH Mở Hà Nội tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, báo cáo bộ trước ngày 10-6.
Tuyển sinh… tiến sĩ “chui”
Nhiều công ty chỉ được cấp phép đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho người học; không được phép tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ nhưng vẫn ngang nhiên tuyển sinh đào tạo cả bậc ĐH, CĐ. Thậm chí có nơi đào tạo cả trình độ thạc sĩ, tiến sĩ… chui. Điển hình là Công ty TNHH Đào tạo FTMS với chương trình đào tạo cử nhân liên kết Trường ĐH Oxford Brookes. Chưa hết, ngay từ năm 2008, trong giấy chứng nhận đầu tư của UBND TP.HCM có yêu cầu Công ty TNHH Đào tạo FTMS phải đăng ký hoạt động với Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM trước khi tuyển sinh và đào tạo nhưng đến tháng 4-2012, công ty vẫn chưa hoàn thành thủ tục đăng ký hoạt động.
Viện Quản trị tài chính – IFA (số 384-1B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM) hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chỉ được phép đào tạo Anh văn trình độ A, B, C theo giấy phép dạy học của Sở GD-ĐT TP.HCM. Tuy nhiên, tháng 3-2011, viện lại tổ chức tư vấn tuyển sinh được 17 học viên theo chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh; các học viên này đang học theo hình thức online tại Việt Nam do Trường ĐH Ballarat (Úc) đào tạo và cấp bằng. Trước đó, tháng 1-2011, viện còn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đào tạo quốc tế OXCEL (Đà Nẵng) tham gia quảng cáo tư vấn tuyển sinh chương trình tiến sĩ quản trị kinh doanh của Trường ĐH Khoa học Kỹ thuật Nueva Ecija Philippines.
Tương tự, Công ty TNHH Melior Việt Nam cũng tuyển sinh, đào tạo trái phép các ngành quản trị kinh doanh, quản trị du lịch và khách sạn trình độ CĐ và ĐH trong khi công ty chỉ được hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề trình độ sơ cấp các ngành trên. Công ty TNHH Đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore tuy chỉ hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ trình độ A, B, C; tin học trình độ A, B, kỹ thuật viên nhưng lại đào tạo chương trình CĐ và cử nhân khoa học.
Tất cả các đơn vị trên đều phải chấm dứt hoạt động quảng cáo, tư vấn tuyển sinh, đào tạo các chương trình trái phép trên lãnh thổ Việt Nam; xử phạt hành chính; không công nhận các văn bằng. Đồng thời, Thanh tra Bộ GD-ĐT còn đề nghị Bộ GD-ĐT có văn bản gửi UBND TP.HCM để chỉ đạo các sở, ngành thuộc ủy ban rà soát lại việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và trách nhiệm của đơn vị trong việc để xảy ra các sai phạm nêu trên.
Riêng trường hợp Công ty TNHH đào tạo FTMS, Thanh tra Bộ còn đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM thanh, kiểm tra việc chưa hoàn thiện thủ tục đăng ký hoạt động theo yêu cầu và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT có văn bản gửi UBND TP.HCM để chỉ đạo các sở, ngành thuộc UBND TP rà soát lại việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề không ghi rõ trình độ đào tạo, thời gian đào tạo cho Công ty TNHH Đào tạo FTMS.
Mê Tâm

Bình luận (0)