Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cắt thuê bao ĐTDĐ nếu không khai thông tin cá nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Thuê bao điện thoại di động sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông nếu không thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh thông tin cá nhân. 

Cắt thuê bao ĐTDĐ nếu không khai thông tin cá nhân
Khách hàng dễ dàng mua SIM điện thoại trả trước mà không cần đăng ký thông tin tại một cửa hàng bán SIM thẻ trên đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp tối 9-5) – Ảnh: Hữu Thuận

Nhà mạng sẽ bị xử phạt 30-40 triệu đồng nếu bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; bị phạt tới 1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao nếu cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin không đúng…

Đây là quy định mới tại nghị định 49 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện vừa được Chính phủ ban hành.

Quy định này nhằm quản lý SIM di động trả trước từ cả hai phía: khách hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Phải cập nhật đúng thông tin cá nhân

Theo quy định tại nghị định 49, mỗi cá nhân sẽ không bị giới hạn số lượng thuê bao trả trước được đăng ký ở mỗi mạng di động. Tuy nhiên, các quy định về thông tin thuê bao sẽ bị siết chặt hơn rất nhiều, đặc biệt là đối với ba số thuê bao đầu tiên/mạng (trước đây mỗi cá nhân chỉ được đăng ký không quá 3 SIM trả trước ở mỗi mạng di động).

Quy định mới yêu cầu đối với ba số thuê bao đầu tiên, cá nhân phải xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử xác nhận thông tin thuê bao. Đối với số thuê bao thứ tư trở lên, người dùng phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động.

Khi đăng ký thuê bao di động, cá nhân phải xuất trình bản chính hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng đối với người mang quốc tịch Việt Nam, hoặc hộ chiếu còn thời hạn lưu hành ở Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài.

Đối với người dưới 14 tuổi muốn đăng ký thuê bao di động phải do cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện.

Quy định mới cũng nêu rõ: cá nhân chỉ được thực hiện ký kết hợp đồng, đăng ký sử dụng thuê bao di động cho bản thân mình, con đẻ hoặc con nuôi dưới 14 tuổi và những người thuộc quyền giám hộ của mình theo quy định của pháp luật. Và các cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng các số thuê bao đã được cung cấp.

Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có quyền từ chối giao kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ đối với những cá nhân không xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định – nghị định mới quy định.

Quy định mới còn yêu cầu các nhà mạng phải xử lý đối với các thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định.

Theo đó, nhà mạng có trách nhiệm thông báo liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu chủ thuê bao đến thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch.

Nếu chủ thuê bao không thực hiện theo yêu cầu, thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ khi bắt đầu nhận được thông báo và bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Thuê bao sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu vẫn không thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh thông tin cá nhân chủ thuê bao.

Doanh nghiệp viễn thông có quyền cung cấp các số thuê bao đã bị chấm dứt hợp đồng cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu – quy định mới nêu rõ.

Phạt nặng nhà mạng không quản lý thông tin thuê bao

Theo quy định mới, các nhà mạng sẽ bị phạt 800.000 – 1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao (tổng số tiền phạt không quá 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông) nếu cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin không đúng hoặc thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định.

Các nhà mạng có trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp viễn thông sẽ bị phạt 80 – 100 triệu đồng nếu không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu đối với cá nhân sử dụng nhiều hơn 3 số thuê bao di động trả trước.

Mức phạt 30 – 40 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi bao gồm: bán SIM di động mà không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu; bán, lưu thông trên thị trường thiết bị đầu cuối không dùng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước…

Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ bị phạt 80 – 100 triệu đồng nếu chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền, không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định, không cung cấp phương thức tự kiểm tra thông tin thuê bao hoặc cung cấp thông tin cho chủ thuê bao tự kiểm tra nhưng không đầy đủ…

Sau ngày 24-7, xử phạt theo quy định mới

Quy định mới này được ban hành (ngày 24-4-2017) theo đề xuất của Bộ Thông tin và truyền thông, nhằm tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn thị trường SIM di động, đặc biệt là thuê bao trả trước, từng bước hạn chế SIM rác và tin nhắn rác.

Bộ Thông tin và truyền thông cho biết: từ nay đến ngày 24-7, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ SIM đã được phân phối cho đại lý. Sau mốc thời gian trên, toàn bộ hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử phạt được thực hiện theo quy định mới này…

THANH HÀ/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)