Là giáo viên dạy toán, năm nay tôi có dịp được dạy thỉnh giảng ở hai trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thực tế giảng dạy khiến tôi không khỏi giật thót cả mình.
Học sinh Trường THPT Đa Phước (TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới 2010-2011 – Ảnh: Như Hùng
|
Trong khi chất lượng đầu vào từ học sinh THCS hệ TCCN rất thấp, đúng ra các trường phải thiết kế chương trình vừa sức cho học sinh theo quy định chuẩn chương trình khung của Bộ GD-ĐT để trang bị lại kiến thức văn hóa cho học sinh. Thế nhưng một số trường lại mạnh tay “xén bớt” đến gần một nửa, do đó cứ nhìn học sinh học mà chẳng hiểu gì khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Thời điểm này các trường TCCN đang bước vào đợt cuối của kỳ tuyển sinh năm nay, đồng thời các học sinh TCCN hệ ba năm nhập học từ tháng 7 đến tháng 11 trước đó cũng đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ôn tập để thi học kỳ.
Để “tiết kiệm” kinh phí, các trường tổ chức lớp nhập học trước thì học giãn thời gian ra, còn lớp nhập học muộn thì gấp rút để kịp nhập chung các đợt vào sau học kỳ hai sau Tết Nguyên đán. Để làm được điều này, các trường không còn cách nào khác là phải cắt xén chương trình văn hóa (các môn toán, văn, lý, hóa) gần một nửa, có như vậy các lớp sau mới đủ thời gian đuổi kịp các lớp trước. Cách làm này đã “tiết kiệm” đáng kể khoản kinh phí đào tạo của một số trường.
Không dừng lại ở đó, trường còn tận thu bằng cách quy định lệ phí thi lại, học lại rất cao. Chương trình bị cắt xén, đề thi phải báo cáo sở, báo cáo bộ phải “xứng tầm” nên tỉ lệ học sinh thi lại và học lại chiếm 60-80% là tất yếu. Rồi lệ phí ôn tập thi tốt nghiệp cũng khá cao. Trường nào cũng thông báo là tự nguyện, nhưng ai cũng biết nếu không đi ôn thì có trời mới thi đậu.
Phải chăng đây là một hệ quả tất yếu của việc các cơ quan quản lý buông lỏng giám sát, quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra bao giờ cũng chỉ trên hồ sơ, giấy tờ?
HOÀNG GIA / TTO
Bình luận (0)