Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu bạn chuyên Lý “siêu” thực nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Gương mặt trắng trẻo toát lên vẻ thư sinh. Đó là ấn tượng đầu tiên của mọi người khi tiếp xúc với Phạm Tiến Hùng, lớp B0K22A, khối THPT chuyên Vật lý, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), chủ nhân Huy chương bạc cuộc thi Olympic Vật lý châu Á 2010.

Phạm Tiến Hùng cũng chính là thí sinh đạt giải cao nhất của đoàn Việt Nam trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2010 vừa tổ chức tại Đài Loan. 
Phạm Tiến Hùng vừa giành Huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á 2010.
“Giá may mắn hơn một chút thì tớ có thể đạt Huy chương vàng”
Yêu thích, muốn tìm hiểu nguyên nhân của các hiện tượng trong thiên nhiên đã đưa Hùng đến với môn Vật lý. Ngay khi tiếp cận với môn học này, Hùng đã có niềm say mê đặc biệt. Bản thân cậu cũng không lý giải được tại sao mình lại có thể đam mê và học tốt môn Lý đến vậy.
Cách tiếp thu môn Lý của Hùng cũng khác với mọi người. Hùng thường sử dụng hình ảnh liên tưởng để ghi lại các hiện tượng và lý thuyết. Do vậy, bạn có thể nhớ rất lâu các hiện tượng vật lý.
Không thích “cày trâu bò” với một đống công thức, bài tập, Hùng “khoái” nhất thực hành thí nghiệm. Đây là sở thích và cũng là thế mạnh của Hùng.
Do vậy, trong quá trình ôn đội tuyển thi Olympic châu Á, không như những thí sinh khác chú tâm nhiều đến phần lý thuyết, Hùng đặc biệt coi trọng phần thực hành thí nghiệm vì đó là phần yếu chung của học sinh Việt Nam.
Được biết, đội tuyển thi Olympic Vật lý châu Á của Việt Nam có 8 thành viên được chia ra 4 cặp để làm thí nghiệm, cứ 2 người một cặp. Hùng và một bạn khác trong đoàn làm 1 cặp. Và trong quá trình tập thực hành ở ĐH Sư phạm Hà Nội, Hùng luôn “giành” lấy nhiệm vụ làm thực hành, bạn còn lại viết báo cáo. Do vậy, kỹ năng thực hành của Hùng đã nâng lên đáng kể.
Cuộc thi Olympic Vật lý châu Á có 2 phần lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết Hùng làm khá tốt. Đến phần thi thực hành, vốn là thế mạnh của Hùng, lẽ ra Hùng đã có thể làm tốt hơn nếu không gặp sự cố trong quá trình làm thí nghiệm.
Hùng chia sẻ: “Nhận được kết quả, tớ cảm thấy hơi tiếc. Tớ nghĩ là mình có thể đạt kết quả tốt hơn nếu may mắn hơn một chút. Trong lúc làm bài thí nghiệm tớ bị hỏng mất một phần của bộ dụng cụ. Tớ được 29 điểm, trong khi 32 điểm là đạt HCV. Nếu không gặp sự cố trong lúc thực hành thí nghiệm, chắc là tớ sẽ đạt được số điểm ấy”.
“Tớ thích chơi guitar”
Học giỏi Toán và Lý, khi còn học cấp 2, Hùng đã ghi dấu ấn với giải nhất Toán quận Thanh Xuân (Hà Nội) năm lớp 6, giải khuyến khích Vật lý quận Thanh Xuân năm lớp 9.
Thi đầu vào cấp 3, không chỉ đỗ thủ khoa khối chuyên Lý, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Hùng còn giành được một suất vào khối THPT chuyên của ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, Hùng đã chọn đầu quân vào khối chuyên Lý của ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội.
Ở đây, Hùng đã đạt được những thành tích mà nhiều bạn phải mơ ước. Năm lớp 11, Hùng đã xuất sắc vượt qua nhiều anh chị để lọt vào đội tuyển thi quốc gia của khối chuyên Lý. Kết quả, Hùng “rinh” về giải nhì quốc gia môn Lý và được tham dự vòng loại chọn đội tuyển quốc gia thi Olympic quốc tế. Cũng trong năm đó, Hùng được nhận học bổng Odolvallet. Năm 2009, Hùng trở thành một trong bốn học sinh của Việt Nam đạt giải nhất cuộc thi Vật lý Nanyang Concept Test.
Lên lớp 12, sẵn có kinh nghiệm thi cử, cậu bạn chuyên Lý bước vào các kỳ thi đầy quyết tâm. Không làm gia đình, thầy cô, bạn bè thất vọng, Hùng đã “ẵm” giải nhất quốc gia môn Vật lý, được tham dự vòng loại chọn đội tuyển quốc gia thi Olympic quốc tế. Và gần đây nhất là tấm Huy chương bạc kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2010.
Học hành chăm chỉ nhưng cậu bạn 9X cũng không quên tìm cho mình những trò giải trí tiêu khiển. Hùng thích nghe nhạc, bóng đá, chơi đàn guitar, chơi điện tử.
Nói về kế hoạch tương lai của mình, Hùng bật mí: “Tớ dự định sẽ tiếp tục học về Vật lý để tạo nền tảng cơ bản rồi sẽ học tiếp về ứng dụng. Tớ đã nộp hồ sơ vào khoa Lý, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Tuy vậy, tớ sẽ cố gắng học tiếng Anh để tìm học bổng du học”.
Bài và ảnh: Linh Anh / Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)