Đó chính là cậu bé người Việt gốc Hoa Lữ Triển Phong (học sinh lớp 4, Trường Quốc tế Tây Úc, TP.HCM). Tuy mới 8 tuổi nhưng em chơi được cùng lúc 4 loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Triển Phong biểu diễn đàn tranh tại Cung Văn hóa Lao động
Casting phim bằng âm nhạc dân tộc
Do mẹ là người Việt nên ngay từ nhỏ Triển Phong đã được mẹ và ngoại nuôi lớn bằng những lời ru tiếng hát đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Điều đó đã in sâu vào tâm hồn của Triển Phong và hình thành nên một cậu bé người Hoa mê nhạc dân tộc Việt.
Tài năng của Triển Phong bắt đầu được mọi người biết đến khi lên 3 tuổi qua vai cậu bé Simba trong bộ phim “Bảo mẫu siêu quậy” của đạo diễn Lê Bảo Trung. Cậu lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn bởi dáng vẻ bụ bẩm đáng yêu cùng năng khiếu âm nhạc dân tộc. Hai ca khúc được Triển Phong chinh phục đạo diễn là “Đêm gành hào nghe điệu Hoài lang” và “Áo mới Cà Mau”. Bằng tài năng, Triển Phong đã “đánh bại” gần 300 “đối thủ” để vào vai Simba.
Cô Phạm Thị Thu Hà (bà ngoại Phong) cho biết: “Bé Triển Phong có đam mê âm nhạc từ nhỏ. Mới 2 tuổi, cháu đã hát được karaoke những bản nhạc quê hương đúng theo nhịp điệu. Lớn hơn một chút, cháu thích đi đến những nơi có người ca hát rồi lẩm nhẩm hát theo”.
Từ đam mê ca hát, Triển Phong biết đến nhạc cụ dân tộc. Thấy con có năng khiếu với đàn tranh, gia đình tạo điều kiện cho Triển Phong đi học. Chỉ trong một thời gian ngắn, cậu bé đã nắm được những kiến thức cơ bản và độc tấu nhiều bài hát thiếu nhi làm bạn bè rất ngưỡng mộ.
Để có nhiều cơ hội thể hiện đam mê, Phong đã tham gia vào CLB Tiếng hát quê hương (thuộc Cung Văn hóa lao động) do NGƯT Phạm Thúy Hoan làm chủ nhiệm. Từ đó, Triển Phong không chỉ được đào tạo cách học đàn và biết thêm nhiều nhạc cụ dân tộc mà còn được đi lưu diễn tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố. Cơ hội đó giúp cậu bé Triển Phong ngày càng mạnh dạn, tự tin và yêu âm nhạc dân tộc mãnh liệt hơn.
Bên cạnh đàn tranh, Triển Phong chơi được đàn bầu. Ấn tượng đầu tiên của cậu bé đối với đàn bầu là nhìn nó lạ nhưng âm thanh lại hay. Sau đàn bầu, Phong tiếp tục thủ sức với trống cơm và đàn T’rưng.
Độc tấu cùng lúc 4 nhạc cụ
Trong chương trình giao lưu âm nhạc dân tộc dành cho các em học sinh tại Cung Văn hóa Lao động, cậu bé Triển Phong đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với người tham dự. Không chỉ nhỏ tuổi nhất, chơi nhạc cụ giỏi, Phong còn có thể độc tấu cùng lúc 4 nhạc cụ: Đàn T’rưng, trống cơm, đàn tranh và đàn bầu làm người nghe không khỏi xuýt xoa, ngưỡng mộ.
Theo Phong, việc phối đàn tranh với các loại đàn khác còn tùy vào bài hát như: “Bèo dạt mây trôi”; “Qua cầu gió bay”… “Con chơi trống cơm lúc 6 tuổi. So với các loại nhạc cụ thì trống cơm dễ chơi hơn. Mỗi nhạc cụ truyền thống có một đặc thù riêng, âm hưởng cũng đặc biệt. Những hồn cốt đều nằm ở trong các nhạc cụ truyền thống đó. Con muốn giới thiệu với du khách nước ngoài rằng, Việt Nam có nhiều loại nhạc cụ truyền thống để họ có thể tìm hiểu về văn hóa Việt Nam”, Triển Phong chia sẻ.
Để tạo nên sự mới lạ, Triển Phong tìm hiểu cách áp dụng nhạc cụ truyền thống vào những bản nhạc hiện đại. Tại Liên hoan “Em yêu đàn tranh” do CLB Tiếng hát quê hương tổ chức năm 2021, Triển Phong thể hiện rất tốt bài “Sóng Gió” của Jack. Phần trình diễn của Triển Phong khuấy động hội trường Cung Văn hóa Lao động với phong cách biểu diễn tự tin, làm chủ sân khấu. Ngón tay của em thoăn thoắt trước những tiết tấu nhanh, biểu cảm phiêu theo nhạc khiến người xem không rời mắt. Khi gặp sự cố dây đàn bị lệch, em bình tĩnh chỉnh lại con nhạn cho ngay và tiếp tục trình diễn, nhận tràng pháo tay tán thưởng. “Sóng gió” là một bài có tiết tấu, giai điệu khó, pha chút nhạc điện tử nên không phải đứa trẻ nào bằng tuổi em cũng thể hiện được. Cậu bé đạt giải A và nhận nhiều lời khen từ ban giám khảo. “Yêu nhạc cổ truyền nhưng em cũng thích các giai điệu hiện đại, sôi động như rock, jazz. Khi xem một nhạc công dùng đàn nguyệt cover các bản nhạc hiện đại trên mạng, em rất thích thú nên xin cô giáo cho phép đàn “Sóng gió” trong liên hoan”, Triển Phong nhớ lại.
Mỗi một nhạc cụ dân tộc đều là những sứ giả văn hóa Việt Nam để quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong các chương trình biểu diễn đối ngoại, các đoàn khách quốc tế vô cùng thích thú với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ví như cây đàn bầu, họ tò mò tìm hiểu, muốn biết tại sao một cây đàn chỉ có một dây nhưng lại chơi được cả một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cả các tác phẩm của đất nước họ. Rồi các nhạc cụ khác như: Đàn tranh, đàn T’rưng, đàn đinh pá, bộ sáo dân tộc… đều là những nhạc cụ có sức lôi cuốn, hấp dẫn với các đoàn khách quốc tế. |
Được học trong môi trường quốc tế, hiện đại nhưng cậu bé Triển Phong lúc nào cũng dành thời gian cho nhạc cụ dân tộc. Trong nhà của Triển Phong hiện tại có trên 10 cây đàn: Đàn T’rưng, trống cơm, đàn tranh và đàn bầu. Những cây đàn được cất giữ cẩn thận, sạch bóng và thường xuyên được cậu bé mang ra tập luyện vào những lúc rảnh rỗi.
Hiện tại, Triển Phong là một diễn viên nhí được nhiều người biết đến. Vào học tiểu học nên quỹ thời gian eo hẹp, cậu bé hạn chế tham gia các chương trình truyền hình. Gia đình Triển Phong muốn em tập trung học tập cũng như theo đuổi việc luyện đàn, trau chuốt khả năng âm nhạc.
Trong thời đại hội nhập, nhiều cha mẹ mong muốn con tiếp xúc với công nghệ thông tin, học kỹ năng cần thiết để theo kịp thời đại nhưng vẫn không quên cho con tiếp cận với nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, tham gia những trò chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi. Đó cũng là cách để các em có được tuổi thơ trọn vẹn, lanh lợi, hoạt bát, đồng thời biết ơn và quý trọng và có ý thức bảo tồn truyền thống quê hương.
Hồ Trinh
Bình luận (0)