Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cậu bé da cam và khát vọng sống

Tạp Chí Giáo Dục

Hai bố con em Lê Thế Quy bên những trang thơ nguệch ngoạc do Quy làm ra trong những đêm mất ngủ
Cất tiếng khóc chào đời đã mang trong mình di chứng của chất độc da cam/dioxin với thân hình dặt dẹo. 23 năm sống ở đời là từng ấy thời gian cậu bé Lê Thế Quy ở Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) lê lết thân hình trên nền đất hoặc bám chặt trên tấm lưng còm cõi của người cô ruột. Không đầu hàng số phận, hàng ngày cậu rong ruổi khắp thị trấn trên chiếc xe lăn để bán hương kiếm sống. Và đêm về, cậu lại tự an ủi mình bằng những vần thơ cháy bỏng khát vọng được làm người khỏe mạnh…
Vượt lên số phận
Hai năm nay, người dân ở thị trấn Duy Xuyên đã quen với hình ảnh một cậu bé tật nguyền ngày ngày vắt mình trên chiếc xe lăn đi đầu làng, cuối phố bán từng bó nhang để kiếm sống. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, những vòng xe tật nguyền ấy vẫn đều đặn lăn bằng nghị lực và khát vọng sống phi thường của cậu bé bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
“Ngày trước tui đi bộ đội ở Campuchia rồi trở về quê lấy vợ sinh con. Thời đó, tôi thường xuyên bị sốt rét rừng hành hạ khiến sức khỏe ngày một yếu và hay choáng váng. Nhưng cứ nghĩ do mình ăn uống thiếu thốn lại sống chốn rừng thiêng nước độc nên bị như vậy. Sau này mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam địch rải thảm. Do ảnh hưởng di chứng từ cha mà cháu Quy vừa chào đời đã bị tật nguyền, không đi, đứng được”, ông Lê Thế Quyền (48 tuổi) – ba Quy nghẹn ngào cho biết.
Không như bao đứa trẻ khác, 3 tuổi Quy vẫn nằm bất động trên giường. Lên 6 tuổi, biết bao bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường thì Quy phải nằm ở nhà với thân hình dị dạng, chân tay co quắp, đầu oặt xuống cổ. Nhưng may mắn là trí não em vẫn phát triển bình thường. Thấy chúng bạn đến lớp Quy ậm ờ chỉ tay đòi ba đưa đi học. “Ngày đó, tui cũng đắn đo lắm nhưng thương con nên đến xin nhà trường cho cháu theo học. Cháu học được vài buổi thì cô giáo khuyên tui nên dạy chữ cho cháu ở nhà vì cháu không ngồi vững. Vả lại nếu cháu cứ nằm lê trên đất mỗi lần viết lại ngọ nguậy tứ phía sẽ khiến các bạn hiếu kỳ, mất tập trung bài vở. Thế là từ đó tui tranh thủ giờ nghỉ bày thêm cho cháu tập đọc, viết. Cháu ham học lắm nên tiếp thu nhanh và rất kiên nhẫn”, ông Quyền ngậm ngùi nói.
Gánh nặng áo cơm “ghì” gia cảnh ông Quyền xuống sát đất khi cách đây hơn 10 năm, vì túng bấn, người vợ của ông đành đoạn chia tay. Cách đây 5 năm, ông Quyền đổ bệnh và phải ngồi xe lăn. Nhà có 4 cha con thì 2 người ngồi xe lăn. Cũng may chị gái ông là bà Lê Thị Nhân thương tình nên chạy chợ trên buôn chợ dưới về phụ giúp cái ăn. Thương cô cảnh góa bụa lại mang trên vai cả gánh nặng, Quy xin vào Hội Khuyết tật thị trấn hòng kiếm được việc gì đó làm phụ giúp gia đình. Hàng ngày, em nhận nhang đi bán rong khắp nơi. “Tui nói với nó cực khổ mấy cô cũng chịu được, con cứ ở nhà kẻo dầm mưa dãi nắng trong khi thân thể yếu đuối lại đau ốm mà nó cứ khăng khăng đòi đi. Mỗi ngày bán được bao nhiêu tiền nó đều mang về nói tui mua thức ăn”, bà Lê Thị Nhân – cô ruột Quy trầm ngâm.
Khát vọng gửi vào đêm
Thấy bóng xe lăn của Quy về đến đầu ngõ, bọn trẻ trong xóm vui vẻ nói với nhau: “Bây ơi, nhà thơ đi bán nhang về kìa”. Rồi cả lũ nhảy ào tới phụ giúp đẩy xe cho Quy. Nhìn Quy nở nụ cười tươi khi bọn trẻ bám theo xe cậu, ông Quyền cất giọng trầm buồn: “Từ ngày thằng bé biết viết rồi biết làm thơ, bọn trẻ không còn gọi nó bằng cái tên thằng què đầy hờn tủi như trước đây nữa”.
Quá trình tập tành để viết được chữ đối với Quy vô cùng gian khổ. Vì không ngồi vững nên em luôn lấy thành giường hoặc vách tường làm điểm tựa. Hai chân xoãi thẳng, do xương cổ yếu nên cả thân thể dồn lên cánh tay tật nguyền, nét bút vì thế cứ bị miết xuống đến rách cả trang vở. Mỗi con chữ nguệch ngoạc em viết ra giấy không chỉ đổ mồ hôi mà đôi khi còn thấm cả nước mắt. Hàng năm trời như thế cuối cùng những con chữ cũng tương đối thẳng hàng, dẫu nó rất khó đọc và chỉ có ba Quy – người thầy kiên nhẫn dạy cho em từng mặt chữ mới có thể dịch được.
Vừa nhớ vòng tay ôm ấp của mẹ đến quay quắt mà không thể có được, vừa bị bạn bè trêu ghẹo nên đời sống tâm hồn Quy khép kín với bốn bức tường và bóng đêm. Ông Quyền cho biết thêm: “Đã hơn 10 năm nay, từ ngày mẹ bỏ đi, cháu mất ngủ thường xuyên. Cứ 2, 3 giờ sáng là cháu lê thân mình xuống đất, cầm bút và vở để viết. Sau này các nhà hảo tâm tặng cho cái máy vi tính, từ đó cháu lại gõ lên bàn phím. Lúc đầu tui không để ý nhưng sau này lại thấy cháu làm thơ”. Nỗi mong nhớ mẹ, thương người cô góa bụa một đời vất vả và niềm khát khao được làm người lành lặn dồn nén trong Quy để rồi trong những đêm thao thức, nỗi lòng đã bật thành thơ. Những vần thơ mộc mạc mang tấm chân tình của một cậu bé có số phận kém may mắn về tình yêu quê hương, gia đình, bè bạn là những khát vọng cháy bỏng, là niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
Chia tay miền quê Xuyên Tây khi cái nắng hè buổi xế chiều vẫn chói chang hắt lửa, xa xa, bóng Quy lăn xe trên đường làng gập ghềnh với tiếng rao bán nhang không rõ lời, chúng tôi thầm cảm phục nghị lực của cậu bé. Cuộc sống dẫu nghiệt ngã, thiếu công bằng đối với em thì em vẫn chứng minh cho mọi người thấy được rằng, sống ở đời chỉ có nghị lực, niềm tin và tình yêu thương mới giúp con người ta vượt qua đau khổ, thiệt thòi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

“Cuộc đời tôi như một sọt rác, thừa thãi. Tôi không có gì cả, một tách trà cũng phải liếc nhìn xung quanh. Bàn tay của vị thần bóng đêm luôn níu lấy tôi không dứt. Nhưng cũng chính vị thần ấy đã mang những giấc mơ kỳ lạ và ban cho tôi một người bạn tinh thần vô giá. Đó là những vần thơ tuyệt diệu. Những vần thơ ấy đã xua tan đi mọi muộn phiền cay đắng và đưa tôi đến một chân trời mới lạ ngập tràn hạnh phúc”, qua lời tự bạch trong bức thư gửi cho tôi, Nguyễn Thế Quy trải lòng.

 

Bình luận (0)