Giữ hồn chiêng của tổ tiên
Cậu bé Khang sinh năm 1993, là học sinh lớp 9 trường THCS Nghĩa Lâm, vốn dĩ là một học sinh ngoan, học lực khá lại có niềm đam mê nhạc cụ như khèn, cồng, chiêng… Những năm cấp hai, cậu đã được bố dạy dỗ rất nhiều về những nhạc cụ ấy, trong đó ông đặc biệt lưu tâm đến chiêng.
Ông Tý là người rất am hiểu, say mê và thành thạo những kỹ thuật sử dụng chiêng truyền thống của dân tộc Thổ. Sau những buổi, ngày lên rừng kiếm ăn, săn con… ông thường tranh thủ thời gian hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chiêng cho con cháu.
Nhiều năm qua, ông Tý đã đào tạo được khá nhiều con cháu trong dòng tộc và cả bà con làng xóm về hồn chiêng của làng Yên Trung. Trương Văn Khang giờ cũng thấm nhuần niềm đam mê của bố. Mới học đến lớp 9 mà hồn chiêng trong tâm trí cậu như hoa xuân đang nở rộ, tiếng chiêng đã vào loại bậc nhất của làng.
Hàng ngày sau những buổi lên lớp, ngoài thời gian chăn trâu giúp bố mẹ, Khang lại nằn nì bố cho mượn bộ chiêng cổ của dòng họ để học đánh. 4 bài chiêng đặc trưng truyền thống của dân tộc Thổ với những tiết tấu, kỹ thuật trình diễn đặc sắc, đều được Khang trình diễn khá thành thạo, có hồn, lưu luyến lòng người.
“Phải học để giữ hồn chiêng cho dân tộc mình… Vừa gõ nhẹ dùi lên núm chiêng sáng bóng, trong âm hưởng của chiêng phát đi tiếng vang xa xa trong khoảng không trung bao la, một loại âm thanh huyền ảo, làm nao nao lòng người…”, Khang tâm sự.
Bộ chiêng quý trải qua 9 đời
Nói về bộ chiêng quý của gia đình, ông Tý cho biết: “Cũng không biết nữa, lớn lên ta nghe mế (mẹ) ta bảo là của cụ tổ để lại, chỉ biết nay nó trải qua 9 đời người rồi đó. Bây giờ chú thấy rồi, nó còn sáng lắm có nghĩa là cụ tổ mình đang phù hộ độ trì và bắt con cháu phải lưu giữ thật tốt vào. Cũng vì thế thằng cu Khang con ta phải tập cho nó đánh chiêng từ thuở nhỏ để sau này ta có chết đi còn có người nối dõi để lưu giữ bộ chiêng quý này chú ạ”.
Cũng theo lời ông Tý, trải qua 9 đời, bộ chiêng quý đã qua rất nhiều sóng gió, bị gạ gẫm bán, đổi, bị nhiều kẻ gian nhòm ngó… Qua gần 300 năm, bộ chiêng của ông Tý không chỉ là báu vật của gia đình mà còn lại một tài sản quý của đời sống văn hóa, tinh thần Nghệ An.
Nguyễn Duy (dantri.com.vn)
Bình luận (0)