Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu bé khuyết tật viết nên chuyện cổ tích

Tạp Chí Giáo Dục

"Mỗi sáng, em đều chắp tay nguyện cầu mình sẽ không bị tật nguyền nữa. Em vẫn tin nếu có đủ một triệu điều ước, em sẽ khỏe mạnh như các bạn. Nhưng rồi em dần hiểu ra cuộc đời em sẽ mãi mãi gắn với khối u trên lưng. Em không buồn! Em cũng không ước nữa. Em sẽ cố gắng vươn lên bằng các bạn lành lặn" – Lê Thái Sơn (1992) bắt đầu câu chuyện về hành trình vượt qua mặc cảm tật nguyền.

Sơn và chiếc xe đạp giúp em đến trường – Ảnh: T.Q.H.
Chạm tay đến thế giới cổ tích
Đôi mắt trong veo của Lê Thái Sơn sớm nhuốm màu buồn. Lúc sinh ra em cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Tròn sáu tháng tuổi, một khối u lớn bỗng nhiên xuất hiện trên lưng Sơn. Khối u quái ác lớn dần, kéo theo những cơn đau tận xương tủy.
Bố Sơn vội vã đưa em đến bệnh viện. Kết luận của bác sĩ như mũi kim tiêm vào trái tim bố Sơn: Sơn cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam như các anh trai. Những năm tháng xông pha dưới làn đạn bom kẻ thù, bố Sơn – ông Lê Quang Điệt – không may nhiễm chất độc da cam. Thứ chất độc giết người đó đã phá vỡ sự yên bình của gia đình em. Hai anh đầu qua đời sớm. Sơn và anh trai thứ ba thoát khỏi lưỡi hái thần chết nhưng lại gồng gánh nỗi đau bệnh tật.
Lên sáu tuổi, thấy chúng bạn quần xanh áo trắng đến trường, Sơn háo hức lạ thường. Em đòi bố mẹ cho đi học như thằng Nam, con Lan… hàng xóm. Lo lắng cho sức khỏe của con, bố mẹ Sơn khuyên em từ bỏ ước mơ ấy. Sơn đành im lặng. Ngày ngày ru rú trong ngôi nhà nhỏ, hễ nghe tiếng lũ trẻ chòm xóm đến lớp hay trên đường về nhà, Sơn lại lần ra cửa. Nhìn bạn bè cười nói rộn rã, lòng em thắt lại, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Tự bao giờ trường học trong tâm trí em đã trở thành một thế giới cổ tích đầy sắc màu. "Chỉ đến trường, chỉ bước vào thế giới cổ tích mình mới sống vui vẻ, khỏe mạnh" – Suy nghĩ ấy khiến Sơn thêm khát khao đi học.
Không được đến trường, em lân la nhờ các bạn bày cách viết chữ, tập đánh vần. Thế rồi cành cây trở thành bút, miếng đất bằng phẳng sau hè hóa cuốn tập… Hễ bố mẹ xách cuốc cày ra đồng, Sơn lại lui cui ra mảnh đất sau hè "học bài".
Một hôm về nhà chẳng thấy Sơn đâu, bố mẹ em chạy đi tìm con. Bước ra sau hè, ông bà thấy cậu bé đang say mê viết chữ. Nước mắt cứ thế chảy ròng trên hai gương mặt lam lũ. Từ đấy, bố mẹ Sơn quyết tâm cho em đến trường. Ông Lê Quang Điệt tâm sự: "Thằng bé làm vợ chồng tôi ngạc nhiên vô cùng. Có giàu trí tưởng tưởng đến đâu tôi cũng không ngờ nó khao khát đi học như thế".
"Nồi chữ" đến trường
Sáng sáng, trên chiếc xe đạp cọc cạch, bố Sơn gò lưng chở em đi học. Ngồi sau yên xe, ngửi thấy mùi mồ hôi nồng và nghe tiếng thở gấp gáp của bố, lòng Sơn nao nao mơ ước: "Mình sẽ học thật giỏi để sau này có thể kiếm tiền mua một chiếc xe máy cho bố".
Những ngày đầu đến lớp, thế giới cổ tích bỗng chốc sụp đổ trong suy nghĩ của Sơn. Chiếc lưng còng gánh khối u nặng gần 3kg khiến em trở thành "người kỳ lạ” trong mắt bạn bè. Một số bạn vô tâm lấy giấy ném vào lưng, gán cho em những cái tên không đẹp đẽ. Lúc ấy, Sơn chỉ muốn chạy ào về nhà, sà vào lòng bố mẹ khóc cho thỏa nỗi muộn phiền. "Nhưng như thế thì mình sẽ không bao giờ được đến trường nữa. Rồi mình sẽ mãi ru rú trong nhà. Rồi mình chẳng bao giờ mua được xe máy cho bố" – nghĩ thế Sơn như được tiếp thêm động lực. Em lao vào học, quyết tâm nhận thật nhiều điểm 10 và những lời khen của thầy cô giáo.
Ngày nối ngày, nỗ lực tiếp nỗ lực, khoảng cách giữa Sơn và bạn bè dần rút ngắn. Thấy em hiếu học bạn nào cũng phục. Những câu trả lời thông minh, các bài văn tình cảm… của Sơn khiến bạn bè thích thú. Em bỗng chốc trở thành gia sư của các bạn học kém. Tình bạn cứ thế đơm hoa kết trái. Khối u nặng gần 3kg không còn là vật phân cách Sơn và các bạn. Nhiều bạn còn âu yếm gọi khối u trên người cậu là "nồi chữ".
"Chỉ những người không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn mới hiểu thế nào là hạnh phúc" – câu nói ấy có vẻ đúng với hoàn cảnh của Sơn. Hiểu rằng "hạnh phúc chỉ đến với mình nếu mình chăm chỉ học tập" nên Sơn siêng năng đến lạ. Mặc dù bệnh tật thi nhau hành hạ tấm thân gầy, em vẫn cố gắng đến lớp.
Hành trình tìm chữ của Sơn đến nay đã tròn 10 năm. Hiện tại đang là học sinh lớp 10 Trường phổ thông cấp II-III Việt Trung, tỉnh Quảng Bình. Điều đáng trân trọng là suốt 10 năm nay em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Chuỗi ngày điều trị bệnh tật của Sơn mỗi năm một dày. Khối u trên lưng em cũng lớn dần. Các cơn đau cứ đày đọa thân thể em triền miên… Đông y, Tây y đều bó tay trước căn bệnh của cậu bé hiếu học. Chẳng biết bệnh tật có ngáng trở bước chân hăm hở đến những thế giới cổ tích mới của "cậu bé mang nồi chữ"?   
Theo Tuoi Tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)