Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu bé làm mướn đỗ thủ khoa

Tạp Chí Giáo Dục

“Thằng bé thủ khoa Trường Cao Thắng hiền hiền nhát nhát chớ gì? Nhà nó ở giữa cánh đồng, quẹo tùm lum mới tới mà lại không có số nhà. Khó tìm lắm à nghen!” – chú bảo vệ Trường THPT Bình Chánh (ấp 4, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) tặc lưỡi, tỏ vẻ ái ngại khi nghe chúng tôi hỏi đường tới nhà tân thủ khoa Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) Thái Minh Khoa.
Thái Minh Khoa và mẹ bên góc học tập 12 năm trên giường của mình – Ảnh: My Lăng
Đó là hành trình băng qua những con đường nhỏ rải đá (mới làm 2-3 năm) lồi lõm đầy ổ gà và vũng nước, vượt qua những bờ ruộng chông chênh và nhỏ đến mức khi chúng tôi định dựng chân chống xe xuống giữa đường, chiếc xe chênh vênh lăn kềnh xuống ruộng!
Làm mướn dành dụm tiền đi học
Mẹ Khoa bị cao huyết áp và xoang nặng. Mỗi lần đi làm thuê phải kè kè bịch thuốc bên cạnh để ứng cứu kịp thời. “Những lần đi làm cỏ mướn, em biết mẹ đang bị cao huyết áp mà đã 12g trưa vẫn ráng làm…
Nếu em học đại học, mẹ phải lo làm nhiều hơn. Em sẽ không bao giờ đánh đổi việc học và cả ước mơ của mình bằng sinh mạng của mẹ. Mơ ước thì ai cũng xa và cao nhưng mẹ không còn thì có nghĩa lý gì đâu hả chị…” – Khoa chững chạc nói chậm rãi. Cậu bé không biết rằng người mẹ yêu thương của em đang lặng lẽ đứng sau lưng, khẽ lau những giọt nước mắt nghẹn ngào…
Căn nhà lợp tôn nhỏ xíu của tân thủ khoa nằm lọt thỏm giữa nhấp nhô bạch đàn, cỏ và ruộng lúa của ấp 5 (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh).
Minh Khoa đang lui cui chụm lửa trong góc bếp vừa thấp vừa chật dưới gốc cây me bên hông nhà. Thức ăn chiều nay là món đu đủ kho nước tương và mấy con cá trê, cá lóc kho tiêu nhỏ bằng hai ngón tay mà Khoa bắt được hồi trưa. Cậu bé có ánh mắt cứng cỏi và vầng trán ngăm rám nắng của con trai miệt vườn sớm bươn chải, gánh gồng với mưa nắng ruộng đồng. Khoa cười chân chất bảo: “Lẽ ra bữa nay em đi đập lúa (thuê) nhưng sáng mưa dữ quá nên phải ở nhà”.
Trong căn nhà nhỏ lát gạch tàu sạch sẽ, chiếm diện tích nhất là chiếc giường – góc học tập suốt 12 năm của Khoa. “Ban ngày nhà em nóng không học nổi. Nhiều bữa nóng quá em lấy nước tạt lên mái tôn cho mát nhưng nước chảy xuống thành nước sôi luôn! Vậy mà đêm xuống là lạnh cóng!
Em phải tranh thủ học từ 14g trở đi, mát và tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Ban đêm muỗi nhiều lắm, phải chui trong mùng học bài. Ban ngày thì còn nằm võng học được, không bị mỏi lưng chớ ban đêm ngồi trên giường lâu quá đau lưng khủng khiếp. Em học tới lúc buồn ngủ là thôi chứ không đặt ra mức thời gian” – Khoa bảo.
Nhà có hai bóng đèn huỳnh quang nhỏ nhưng một cái bị hư đã lâu mà vẫn chưa thay. Dây điện trong nhà phải kéo nhờ người bà con cách đó hơn 100m. Khoa kể: “Tới năm lớp 9 em mới biết ánh sáng của đèn điện đấy. Hồi trước học đèn dầu không hà. Lần đầu tiên nhà em có điện là khi em đi thi học sinh giỏi thành phố về, thấy đèn điện sáng trưng mà mừng không muốn ngủ”. Năm đó, Khoa đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố môn sử.
Nhà Khoa chỉ có hai sào ruộng để lấy lúa ăn. Thu nhập trong nhà bấp bênh theo từng vụ mùa. Mẹ của Khoa quanh năm suốt tháng đi làm mướn. Cha thì ở hẳn bên nội để chăm sóc ông bà nội rất yếu và người em bị tâm thần. Chị gái lấy chồng xa. Căn nhà nhỏ giữa đồng ruộng chỉ có hai mẹ con. Một năm cả nhà mới gặp nhau đầy đủ mấy lần.
Trước ngày thi đại học, mẹ ráng mua mấy lạng thịt và bí đỏ về nấu bồi dưỡng cho con trai. Đó là thứ gần như “xa xỉ” đối với hai mẹ con. Thức ăn thường ngày là những đọt rau mẹ trồng nằm lăn lóc ngoài bờ kênh hoặc những đọt rau dại. “Thằng bé ăn cơm nguội là chuyện thường. Bữa nào đi học về sớm là nó lấy cái chụp ra kênh bắt cá hoặc đi vòng vòng quanh các kênh bắt tép về kho” – cô Trần Thị Phước, mẹ Minh Khoa, kể.
Hè lớp 7, Khoa đã theo mẹ đi làm mướn. Cậu bé bị lõm ngực bẩm sinh nên cứ hoạt động mạnh hoặc vận động nhiều là mệt. “Bà con chòm xóm thương nên cho tiền công cũng cao lắm. Hồi trước em cắt cỏ một ngày được 20.000 đồng. Còn đập lúa thì bây giờ một ngày cũng được một giạ (khoảng 40.000-60.000 đồng)” – Khoa hồn nhiên kể.
Suốt những năm THCS và THPT, cứ vừa kết thúc năm học Khoa tranh thủ đi làm mướn. Trồng cải, làm cỏ, đập lúa… việc gì cũng làm tuốt. Lên THPT, học sớm hơn nên cậu chỉ làm được một tháng. Tiền làm được Khoa để dành đầu năm học mua sách giáo khoa, photocopy tài liệu, sách tham khảo, đóng tiền lặt vặt… Những bữa phải ở lại trường cả ngày thì lấy tiền đó ăn uống. Ngay từ đầu năm lớp 12, Minh Khoa đã có kế hoạch để dành tiền và tiết kiệm hơn nữa để chuẩn bị kỳ thi đại học, cao đẳng. Khoa âm thầm tự cắt khoản tiền ít ỏi để ăn trưa trong những ngày học tăng tiết.
Tự luyện mà thành công
Không có tiền đến trung tâm luyện thi, Khoa nghĩ ra cách học nhóm và mua sách về nhà tự luyện. Cậu rủ hai người bạn cùng lớp thành một nhóm, tự ôn luyện cùng nhau, trao đổi cách giải những bài khó. Nếu bí quá mới nhờ đến thầy Phúc (dạy lý) và cô Hồng (dạy hóa) “cứu”. Minh Khoa còn mượn những cuốn sách hay của thầy cô đi photo rồi về tự giải. Những cuốn vở giải bài tập môn lý, hóa, toán của Khoa khá đặc biệt. Em chia vở thành hai phần: một phần tự làm và một phần chừa chỗ trống để sửa hoặc bổ sung cách giải khác. “Như thế rất dễ tìm và tiện lợi” – Khoa bảo.
“Em chọn học Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng vì nghe nói trường đào tạo chất lượng, ra trường dễ kiếm được việc làm, thu nhập ổn định. Đi lại cũng thuận lợi vì từ nhà em tới trường có hai tuyến xe buýt. Những trường khác xa quá, phải ở lại thì tiền ăn uống, tiền trọ sẽ rất tốn kém mà để mẹ ở nhà một mình thì em không an tâm. Em quyết định chọn cao đẳng vì điều kiện kinh tế gia đình. Lỡ học đại học mà phải bỏ dở giữa chừng thì uổng công sức mà tốn tiền bạc cha mẹ. Học cao đẳng cho chắc rồi liên thông lên đại học cũng được” – Khoa giải thích.
Khi biết tin con trai đậu thủ khoa Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng với 29,25 điểm, chưa làm tròn và chưa cộng 0,5 điểm ưu tiên khu vực 2 (toán 10 điểm, lý 9,75 điểm, hóa 9,5 điểm), mẹ Khoa đang sốt nóng lạnh. “Vậy mà nghe tin con đậu thủ khoa tui hết nóng lạnh luôn. Nhà cha mẹ nghèo lấy gì thưởng cho con. Tui lại hôn con một cái rồi cứ khóc thôi” – cô Phước rưng rưng nói. Khoa còn đậu vào khoa cơ khí – cơ điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM  với 22 điểm.
MY LĂNG (TTO)

Bình luận (0)