Một lần nữa cả thế giới lại rùng mình trước hình ảnh một cậu bé Syria 5 tuổi ngồi một mình trong xe cứu thương. Người cậu phủ một màn tro bụi và những vệt máu khô, ánh nhìn đờ đẫn, ngơ ngác.
Bức ảnh về Omran Daqneesh với ánh nhìn ngơ ngác và mệt mỏi trên xe cứu thương – Ảnh: Reuters |
Cậu bé Omran Daqneesh trong đoạn video phát trên mạng của Trung tâm truyền thông Aleppo ngày 18-8 dường như đã trở thành một biểu tượng nữa cho nỗi đau của người Syria trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua.
Nỗi đau cộng hưởng
Nhân viên y tế xác nhận bé Omran được lực lượng cứu hộ kéo lên từ đống đổ nát – nơi trước đó từng là mái ấm của gia đình gồm sáu thành viên – sau một cuộc không kích của lực lượng quân Chính phủ Syria tại khu vực phía bắc thành phố Aleppo.
Em là một trong số 12 đứa trẻ dưới 15 tuổi được tiếp nhận điều trị trong ngày 17-8 tại một bệnh viện trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát – một điều vốn dĩ rất đỗi bình thường và gần như xảy ra hằng ngày tại thành phố này kể từ khi giao tranh xảy ra.
Tuy nhiên, hình ảnh ngơ ngác và đáng thương của bé Omran đã đọng lại trong tâm trí cư dân mạng và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Chỉ trong vòng vài phút sau khi được tải lên mạng, tấm ảnh và đoạn video về bé Omran đã gây được sự chú ý và chia sẻ của truyền thông xã hội trên toàn thế giới. Đoạn video cho thấy Omran đã khá bối rối. Em tựa như đang nhìn về một nơi xa thẳm nào đó, quá sốc để có thể cất tiếng khóc.
Rồi Omran đưa tay lên vầng trán bê bết máu, nhìn vào bàn tay dính máu với một sự ngạc nhiên lớn rồi cố gắng chùi sạch máu. Omran đã ngồi một mình một lúc lâu trước khi có thêm hai đứa trẻ nữa được đưa vào xe.
Báo New York Times cho biết hình ảnh của Omran chắc chắn không phải là một điều gì đó quá mới mẻ ở xứ sở tan hoang vì cuộc chiến tranh này.
Đã và đang có vô số hình ảnh kinh khủng hơn về những đứa trẻ bị thương, bị giết trong cuộc chiến tại Syria vẫn được truyền thông xã hội chia sẻ hằng ngày trên mạng.
Thậm chí hình ảnh bé Omran ít ghê rợn, máu me nhưng nét mệt mỏi và đau thương lại rất có hồn đó đã dễ dàng xâm chiếm trái tim của cư dân mạng.
Đặc biệt, New York Times liên hệ với hình ảnh đau lòng chụp thi thể bé Aylan Kurdi dạt vào một bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ của gần một năm trước đây. Đầu tháng 9 năm ngoái, cả thế giới đã rúng động với hình ảnh đó, và nay điều này lặp lại.
Thế giới lên án
Nhiếp ảnh gia chiến trường Mohammed Raslan Abu Sheikh có mặt tại hiện trường cho biết người dân và lực lượng cứu trợ đã kéo Omran và những người còn lại trong gia đình sáu người của cậu ra khỏi đống đổ nát.
May mắn thay, tất cả thành viên trong gia đình Omran, bao gồm cha lẫn mẹ cậu bé, đều sống sót sau vụ không kích này.
“Cậu bé đang bị sốc, thậm chí không thể khóc, cậu ấy làm cho chúng tôi khóc trong khi bản thân chỉ im lặng và nhìn chúng tôi” – nhiếp ảnh gia Abu Sheikh chia sẻ với Hãng tin Reuters.
Hình ảnh của em cũng xuất hiện trong những tấm ảnh chế của cư dân mạng để phản ánh sự bất lực của đất nước, của các cường quốc phương Tây và thế giới trong việc bảo vệ những người như em. Một bức ảnh chế có hình Omran ngồi trên ghế đại diện cho quốc gia của em trước toàn thể thế giới.
Trong khi đó một tấm hình khác đặt em ngồi im lặng giữa cuộc hội thoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Cả Mỹ và Nga đều đang tham gia vào cuộc xung đột tại Syria theo những cách khác nhau và những nỗ lực để mang đến một thỏa thuận ngừng bắn của các cường quốc này đều chưa thành công.
Trên Twitter, từ khóa Syriaboy nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn luận hàng đầu tại Mỹ và Anh, trung bình mỗi phút có tới hơn 10 dòng tweet với từ khóa này.
Trong bài báo xuất bản ngày 18-8 (giờ Mỹ), nhật báo hàng đầu của Mỹ cũng đăng hình ảnh biếm họa đầy ý nghĩa của một cư dân mạng trên Instagram – một ứng dụng chia sẻ ảnh. Biếm họa này được đặt tên “Lựa chọn cho trẻ em Syria”, vẽ hình ảnh bé Omran và chú thích “Nếu ở lại”, bên kia là hình bé Aylan kèm chú thích “Nếu đi”. |
Tuy gia đình Omran may mắn sống sót và cậu bé trở thành hình ảnh tiêu biểu cho cuộc nội chiến tại Syria nhưng cha mẹ của Omran đã từ chối phát biểu trước truyền thông với lý do họ lo sợ bị trả thù. Các bác sĩ cho biết những người thân của gia đình Omran sống trong khu vực do chính quyền Damascus kiểm soát. |
ANH THƯ/TTO
Bình luận (0)