Cậu tôi sắp về hưu, nhớ quê miền Bắc thường tuyên bố: “Tao về quê”. Nghĩ lúc lại bảo: “Một năm tao về quê sáu tháng, ở đây đi câu sáu tháng. Đi câu hồ, câu suối, câu biển, câu gành, câu xa… ghiền lắm”. Nghe chuyện đi câu thôi cũng đủ ghiền rồi.
|
Biển Sơn Hải tuyệt đẹp – Ảnh: Thu Giang |
Sườn núi Thương Diêm, Phước Diêm, cảng Cà Ná, vịnh Vĩnh Hy, Sơn Hải, xóm 7 Vĩnh Hảo, bãi san hô Mỹ Tân, bãi san hô Thái An là những điểm câu biển, câu ghềnh nổi tiếng. Câu ở biển phải theo con nước; nước lừa, nước ròng cá ít ăn; nước lớn cá ăn nhiều hơn. Phải chọn địa thế để đứng, câu ghềnh đứng dang nắng là chuyện bình thường.
Mê nhất là những chuyến câu đêm. Nhóm câu thường xuất phát lúc 3g chiều, đến nơi nắng đã tắt, cứ thế vừa câu vừa nhậu lai rai xuyên đêm.
Hôm tôi được “bám đuôi” đi câu ở Sơn Hải là một ngày nắng chói chang. Thôn Sơn Hải thuộc xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, cách Phan Rang vài chục cây số về phía nam. Xe theo quốc lộ 1 về hướng Cà Ná, cách Phan Rang khoảng 15km thì rẽ trái ở Phước Nam, rồi chạy thẳng qua Phước Lập, Bàu Ngư xuống Sơn Hải.
Lúc về theo con đường ven biển chạy từ Sơn Hải, Vĩnh Trường, về Từ Thiện, Phú Thọ. Cậu tôi giới thiệu bãi biển Phước Hải, đồi cát Phước Dinh, cây neem đã đem lại màu xanh cho vùng đất được mệnh danh “sa mạc của sa mạc” này.
Ninh Thuận của tôi là đây – những cung đường đầy nắng gió, không khí buổi sớm mát lạnh, bầu trời cao xanh ngăn ngắt, những tán me mùa này lên búp non xanh, xương rồng vợt gai nở hoa hai bên đường đi. Có những đoạn đường bị cắt làm đôi từ trận lụt lịch sử tháng 11-2008, cả đoàn phải đi vòng, đẩy xe lên những dốc cát cao như một con đê khiến “kẻ bám đuôi” ưa mạo hiểm càng thêm khoái chí.
|
Biển đây rồi! – Ảnh: Thu Giang
|
|
Ôm cần trước biển – Ảnh: Thu Giang |
Qua sông Sơn Hải đầy rác, con đường thu hẹp lại đến khi trước mặt chúng tôi chỉ còn là một đồi cát lớn. Bình linh xoan mọc đầy trên cát như những bông hồng xanh biếc. Vượt qua đồi cát, chúng tôi men theo ghềnh đá và chỉ 15 phút sau biển đã hiện ra xanh ngắt trước mặt.
Cuộc câu bắt đầu, còn với tôi là cuộc rong chơi từ ghềnh đá này qua ghềnh đá khác. Trong khi các tay câu nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề và ngồi đồng ôm cần từ giờ này qua giờ khác, tôi mê mẩn với phong cảnh biển đẹp mê hồn. Mỗi góc nhìn lại thấy biển hiện lên một vẻ diễm lệ khác nhau. Những bụi ngọc nữ biển mọc lên lúp xúp từ những hốc đá cằn cỗi, hoa trắng lá xanh biếc trong nắng. Trong lùm cây, người ta đặt những chiếc bẫy nhỏ để bẫy loài dông cát.
Ghềnh đá là nơi sinh sống của những con ốc đủ màu, ốc mượn hồn, cua nhiều loại, những con cầu gai giống những chú nhím xù lông nằm lọt thỏm trong hốc đá, vô số cá nhảy có màu da giống như những tảng đá mọc rêu.
|
Mênh mông đồi cát Phước Dinh trong nắng sớm – Ảnh: Thu Giang
|
Hôm nay là một ngày nước ròng và trong vắt, cả buổi sáng các cần thủ chỉ câu được vài ba con cá hiếu, cá tà ma và cá thia lia, đủ cho bữa trưa dã chiến. Bếp chụm trong một hốc đá, chẳng mấy chốc bữa trưa đã sẵn sàng. Còn phải nói: món cá nấu chua với lá me non và cà chua, ăn cùng với nước mắm ớt đã trở thành một trong những món ngon nhất mà tôi từng được ăn.
Sau bữa trưa, các tay câu nằm nghỉ ngơi trên ghềnh đá. Biển chỗ thì xanh thẳm êm đềm, chỗ thì sóng ào ạt tung bọt trắng. Không gian yên tĩnh lạ lùng, nếu có chú ý lắng nghe cũng chỉ nghe tiếng sóng đánh vào ghềnh đá và tiếng gió thổi qua những khe núi.
Tôi hài lòng núp dưới một hốc đá mát lạnh, ngâm chân trong dòng chảy nước mặn tưởng tượng mình đang thư giãn ở một spa thiên nhiên hạng nhất…
Tháng 9 đến tháng 2 âm lịch hằng năm, mùa gió bấc cũng là mùa câu ghềnh, câu nổi. Khi những cơn bão, áp thấp dồn dập ngoài khơi xa, biển động, cá đổ vào ăn gần bờ, lúc đó đi câu thường thắng lớn. Có những ngày đi câu phải gánh cá về vì xách không nổi.
Mùa này khoái nhất là câu cá dổi, cá năng. Mùa bấc còn câu cá vược, cá kẽm; khi câu vào đàn, một buổi câu được cả vài chục ký. Tháng 3, tháng 4 ta khi gió đông nam thổi, bắt đầu những trận nắng bạc người cùng những trận mưa dữ dội, kéo dài đến tận tháng 8, đi câu không còn cái thú gánh cá về nhưng vào những ngày nước lớn cũng có thể bội thu.
Mùa gió đông nam là mùa câu chìm, câu cá hanh, cá mú, cá hồng, cá bè trang, cá mó, cá trao tráo. Những ngày mưa, ôm cần trong mưa cũng có cái thú riêng.
|
Theo THU GIANG
Tuoi Tre
Tin liên quan
Mùa cao điểm du lịch Tết Nguyên đán 2025 với kỳ nghỉ dài ngày tạo cơ hội cho người dân du xuân...
Tết này du khách cứ đến Công viên nước Đầm Sen để tận hưởng những giây phút vui vẻ bên gia đình...
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện tại Hội nghị Tổng kết công tác năm...
Ngày 12-1, Giải Marathon TP.HCM lần thứ 12 năm 2025 chính thức diễn ra với điểm xuất phát và về đích ngay...
Bình luận (0)