Lương cao, thưởng lớn là điểm khác biệt giữa cầu thủ bóng đá và giới VĐV thể thao nói chung. Nhưng, một trong những nguyên nhân giúp bóng đá trở thành “quý tộc” chính là khoản lót tay ngất ngưởng.
Bút sa gà… sướng
Giai đoạn quá độ đi lên chuyên nghiệp làm nảy sinh những hiện tượng tưởng chừng đi ngược quy luật. Nó buộc những người làm bóng đá phải thay đổi và thích ứng nếu không muốn bị đào thải. Đó là việc tìm tiền để tham gia thị trường chuyển nhượng. Giàu hay nghèo, nhà nước hay doanh nghiệp, đội bóng cũng phải tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của cầu thủ.
Bây giờ, một cầu thủ có xe ô tô là điều hết sức bình thường trong làng bóng đá |
Trên thế giới, một cầu thủ hết hợp đồng mà không được gia hạn nghĩa là mất giá. Nhưng BĐVN lại khác, đó là cơ hội để các cầu thủ đổi đời. Bất luận là gia hạn hay ký hợp đồng mới, cầu thủ đều có thể kiếm rất nhiều tiền sau cái gật đầu của mình. Cầu thủ rất chờ đợi ngày mình hết hợp đồng với đội bóng. Đó là thời điểm mà họ có thể đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Cách đây vài năm, thủ môn Hồng Sơn từng tính chuyện làm tài xế xe tải, làm vườn thả cá để kiếm kế sinh nhai. Từ khi chuyển sang đầu quân cho T&T HN, người ta thấy một Hồng Sơn khác. Anh sắm xe ô tô Audi Q7, có điều kiện để thực hiện những dự án táo bạo của mình. Công Vinh cũng vậy. Anh trở thành một trong những cầu thủ giàu nhất Việt Nam nhờ chuyển nhượng. Giờ anh đã có một căn nhà ở Hà Nội cùng một khoản tiền lớn và liên tục gia tăng trong tài khoản. Ngay cả những cầu thủ từng lầm lạc như Quốc Vượng cũng có tiền tỷ khi ký hợp đồng. Vừa được đặc xá, anh đã được Thể Công mời gọi với khoản tiền lớn cùng mức lương ngất ngưởng. Từ chỗ mất hết, Vượng lại có rất nhiều tiền, dù anh mới chỉ thi đấu vài chục phút cho Thể Công.
Các ngôi sao nhận khoản tiền lớn, những cầu thủ bình thường cũng kiếm được từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng khi ký hợp đồng mới. Họ có điều kiện để mua nhà, sắm xe, hay thực hiện các kế hoạch làm ăn. Với những cầu thủ trẻ, hoặc ít tiếng tăm thì khoản tiền lót tay thực sự giúp họ đổi đời. Điển hình như Cao Xuân Thắng, giờ có một gia sản tương đối lớn nhờ biết dùng tiền từ những lần chuyển nhượng để đầu tư vào đất. Bây giờ, một cầu thủ có xe ô tô là điều hết sức bình thường trong làng bóng đá. Thậm chí, thủ môn dự bị của Thể Công là Vũ Dũng hàng ngày cũng phóng xe BMW X5 đến sân tập. Đây là điều mà ngay cả những ngôi sao thuộc thế hệ vàng như: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh… thời đỉnh cao phong độ cũng không có được.
Danh phải đi với giá
Có ý kiến cho rằng, thị trường chuyển nhượng hoạt động không chuyên nghiệp vì thiếu nguồn cung. Hệ quả là chính các đội bóng tự làm khổ mình vì những cuộc chạy đua thái quá. Nhưng ngay cả khi có những lời cảnh báo thì thị trường chuyển nhượng vẫn không hề trầm lắng, thậm chí còn nóng hơn. Các kỷ lục về chuyển nhượng liên tục bị phá và chưa có dấu hiệu sẽ chững lại trong thời gian tới.
Cầu thủ hiện nay giàu lên nhờ chuyển nhượng. Các đội bóng phải tiêu tốn nhiều tiền hơn để chiêu mộ lực lượng. Nhưng có một điều chắc chắn, một khi các CLB chưa thể tự cung cấp lực lượng thì thị trường chuyển nhượng vẫn phát triển nóng. Mặt khác, tiền lót tay cầu thủ vẫn ngày một tăng, bởi đó là chi phí cho tài năng thì không thể giới hạn ở một con số nhất định. Tiền lót tay thể hiện sự ghi nhận của xã hội đối với tài năng của cầu thủ. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là cầu thủ có thực sự xứng đáng với giá trị mà mình được hưởng hay không?
Họ đã nói:
Ông Nguyễn Hưng Thái – Chủ tịch CLB Nam Định: “Đi – ở là chuyện thường tình trong bóng đá. Tôi nghĩ, những đội bóng nghèo như Nam Định thì khó lòng giữ chân được các cầu thủ nếu họ hết hợp đồng, dù khó khăn trước mắt là điều nhìn thấy. Chúng tôi hiểu, đó là bóng đá chuyên nghiệp!”
Ông Đoàn Phùng – Trưởng đoàn bóng đá Huế: “Nhiều cầu thủ ra đi vì chuyện tiền, và tất nhiên, đó sẽ là nguyên nhân quyết định ý thức của họ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cầu thủ ra đi để tìm danh vọng, để xác lập tên tuổi và chứng minh khả năng. Hãy hỗ trợ họ nếu sự ra đi đó là hợp lý”
Ông Phạm Văn Lệ – Trưởng đoàn bóng đá Ninh Bình: “Tôi nghĩ, mỗi cầu thủ nên có một người đại diện theo pháp luật. Có thể là luật sư, hoặc một người nào đó hiểu luật pháp. Chỉ có như thế, quyền lợi của các cầu thủ, những người luôn được xem là thiệt thòi trong mọi hoàn cảnh mới được bảo hộ một cách tuyệt đối”.
Thượng tá Nguyễn Hồng Lĩnh – Trưởng đoàn bóng đá QK4: “Mùa trước, QK4 đã thuyết phục tiền vệ Văn Thông bằng nhiều hình thức, song khi cậu ấy nhất quyết đòi đi, chúng tôi đã đồng ý. QK4 hiểu, giữ Thông ở lại thì dễ, nhưng khi cái hồn cậu ấy đã thuộc về nơi khác thì việc cố tình giữ lại chỉ làm hại cả hai bên. Vậy nên, hãy chuyên nghiệp và “thoáng” hơn trong vấn đề chuyển nhượng cầu thủ…”
Lót tay định giá tài năng
Câu hỏi ai là cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam luôn khiến dư luận phải quan tâm. Cách đây một mùa giải, nhiều người cảm thấy sốc khi Công Vinh được định giá 7-8 tỷ đồng. Ban đầu, tuyển thủ này định gia nhập Thể Công nhưng vào phút chót, hợp đồng không thành. Công Vinh chuyển hướng sang T&T HN với số tiền 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin có được, số tiền thực nhận của cầu thủ này không cao như những gì được loan báo. Nhưng dù thế nào thì đến thời điểm này, Công Vinh vẫn là cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam.
Trong giới cầu thủ ngoại, không phải Leandro hay Lee Nguyễn là những cầu thủ nhận được nhiều tiền lót tay nhất. Leandro nhận khoảng 150.000 USD (mức lương 12-14.000 USD/tháng) sau khi gia hạn hợp đồng với XM.HP cuối mùa giải vừa qua. Lee Nguyễn nhận một khoản tiền lót tay rất lớn khi chấp nhận đầu quân cho HAGL. Đáng nói, theo thông tin riêng, mức lương của Lee Nguyễn cao hơn rất nhiều con số 10.000 USD/tháng được công bố. Ngoài ra, ba cầu thủ ngoại của Thể Công do HLV Lê Thụy Hải chọn là De Oliveira, Vanderlei Lima, Gilson Da Silva cũng được xếp vào nhóm những cầu thủ nhận tiền lót tay và lương cao nhất Việt Nam hiện nay. Theo thông tin có được, tiền chuyển nhượng của bộ ba này vào khoảng 800.000 USD. Ngoài ra, mức lương của họ đều trên 10.000 USD/tháng.
Khắc Sơn (theo baobongda)
Bình luận (0)