Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Câu chuyện cảm động của “Bác sĩ kháng lao”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày phát hiện mình bị nhiễm lao màng não, TS.BS Nguyễn Đức Bằng (SN 1966) từ bác sĩ chuyên khoa Lao (BV Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) trở thành bệnh nhân nơi bệnh viện mình làm việc. Nhiều người thân lo lắng khuyên nhủ chuyển đổi nơi làm việc, thế nhưng ông vẫn một mực gắn bó, quên mình để tiếp tục chữa trị cho hàng trăm trẻ em bị bệnh lao cho đến tận bây giờ.

Bác sĩ Bằng đang khám cho một bệnh nhi

Hơn 20 năm gắn bó với bệnh nhi nhiễm lao

Năm 1995, bác sĩ Nguyễn Đức Bằng (quê Lâm Đồng) vừa tốt nghiệp Đại học Y liền xin về công tác tại bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch. Ông nhớ lại, hồi mới ra trường, điều ông khao khát nhất là có một công việc đúng chuyên môn, áp dụng những kiến thức mình đã được học để cứu người. Biết môi trường BV Phạm Ngọc Thạch chuyên điều trị chuyên khoa lao, nhiều người thân trong gia đình có ý ngăn cản nhưng chàng trai trẻ vẫn quyết tâm nộp đơn xin việc. “Là bác sĩ, không được từ chối bất cứ nơi nào nếu có bệnh nhân. Càng là nơi khó khăn, nguy hiểm thì bệnh nhân càng cần mình hơn lúc nào hết. Ngược lại ai cũng sợ thì chẳng còn ai để chữa trị, giúp người bệnh giành giật sự sống” – Bác sĩ Bằng chia sẻ.

Ông cho hay, nhiều người nghĩ chỉ người lớn mới nhiễm lao, tuy nhiên quan niệm đó là sai lầm, thực tế có rất nhiều trẻ em cũng nhiễm bệnh, đặc biệt tại BV đã từng tiếp nhận một số bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là 1 tháng tuổi bị lao phổi. “Khi thấy con ho sốt kéo dài phần lớn các bậc phụ huynh đều nghĩ đến viêm phổi, viêm phế quản… tự mua thuốc uống. Nhiều bệnh viện tuyến dưới cũng chủ quan không nghĩ đến lao, nên nhiều trường hợp các bệnh nhi đã phải chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện kia nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Khi chuyển đến BV Phạm Ngọc Thạch, nhiều cháu sức khỏe đã suy kiệt”.

Đối với bệnh nhi nhiễm lao, khó khăn nhất là việc chẩn đoán, bởi khó lấy mẫu đàm và hình ảnh phim chụp X-Quang không điển hình. Trong phòng khám, mỗi một lần tiếp nhận bệnh nhân, điều đặc biệt là BS Bằng không đeo khẩu trang, ân cần từ việc thăm khám đến hướng dẫn người nhà của bệnh nhi dùng thuốc như thế nào, phác đồ điều trị cho con ra sao cho hợp lý. Ông cười hồn hậu nói: “Nhiều người hỏi tôi sao làm việc trong môi trường lao lại không đeo khẩu trang, tôi chỉ cười”. Ông nói thêm: “Chữa lao cho trẻ em không khó vì điều trị lao ở trẻ em đáp ứng tốt hơn ở người lớn, điều quan trọng là chẩn đoán đúng bệnh và quá trình chăm sóc tình cảm từ gia đình và mọi người xung quanh. Nếu bác sĩ, thậm chí là người nhà bịt khẩu trang, bé sẽ có cảm giác bị xa lánh, quá trình hồi phục khó khăn hơn, sau khi khỏi bệnh tâm lý của bé cũng có nhiều mặc cảm”. Cứ như thế, hơn 20 năm nay, bằng sự tận tâm hết mực, BS Bằng đã chữa trị thành công cho hàng trăm bệnh nhi không may mắc bệnh khi chỉ còn rất nhỏ.

“Chừng nào đuổi tôi mới đi…”

Hơn 20 năm trong nghề, có lẽ năm 2010 là mốc thời gian tạo nên chuyển biến rất lớn đối với cuộc sống và sự nghiệp của ông. BS Bằng hồi tưởng: “Thời gian đó, tôi đang thực hiện một đề tài nghiên cứu về lao thì sức khỏe suy giảm nghiêm trọng với những biểu hiện: Sốt cao liên tục, nhức đầu dữ dội. Suốt 13 ngày vật vã chống chọi, tôi vẫn không nghĩ mình bị lao màng não bởi dấu hiệu điển hình nhất là nôn vọt không xuất hiện. Lúc tôi quyết định nhờ đồng nghiệp chọc dò dịch não tủy chỉ là biện pháp để sàng lọc”.

Bác sĩ Nguyễn Đức Bằng cười hồn hậu nói: “Nhiều người hỏi tôi sao làm việc trong môi trường lao lại không đeo khẩu trang, tôi chỉ cười”. Ông nói thêm: “Chữa lao cho trẻ em không khó vì điều trị lao ở trẻ em đáp ứng tốt hơn ở người lớn, điều quan trọng là chẩn đoán đúng bệnh và quá trình chăm sóc tình cảm từ gia đình và mọi người xung quanh. Nếu bác sĩ, thậm chí là người nhà bịt khẩu trang, bé sẽ có cảm giác bị xa lánh, quá trình hồi phục khó khăn hơn, sau khi khỏi bệnh tâm lý của bé cũng có nhiều mặc cảm”.

Cầm trên tay kết quả nhiễm lao màng não (thuộc thể lao nặng), BS Bằng mới vỡ lẽ mình đã bị triệu chứng đánh lừa. Ông nhớ lại: “Biến chứng của lao màng não có thể khiến bệnh nhân liệt tứ chi, lé mắt, tiểu tiện không tự chủ, mù mắt, động kinh, thậm chí là sống đời sống thực vật; nhưng may mắn tôi mới là giai đoạn đầu. Tôi tự trấn an mình “vẫn còn trong khả năng chữa trị tốt””. Tự thuyết phục mình như thế, thế nhưng quá trình điều trị của ông cũng gặp không ít gian nan. “Tôi phải nghỉ việc gần 1 năm, tự mình điều trị bệnh theo công thức Châu Âu (không áp dụng phương pháp tiêm mà uống thuốc 12 tháng). 1 tháng đầu, sức khỏe tôi yếu hẳn, đi lại, thay quần áo hết sức khó khăn, điều trị xong hơn 1 năm sau vẫn có những cảm giác ớn lạnh không như bình thường”, BS Bằng chia sẻ.

Đang là người khỏe mạnh, bỗng nhiên lâm bệnh rồi nằm một chỗ, bản thân BS Bằng là người có chuyên môn lo lắng 1 thì người thân lo lắng 10. Ông kể: “Vợ và con của tôi ai cũng lo lắng, khuyên nhủ chuyển đổi nơi làm việc. Tôi chỉ nghe rồi để đó. Chưa chữa bệnh xong, tôi vẫn gắng gượng quay trở lại BV để làm việc, đến 2011 bệnh mới dứt. Nhiều lần vợ con trách móc, tôi chỉ giải thích “công việc đã ngấm vào người sao nói đổi là đổi. Chừng nào BV đuổi, tôi mới đi…”. Năm 2014, BS Bằng bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu sinh Tiến Sĩ “Chẩn đoán và điều trị lao màng não ở trẻ em ở Việt Nam”. Cho đến nay, BS Bằng đã là trưởng khoa Nhi (BV Phạm Ngọc Thạch). Dù căn bệnh có nguy cơ tái phát bất cứ lúc nào thế nhưng ông vẫn dành một nỗi niềm đặc biệt cho bệnh nhi nhiễm lao. Thấy BS Bằng không dùng khẩu trang và nụ cười luôn thường trực, nhiều phụ huynh đặt biệt danh vui cho ông là “bác sĩ kháng lao”. “Hôm trước, phụ huynh một cháu bé đã xuất viện cách đây rất lâu vẫn còn nhắn tin chúc tôi mạnh khỏe, nhiều khi đó là sự an ủi lớn nhất trong nghề đối với chúng tôi”, BS Bằng mỉm cười.

Bài, ảnh: Thương Thương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)