Mất ánh sáng đôi mắt – nỗi buồn lớn nhất của đời người – cuộc sống của những người khiếm thị là bóng đêm hun hút với trăm ngàn những khó khăn. Vậy mà có những chàng trai, cô gái khiếm thị nghèo khó đã bước qua nghịch cảnh để thành vợ, thành chồng, sinh ra những đứa con và chung tay nuôi dạy con nên người. Đạo vợ chồng, tình cha, nghĩa mẹ cũng như tình yêu cuộc sống của họ sáng lên trong từng bước chân dò dẫm, từng cử chỉ lần mò trong bóng tối.
Mở cửa ước mơ
Đó là câu chuyện tình đẹp và khá lãng mạn của cô học trò Ngô Thúy Nga và thầy giáo Bùi Văn Đồng. Tình yêu của hai người như một giấc mơ, một giấc mơ có thật. Trước kia, ông là giáo viên dạy chữ nổi ở trường Ba Đình, bà là học sinh trong trường. Vượt qua rào cản của những định kiến xã hội, vượt qua bao nỗi khó khăn nhọc nhằn trong cuộc sống, họ yêu nhau và quyết tâm xây dựng gia đình.
Bà Nga tâm sự: Tôi bị khiếm thị từ nhỏ, năm tôi 15 tuổi, bố mẹ tôi cho vào học trường chữ nổi Ba Đình. Tôi được vào học lớp của thầy giáo Đồng suốt những năm học ở đó… Tuy không nhìn thấy nhau nhưng chúng tôi được nghe giọng nói của nhau hàng ngày, dần dần chúng tôi có cảm tình với nhau. Và cứ thế thời gian thấm thoắt trôi đi, sau một quãng thời gian dài 19 năm quen biết và chia sẻ những buồn vui của cuộc sống, họ đã nên duyên vợ chồng. Mặc cho những lời nói ra nói vào rằng: Người khiếm thị lấy nhau thì làm sao lo nổi cuộc sống và đặc biệt là nếu sinh con ra lại “giống mình” thì sao…
Sau lễ cưới giản dị nhưng đầm ấm là cả một quãng thời gian hai người phải thích nghi với cuộc sống của hai vợ chồng mù. Suốt thời gian mang thai, bà Nga lo lắng với việc tìm hiểu ly, bát, bình sữa, núm vú, thìa… cho đứa con sắp sửa chào đời. Bà Nga tâm sự về quyết định có con của hai người: “Thực tình, biết hoàn cảnh của mình là như vậy, khó khăn là thế nhưng hai vợ chồng vẫn hy vọng đứa con sinh ra sẽ được lành lặn”. Và ánh sáng dường như trở lại với họ khi bé Bùi Tiến Đạt chào đời.
Cái ngày bé Đạt chào đời tất cả người thân trong gia đình cũng như bà con làng xóm, láng giềng ai cũng phấn khởi đến chia vui và khen cháu bụ bẫm, dễ thương. Mẹ cha sờ chân, nắn tay biết con lớn từng ngày. “Nó mập mạp, trắng trẻo như một cậu bé công tử con nhà giàu”, bà Nga kể ai cũng khen như vậy. Không biết mặt con, bà vẫn bế bé Đạt ra cửa hàng chụp ảnh “thấy đứa bé đẹp, mấy bác hàng xóm còn xin ảnh của cháu để đăng báo nữa cơ đấy!”, bà Nga cười nói.
Lần đầu đặt con xuống đất, nó choài người ra rồi chập chững đi lại, hàng xóm thì ngạc nhiên, bà Nga thì mừng quýnh: “Thế là nó đã biết đi rồi, nhanh thật đấy”. Khi bé Đạt biết đi bà lại thấy sợ, sợ sẩy chân, sẩy tay… Để biết con luôn luôn trong vòng an toàn, ông bà đã nghĩ ra cách đeo vào cổ con một cái lục lạc để dõi theo từng bước bé Đạt đi: “Hoàn cảnh mình không được như người ta thì phải cẩn trọng, thật cẩn trọng”, bà Nga nói.
Đường phố đã lên đèn nhưng người đàn bà khiếm thị ấy vẫn dò dẫm tay gậy, cổ ngẩng lên cố gắng lắng nghe tiếng xe máy của đứa con trai mình đã về chưa. Ngoài đường vẫn tấp nập người qua lại, ai cũng vội vã trở về tổ ấm sau một ngày làm việc vất vả, nhưng không ai để ý đến trước một con ngõ nhỏ có một thanh niên một tay dắt xe, một tay đỡ mẹ vào nhà. Hai mẹ con bà Nga chờ cơm nhau như thế đã hơn mười năm nay.
|
Bé Đạt dần lớn lên từ những bát cháo, củ khoai do chính tay người mẹ mù dò dẫm hàng ngày nấu chín. Ông bà hy sinh tất cả để nuôi con khôn lớn và cho con đi học để bằng bạn bằng bè. Khi nghe mọi người xôn xao chuyện bé Đạt đạt giải học sinh giỏi, ông bà mừng rơi nước mắt. Đến nay, bà vẫn giữ những kỷ vật, những tấm ảnh, bằng khen mà Đạt đã nỗ lực đạt được cho dù chưa một lần được chiêm ngưỡng nụ cười của con khi nhận chúng. Bà Nga kể lại cảnh chăm con trong bóng đêm làm người nghe phải nhắm mắt lại để hình dung: “Tôi đã bế nó trên tay suốt gần một năm, không dám rời ra một phút vì chỉ sợ nếu rời cháu sẽ chạy đi xa tôi…”
Mười mấy năm trời kể từ khi có con, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Đồng vẫn tiếp tục công việc dạy học của mình ở trường chữ nổi Ba Đình, còn bà Nga thì ở nhà trông con và làm tăm tre để bán kiếm chút tiền phụ giúp gia đình. Năm Đạt lên 18 tuổi, cậu thi đỗ vào Đại học Bách Khoa cũng là lúc ông Đồng mất. Bao khó khăn gian khổ lại chồng chất lên đôi vai gầy của người đàn bà khiếm thị. Được sự giúp đỡ của bà con khu phố, của Hội người mù thành phố Hà Nội bà cũng nuôi Đạt tốt nghiệp được đại học. Bà Nga tâm sự: “Được cái cháu nó rất ngoan và chăm học. Ngoài hai buổi đến trường, đêm về cháu còn đi dạy thêm ở các trung tâm gia sư để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con”.
Nhờ sự nỗ lực trong học tập, Đạt ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu và tìm được cho mình một công việc ổn định. Tâm sự với tôi, Đạt bảo: “Bố mẹ em đã hy sinh tất cả để cho em ăn học, bây giờ em đã trưởng thành, đi làm và nguyện sẽ chăm sóc mẹ thật tốt”.
Hạnh phúc…
Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Thư (xã Thiên Hương – Thủy Nguyên -Hải Phòng) hai đứa con anh đang dò dẫm bọc mấy gói tăm tre, bà mẹ vợ anh thì đang khâu lại chiếc áo của hai đứa cháu đã rách sờn vai. Anh Thư thì ngồi thu lu một chỗ, đôi mắt không còn khả năng quan sát hướng ra phía cửa sổ. Mỗi khi trời nắng hay mưa thất thần như thế này, anh đều rất lo cho người vợ mù của mình không biết xoay xở thế nào giữa chốn đông người, trong từng góc phố.
Vợ anh Thư là chị Nguyễn Thị Tuất cũng bị khiếm thị từ nhỏ, mẹ của Tuất là bà Phí Thị Hòa cũng không còn thấy ánh sáng đã hơn 50 năm nay. Đặc biệt, hai đứa con gái của anh chị là Trần Thị Trang (SN 1994) và Trần Thị Kiều Oanh (SN 1996) cũng bị khiếm thị giống cha, mẹ.
Mỗi lần ôm các con vào lòng, nỗi đau ứ nghẹn trong lòng vợ chồng anh lại tuôn trào vì chẳng biết mặt mũi con cái ra sao và cả hai đứa con anh cũng chẳng hề biết mặt cha mẹ mình. “Chỉ biết sờ nắn suốt người các con, thấy chúng cũng còi còi giống cha, mẹ. Đều là thành viên trong một gia đình nhưng họ lại chẳng hề có trong đầu hình hài, khuôn mặt của nhau, cũng may, dù không còn ánh sáng nhưng giữa họ có tình yêu, sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ.
Một lần đưa bé Trang đi khám, các bác sĩ nói: “Con bé bị khiếm thị là do di truyền, nhưng nếu được mổ kịp thời thì vẫn có khả năng cứu vãn được. Ngược lại, nếu không mổ kịp thời thì đôi mắt ấy vĩnh viễn không nhìn được nữa”. Tia hy vọng mong manh ở phía cuối đường hầm chưa kịp lóe lên thì vội vụt tắt bởi chi phí cho một ca mổ là khá lớn. Đối với những gia đình bình thường còn khó, huống gì vợ chồng anh. Anh Thư nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi thì chẳng nói làm gì, chỉ mong cho đôi mắt của con bé được chữa trị lành lặn lại. Được nhìn thấy ánh sáng là tôi mừng rồi”.
Giang Vương
Bình luận (0)