Nằm dưới chân núi Thủy Sơn (danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn), Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn trưng bày hàng trăm hiện vật, kể câu chuyện về quá trình hình thành và phát triển nghề đá mỹ nghệ ở mảnh đất Đà Nẵng. Đến Non Nước, không chỉ để tham quan danh thắng mà còn được nghe câu chuyện lịch sử về một vùng đất, về làng nghề truyền thống gần 400 năm qua.
Anh Lê Văn Hòa đang chia sẻ về Bảo tàng Ký ức đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn do anh thành lập
Dòng chảy gần 400 năm
Tháng 9! Dòng người về khu danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn vẫn tấp nập. Hoàn thành khám phá Non Nước, du khách không quên ghé lại Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ để được nghe câu chuyện về làng nghề truyền thống ngót 400 năm dưới chân ngọn Thủy Sơn. Chăm chú quan sát, đọc thông tin và ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay, em Ngọc Linh, quê Quảng Ngãi chia sẻ: “Em vừa thi đỗ vào ngành du lịch, dự định sau này sẽ làm hướng dẫn viên nên em tranh thủ thời gian tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử các địa phương miền Trung để sau này thuận tiện cho công việc. Đến Đà Nẵng, em rất thích khi được nghe lịch sử về làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước. Tham quan bảo tàng, em dễ hình dung hơn về câu chuyện hình thành làng nghề và quá trình phát triển thông qua các hiện vật được trưng bày ở đây, thay vì chỉ tìm hiểu thông tin qua internet”.
Không gian đầu tiên trong bảo tàng trưng bày hình ảnh hiện vật làm đá mỹ nghệ từ thời sơ khai. Không khó để hình dung công việc của người thợ đá vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, khi ông tổ nghề đá mỹ nghệ từ Thanh Hóa chọn xứ mảnh đất dưới Ngũ Hành Sơn này để dừng chân, truyền nghề. Thuở ấy, người thợ đá để làm nên một sản phẩm phải dùng cưa tay, khoan tay thủ công để xẻ đá. Một chiếc chum sành đựng nước đặt phía trên cho dòng nước từ từ nhỏ xuống làm giảm nhiệt và độ bào mòn lưỡi cưa. Để xẻ được một tảng đá, người thợ thủ công phải mất cả tuần, đôi khi công việc này kéo dài cả tháng mới chia tảng đá thành nhiều khoanh vừa ý. Những người làm nghề kể lại, ngày ấy, trước khi muốn trở thành thợ đá, người thợ phải trải qua ngày tháng học làm thợ rèn. Biết nghề rèn để tự mình sáng tạo ra những chiếc dùi, đục, cưa phù hợp với mục đích chế tác đá mỹ nghệ.
Những hiện vật ghi dấu quá trình phát triển nghề đá mỹ nghệ ở Non Nước – Ngũ Hành Sơn
Đơn cử như chiếc vòng tay ngày đó đôi khi người thợ phải dùng đến hệ thống khoan lõi đá, đá màu để làm cho chiếc vòng tròn và nhẵn. Điểm đặc biệt trong khuôn viên bảo tàng níu chân nhiều du khách ghé thăm có lẽ đó là nơi trưng bày những chiếc neo tàu thuyền trên biển bằng đá do chính người thợ Non Nước chế tác cách đây mấy trăm năm, khi neo sắt chưa ra đời.
Qua thời gian, nghề đá mỹ nghệ ở Non Nước có nhiều cải tiến để giảm thiểu sức lao động thủ công của người thợ, nhưng những gì tiền nhân để lại đều vô cùng quý giá, có ý nghĩa về mặt giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của một làng nghề, một vùng đất. Khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh các tác phẩm tượng, đồ lưu niệm và hàng trăm người thợ tạc đá, hẳn sẽ luôn tự hào về dòng chảy làng nghề của mình qua gần 400 năm với nhiều sản phẩm vang danh trong và ngoài nước. Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu – người thợ đá đầu tiên của ngành điêu khắc đá Việt Nam được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân – người hai lần vinh dự nhận nhiệm vụ khắc tượng phục vụ APEC chia sẻ: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi bức tượng do chính tay mình khắc lại được du khách và bạn bè quốc tế chiêm ngưỡng tại sự kiện APEC. Đó là niềm tự hào của người làm nghề và của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước – làng nghề đã được các bậc tiền nhân gìn giữ, phát triển trong suốt gần 400 năm nay”.
Lưu giữ giá trị văn hóa
Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn được anh Lê Văn Hòa (47 tuổi) – một người sinh ra và lớn lên bên chân núi Ngũ Hành Sơn suốt nhiều năm dồn hết tâm sức và kinh phí đầu tư xây dựng. Anh Hòa kể, anh theo học nghề từ lúc mới lên 10 tuổi. Đến tuổi thanh niên, anh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hoàn thành nhiệm vụ, trở về với ý nghĩ tiếp tục theo đuổi nghề, nhưng rồi dần dần máy móc thay thế công việc thủ công của con người. Níu náu với làng nghề hàng trăm năm, muốn kể lại câu chuyện thuở lập làng, mở nghề của cha ông, anh âm thầm với hành trình tìm kiếm, sưu tập lại những tác phẩm, dụng cụ chế tác đá bằng tay để trưng bày với mong muốn lưu trữ, bảo tồn, góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
“Thời gian luôn làm mọi thứ thay đổi. Làng nghề đá Non Nước cũng như vậy, nghề điêu khắc đá qua mỗi thời kỳ đều có những nét riêng. Thông qua những câu chuyện bằng hiện vật trong bảo tàng này, tôi muốn làm một điều gì đó, dù nhỏ nhoi để giữ lại những tinh hoa của quá khứ, làm nền tảng động viên cho thế hệ làm nghề đá mai sau. Về lâu dài, tôi sẽ lên kế hoạch liên kết với các công ty du lịch để hình thành tuyến du lịch trải nghiệm cho du khách và hướng đến mục đích giáo dục. Làm sao để khi đến đây, các em học sinh, sinh viên trên địa bàn hiểu rõ hơn về làng nghề truyền thống của cha ông mình”, anh Lê Văn Hòa – người thành lập Bảo tàng Ký ức đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn nói. |
Năm 2014, nghề đá Non Nước – Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó càng thôi thúc anh Hòa trên hành trình thực hiện ý tưởng của mình. “Tôi ấp ủ ý tưởng thành lập bảo tàng hơn 10 năm. Năm 2021, khi định hiện thực hóa ý tưởng thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh, phải đợi đến giữa năm 2023 mới bắt đầu cho ra mắt bảo tàng. Điều hạnh phúc nhất của một người con sinh ra và lớn lên bên làng nghề này là các nghệ nhân của làng nghề ủng hộ ý tưởng của mình”, anh Hòa chia sẻ.
Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn rộng hơn 2.000m2 tọa lạc dưới chân núi Thủy Sơn, ngay góc đường Huyền Trân Công Chúa và Trường Sa. Diện tích trưng bày bên trong rộng hơn 700m. Anh Hòa bảo, khó kể hết khó khăn trên hành trình sưu tập hiện vật và kể lại câu chuyện làng nghề nhưng bằng khát vọng giữ gìn truyền thống văn hóa của cha ông, anh nỗ lực bằng tất cả tâm sức để giữ giá trị tinh túy của làng nghề, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến bạn bè, du khách bốn phương.
Phan Lệ
Bình luận (0)