Y tế - Văn hóaThư giãn

Câu chuyện đầu đời về nghề “gõ đầu trẻ”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày ấy, cách đây gần 20 năm, tôi được phân công giảng dạy môn sinh và làm Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, kiêm chủ nhiệm học sinh lớp 6 tại Trường THCS Chu Văn An, quận 1, TP.HCM. Là một giáo viên trẻ và nhiệt huyết, tôi luôn mong muốn mang lại cho các em học sinh những bài giảng hay, những câu chuyện về đạo đức làm người, các kỹ năng cần có trong cuộc sống từ chính những kinh nghiệm của bản thân mình.

Vào đầu năm học 2001-2002, lớp tôi có một học sinh nghỉ học nhiều ngày liền không lý do và tôi không thể liên lạc được với phụ huynh. Sau những tiết dạy, tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều về tương lai của cô bé Nguyễn Thị Cúc và không chút đắn đo khi quyết định đến nhà em.

Tôi về nhà ăn vội bữa cơm trưa và cùng mẹ chạy xe đến chung cư Cô Giang, quận 1. Lần theo địa chỉ ghi trong học bạ, tôi được chủ nhà hướng dẫn xuống gầm cầu thang cũ kỹ, nơi trú ngụ của gia đình em. Cảnh tượng đầu tiên ập vào mắt của tôi là một góc cầu thang với đồ đạc lộn xộn, cũ kỹ trong không khí oi bức của cái nắng đầu giờ chiều. Nhưng đó chính là nơi ở cho em, mẹ và bà ngoại. Bà em nằm cạnh cầu thang, không dậy được và đau ốm nhiều năm liền. Lúc ấy, mẹ em đi làm thuê còn em thì đang đọc sách và chăm bà. Em giật mình khi thấy tôi, cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà để tìm em. Sau một hồi hỏi thăm, tôi biết em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không tập sách đi học, không tiền mua đồng phục mới và đóng học phí theo quy định vì bao nhiêu tiền mẹ kiếm được đều lo thuốc thang cho bà. Ngay giây phút ấy, tôi đã quyết định động viên em đến lớp, em không cần phải lo việc học hay quần áo mà tôi và các bạn sẽ giúp đỡ cho em.

Lúc đó, cô bé xinh xắn của tôi đã mỉm cười thật tươi cùng những giọt nước mắt vui mừng và hứa với tôi hôm sau sẽ đến lớp. Còn tôi, khóe mắt cay cay, lòng cứ thổn thức sao cuộc sống có nhiều hoàn cảnh đáng thương đến thế?

Trên đường về nhạt nắng, tôi mong sao buổi học chiều mai được đón em đến trường trong vòng tay yêu thương của cô giáo và bạn bè cùng lớp. Sau đó, tôi đã cùng tập thể lớp thống nhất nuôi heo đất để mua sách, mua quần áo và đóng học phí, để giúp Cúc được đến lớp, tiếp tục thực hiện ước mơ được đến trường của em.

Từ ngày Cúc vào học, ngoài việc quan tâm giúp đỡ học sinh khác, tôi chú ý đến Cúc nhiều hơn. Em không có cha và thiếu sự quan tâm, gần gũi của người lớn. Tôi tâm sự, chia sẻ với em nhiều hơn ngoài giờ học để giúp em giải tỏa tâm lý và yên tâm học hành.

Vì là một học sinh 13 tuổi, lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp nên em dễ dàng hiểu được những lo lắng của tôi về em, tấm lòng của tôi và các bạn dành cho em. Em đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để trở thành học sinh tiên tiến và chăm ngoan của lớp trong năm học ấy. Niềm vui vỡ òa khi em đến với tôi bằng lời cám ơn sau khi nhận thưởng cuối năm học. Giây phút ấy, tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi biết mình đã chọn nghề “gõ đầu trẻ” là đúng.

Thời gian dài đã trôi qua, không ngày nào tôi không nhớ về em Cúc, về câu chuyện này. Tiếc là tôi đã mất liên lạc với em nhưng cũng không ngừng nuôi hy vọng để một ngày nào đó nhận được tin em.

Cho đến hôm nay, đối với tôi, tôi chỉ có niềm vui to lớn nhất là nhìn thấy được sự thành công của học trò mình. Để làm được điều đó, chúng ta hãy làm việc bằng chính niềm đam mê, bằng cái “Tâm”, lòng yêu nghề, yêu trẻ và sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Bởi vì các em rất cần những tình yêu thương và những bài học làm người đầy giá trị từ chúng ta.

ThS. Nguyn Thanh Mai

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)