Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Câu chuyện giáo dục: Giáo dục bằng niềm tin

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên cần gần gũi, quan tâm đến học sinh để giúp các em vượt qua khó khăn (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Làm giáo viên chủ nhiệm ở trường phổ thông vùng nông thôn, một trong những việc mà các thầy cô gặp khó khăn chính là thu các khoản tiền hàng tháng cho nhà trường.
Những tháng ngày làm chủ nhiệm lớp tại một trường bán công ở vùng nông thôn của tỉnh Đồng Nai, tôi đã phải trăn trở rất nhiều trước một tình huống. Đó là cứ đến ngày thu học phí và các khoản lệ phí khác của học sinh, tôi lại bắt gặp một người phụ nữ tất tả đến nộp vội tiền cho con rồi ra về. Người đó chính là phụ huynh của em Mão – một học sinh cá biệt của lớp tôi chủ nhiệm. Em là người ít nói, nhưng những câu nào em thốt lên đều có hàm ý cay nghiệt, miệt thị người khác. Trong giờ học, Mão ít tập trung vào bài giảng mà lơ đễnh nhìn đâu đó. Mão hay trêu ghẹo các bạn gái. Kết quả học tập năm trước chỉ đạt trung bình. Khoảng 2 tháng đầu chuyển qua chủ nhiệm lớp này, tôi vẫn nhận tiền từ người nhà của Mão mà không băn khoăn gì, nhưng sau đó tôi đã suy nghĩ rằng đó là một hành động mà đằng sau chứa đựng nhiều trắc ẩn. Sao một học sinh học lớp 11 rồi lại không thể tự đóng tiền cho mình mà phải cậy vào người nhà? Liệu việc làm đó có khiến Mão bị tổn thương và mất mặt trước các bạn?
Tôi đem những trăn trở đó trực tiếp trao đổi với phụ huynh của Mão, và được biết, thực ra gia đình không muốn làm thay những việc mà đáng lẽ em tự làm được. Nhưng cuối năm học lớp 10 vừa rồi, Mão xin đóng học phí 3 tháng cuối và đem hết số tiền đó tiêu vặt khiến gia đình bị nhà trường nhắc nhở. Ba của Mão cũng phàn nàn: “Nó học hành đã kém cỏi rồi mà không biết thân, biết phận. Gia đình tôi làm nông, nên mỗi tháng trang trải cho các thành viên là rất vất vả, không có điều kiện để đóng học phí cả kỳ cho nó. Với lại, hàng tháng bà nhà tôi đến đóng tiền cũng là cách để thằng Mão thấy mà tự răn mình không được tái phạm nữa”. Tôi nghe cũng thấy chạnh lòng. Từ đó, trong những thời gian ở lớp, tôi luôn tranh thủ gần gũi, trao đổi thêm với Mão. Qua những buổi lao động tập thể, giao lưu văn hóa văn nghệ, hoạt động phong trào thể thao, tôi nhận thấy Mão cũng dễ gần. Nhận thấy cô giáo quan tâm, Mão bắt đầu khá cởi mở. Em tâm sự nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình mình. Có một lần em đến nhà tôi và thổ lộ: “Thực ra em tỏ thái độ bất mãn kể từ khi ba mẹ em chia tay, người mà hàng tháng đến trường đóng học phí là mẹ kế của em, bà ấy muốn em chán nản, không đi học nữa để đỡ tốn kém. Còn số tiền năm ngoái mà gia đình nghĩ rằng em đã tiêu vặt là do em đưa cho em gái chăm sóc mẹ nằm viện vì bị bệnh tim. Cú sốc ly tán gia đình khiến bệnh tình mẹ em ngày càng nặng hơn”. Tôi ngậm ngùi lắng nghe tình cảnh đáng thương của cậu học trò và chỉ biết động viên em cố gắng hơn trong học tập để làm vui lòng cha mẹ. Và cũng nhắc nhở em không nên trách cứ gì thêm người mẹ kế của mình.
Thấu hiểu tâm sự của Mão, tôi quyết định đến gia đình em một lần nữa và mạnh dạn đề nghị gia đình từ nay trở đi hãy tin tưởng em hơn, cụ thể là hãy đưa các khoản tiền đóng hàng tháng cho em tự nộp. Tôi lấy uy tín của một người giáo viên cam đoan với phụ huynh rằng Mão là một học sinh sống có tình cảm, có xu hướng tiến bộ. Tôi luôn hy vọng Mão sẽ có những chuyển biến tích cực để không phụ lòng mọi người.
Chủ nhiệm khóa học của Mão xong, tôi đã chuyển ngành. Các năm sau đó tôi vẫn dõi theo những học trò năm xưa của mình, trong đó có Mão. Giờ em là một tài xế xe khách và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Thỉnh thoảng em gọi điện hỏi thăm cô giáo, em vẫn luôn nhắc tới những kỷ niệm năm xưa và không quên lời cảm ơn chân thành vì tôi đã tin em. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì chính niềm tin của mình đã là động lực giúp một học sinh cá biệt thành người công dân có ích cho xã hội và gia đình.
Lê Phạm (Đồng Nai)

Bình luận (0)