Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Câu chuyện hậu chuyển nhượng các trường ĐH tư

Tạp Chí Giáo Dục

Không thể phủ nhận sự phát triển rõ rệt của các trường ĐH tư thục sau thương vụ chuyển nhượng, thuộc sự quản lý của các tập đoàn kinh doanh: cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp, số lượng tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, đó có phải là tất cả?

Sinh viên một trường ĐH tư thục vui mừng trong ngày lễ tốt nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm

Trong một số trường hợp, có độ vênh trong quan điểm về định hướng phát triển của nhà trường giữa các bên. Những “va chạm” về mặt tôn chỉ, mục đích cũng như nguyên tắc thực hành giáo dục giữa các nhà đầu tư và các nhà sư phạm truyền thống vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của quá trình tư nhân hóa giáo dục ĐH đang diễn ra hiện nay. Nếu nhà đầu tư xem giáo dục như một lĩnh vực kinh doanh thuần túy như các loại hình kinh doanh khác (bằng cách áp dụng rập khuôn các mô hình quản trị, điều hành) thì các nhà giáo dục đề xuất kinh doanh giáo dục phải là một loại hình kinh doanh đặc thù, thậm chí là hết sức đặc thù, vì liên quan đến sự phát triển của dân trí, của quốc gia. Độ vênh giữa các quan điểm dần hiển lộ khi chúng ta quan sát mô hình hoạt động của các cơ sở đào tạo giáo dục tư nhân. Trong khi các nhà quản trị đầu tư tập trung toàn bộ ý hướng cho sự phát triển của lợi nhuận thì đội ngũ giảng dạy lại đau đầu vì chất lượng đầu ra của sinh viên phải được cải thiện.

Khi hoàn thành các thương vụ mua bán trường ĐH tư thục, tất nhiên các nhà đầu tư sẽ bắt tay ngay vào quá trình “lột xác” cơ sở đào tạo, nhằm đem lại diện mạo mới, sinh khí mới cho nhà trường. Do áp lực trong thời gian ngắn phải thay đổi toàn diện hình ảnh của nhà trường, đã có nhiều trường hợp lựa chọn giải pháp “đi tắt đón đầu” nhưng thiếu tính căn cơ, lâu dài, thiếu tính bền vững. Chẳng hạn như muốn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên, các trường ĐH tư thục thường “thuê” những nhà giáo có học hàm, học vị cao đã về hưu ở trường công lập đứng tên trong các công bố công trình, đề tài khoa học. Hoặc có trường hợp, để đủ tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trên tổng số sinh viên đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường cũng “thuê” nhiều nhà giáo có tên tuổi để hợp thức hóa về mặt giấy tờ. Cũng tương tự như lập luận: mua một trường ĐH cũ sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian hơn nhiều so với đầu tư xây dựng mới hoàn toàn một trường ĐH, thì việc “thuê” một nhà khoa học về hưu ở trường công lập cũng sẽ… tiết kiệm hơn nhiều so với quá trình nhà trường đào tạo một nhân sự trẻ, nguồn nhân lực trẻ. Cách làm này tạo ra nhiều hệ quả trước mắt lẫn lâu dài, mà đặc biệt là sẽ tạo ra những ấn tượng, nhận thức không đẹp về giáo dục đối với những người trong ngành nói riêng và dư luận xã hội nói chung.

Một phương diện khác cũng rất đáng chú ý là vấn đề truyền thông. Cũng do áp lực phải thay đổi nhanh chóng cách nhìn của xã hội, của người học, của phụ huynh mà các trường ĐH tư thục đã có những phương án truyền thông rất quyết liệt. Tuy vậy, các thông tin truyền thông này thường là những quảng cáo hơi quá tay, quá liều. Trong một diễn biến khác, có lẽ vì xét thấy khó lòng cạnh tranh với thương hiệu trường ĐH công lập có bề dày lịch sử trước đó nên các trường ĐH tư thục thường tập trung truyền thông về sinh viên ở các mảng văn – thể – mỹ chứ không phải là chân dung sinh viên say mê nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, sinh viên đều cần phong phú đa dạng các hoạt động, sân chơi, nhưng thiết nghĩ môi trường ĐH cần được quan tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, ngoại trừ trường hợp các trường có đào tạo những ngành liên quan đến nghệ thuật… Vì không được ưu ái truyền thông, nên sinh viên cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, sự quan tâm của nhà trường khi muốn tham gia nghiên cứu khoa học ở giảng đường.

Trần Xuân Tiến (TP.HCM)

 

Bình luận (0)