Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Câu chuyện Mekong: cứ kể, sẽ có người nghe

Tạp Chí Giáo Dục

Như hầu hết những triển lãm đã diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học VN (Hà Nội), Câu chuyện Mekong – thách thức và ước mơ là một cuộc trưng bày thú vị, có nhiều điều để xem và để nghĩ.

Gian bếp và câu chuyện lúa gạo của cư dân hai bên dòng sông Mekong – Ảnh: Hà Hương (chụp tại bảo tàng)

Những “câu chuyện Mekong” được giới thiệu trong triển lãm là một phần nhỏ của dự án “Di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững” do quỹ SIDA – Thụy Điển và Bảo tàng Các nước Đông Nam Á thực hiện, khởi động từ năm 2005.

Những chuyện kể bình dị

“Tôi được truyền lại các kỹ năng và tôi muốn truyền lại nghề truyền thống cho thế hệ sau. Nhưng con cái tôi không muốn thừa hưởng”- nỗi niềm của bà Boakeo Thip, 68 tuổi, thầy thuốc người Mông ở Lào cũng là sự day dứt chung của rất nhiều cư dân lớn tuổi dọc dòng Mekong từ thượng nguồn ra biển cả. Họ có thể là người Thái hay người Lào Lùm, người Khmer đạo Phật hay người Khmer theo đạo Hồi, người Mông làm rẫy hay người Việt săn cá hô hoặc nuôi cá lồng trên dòng sông mẹ.

Cũng như câu chuyện của bà Boakeo Thip, các câu chuyện khác về dòng sông và những sản vật của nó từ xa lại gần, từ xưa đến nay được kể một cách bình dị, đơn giản, thật thà.

“Mình đánh được rất nhiều cá, mần một cái ghe không đủ, chứa không hết tràn cả ra ngoài, cá nhiều bán không ai mua, phải bán cho hãng nước mắm nhưng mà như hốt của đổ đi, nó quá rẻ”- ông Hồ Thanh Lâm, ấp Mỹ Khanh, Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang kể về ngày xưa chưa xa lắm.

“Mùa nước nổi cá từ sông tràn vào đồng, nước rút cá ở lại. Bây giờ nhiều loại cá ngon đã bị mất, có những sản phẩm phải dùng cá nuôi”- ông Nguyễn Phụng Hoàng, 50 tuổi, cơ sở sản xuất mắm Bà Giáo Khỏe, Châu Đốc, An Giang, than phiền.

“Nó thọc cái vợt xuống, còn dùng cả cào điện nữa, cá lớn nhỏ gì cũng chết hết trơn. Nhà nước có cấm nhưng có ai bắt đâu. Mình gặp cũng không dám nói, nó thù ghét cũng nguy hiểm lắm”- lại là hình ảnh khắc khổ của ông Lâm cùng lời kể rầu rĩ.

“Tôi muốn xuất khẩu thuốc nhưng các cấp thẩm quyền không cấp phép. Vì thế, nhiều người muốn mua thuốc của tôi nhưng họ không thể mang ra khỏi đất nước” – lời kể của bà Boakeo Thip được dẫn bên cạnh những mẫu vật cây thuốc, những thành phẩm và bán thành phẩm thuốc từ cây trái miền cao nguyên Lào, bên bờ Mekong phía thượng nguồn như minh chứng sự bất lực của một nền văn minh rực rỡ thầm lặng đang hấp hối.

Cuộc sống ngư dân sống trên dòng Mekong trở nên khó khăn với nguồn tài nguyên dần cạn kiệt – Ảnh: Hà Hương (chụp tại bảo tàng)

Một câu chuyện chung

Không đơn giản chỉ là những tấm ảnh được chụp, những hiện vật được sưu tập, những thước phim được quay trong những cuộc điền dã, dự án “Di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững” đã thực hiện hàng trăm chuyến đi đến từng thôn, từng bản, từng phum sóc nhỏ suốt dải Mekong của ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam. Không phải qua các báo cáo chính thống mà qua những số phận và hình ảnh cụ thể, dự án đã thực hiện hàng ngàn cuộc gặp gỡ và ghi nhận sự kết nối cũng như phát triển của tiểu vùng Mekong.

Dù ở đoạn sông đầy ghềnh thác trên đất Lào hay mở ra mênh mang cù lao cây trái ở Bến Tre, Việt Nam, dù trên những chiếc thuyền có người Khmer Campuchia quấn xà rông hay người đàn ông Việt mặc quần cởi trần, những phum sóc Khmer bắt đầu tràn ngập quảng cáo điện thoại di động hay những bản làng người Lào nơi trai gái bắt đầu hẹn hò ở quán Internet… vẫn luôn một mạch máu xuyên suốt những xứ sở ấy: đó là dòng sông. Và có một câu chuyện chung của hàng chục triệu cư dân hai bên bờ Mekong: đó là làm sao giữ được dòng sông của họ nguyên vẹn, trong lành giữa những hiểm họa thiên tai và nhân tai, sự hủy hoại môi trường, sự khai thác vô độ, giao thông hỗn loạn trên sông, mật độ người và tàu bè tăng chóng mặt.

“Không có ai chỉ vì đi xem triển lãm một lần mà thay đổi ngay được nhận thức, nhưng những “câu chuyện Mekong” vẫn vô cùng cần thiết với cộng đồng vì văn hóa là thứ cần được thấm dần, cứ kể sẽ có người nghe, và nghe dần sẽ thấm, sẽ thay đổi, bắt đầu từ nhận thức rồi đến hành động. Khi đó có thể chúng ta sẽ đối xử với Mekong tử tế hơn” – nhà nghiên cứu Phạm Văn Dương, trưởng phòng trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học, người đi theo “Câu chuyện Mekong” từ ngày đầu bày tỏ niềm tin của mình.

Câu chuyện Mekong – thách thức và ước mơ là cuộc trưng bày lưu động với sự hợp tác của 15 cơ quan ở Lào, Campuchia, Việt Nam và Thụy Điển. Cuộc trưng bày (bao gồm hình ảnh, hiện vật, phim) tập hợp những giọng nói đương đại và trong quá khứ qua chín câu chuyện khác nhau để phản ánh cuộc sống dọc sông Mekong. Cuộc trưng bày khai mạc ngày 25-11-2009 tại Bảo tàng Dân tộc học VN, Hà Nội, mở cửa đến hết ngày 25-2-2010, sau đó được đưa lưu động đến An Giang (Việt Nam), rồi sang Campuchia và Lào (mỗi nước dừng hai điểm), cuối cùng là Thụy Điển năm 2012.

THU HÀ (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)