Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Câu chuyện người gác đền Bác Hồ năm ấy

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2010, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành tu bổ, tôn tạo và mở rộng đền thờ như hiện nay

Suốt 43 năm qua, người thương binh già Nguyễn Văn Khoa vẫn thầm lặng canh giữ đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Nhân chứng sống…

Đón chúng tôi vào một buổi chiều, người thương binh già Nguyễn Văn Khoa (mọi người thường gọi bằng cái tên thân mật chú bảy Khoa) nở nụ cười hiền hậu, rưng rưng kể lại câu chuyện của 43 năm về trước mà cứ ngỡ như mới hôm qua…

Ngày 3-9-1969, nhận được tin Bác qua đời, người dân Châu Thới đã không cầm được nước mắt xót thương. Ngay chiều hôm đó, người dân đã lập đền thờ Bác. Đến năm 1971, trong một trận càn thì địch phát hiện và chúng đã đốt đền thờ. Thế nhưng vẫn không triệt tiêu được ý chí của người dân yêu nước. Trong 5 ngày, dân ta lại làm lại đền thờ bằng sắt. Một lần nữa địch lại bao vây, đập phá và bứng đền thờ đưa lên xuồng chở đi.

Ngày 15-4-1972, xã Châu Thới mở cuộc họp bàn phương án tấn công địch bằng 3 mũi giáp công là chính trị, quân sự và binh vận. Trong cuộc họp này cũng đồng thời chỉ đạo cho Nhân dân xã Châu Thới xây dựng bằng được đền thờ Bác Hồ. Hai lần trước dân ta làm bằng lá thì bị đốt, làm bằng sắt cũng bị dỡ nên lần này dân ta quyết tâm làm kiên cố hơn. Khó khăn chất chồng khó khăn, mỗi lần chỉ mua được 1-2 bao xi măng, gạch mỗi ngày mua một ít theo nhiều hướng khác nhau, rải rác để tránh bị phát hiện.

10 giờ sáng  ngày 25-4-1972 thì ta tiến hành xây dựng đền thờ. Thời gian ấn định là đến ngày 19-5-1972 thì phải hoàn thành để đón 82 năm ngày sinh của Bác. Trong 24 ngày đêm đó, quân địch mở nhiều cuộc tấn công ác liệt, ban ngày thì máy bay, bộ binh tấn công, ban đêm thì pháo binh lùng sục. Thế nhưng điều này không làm giảm quyết tâm của Nhân dân Châu Thới. Đến 17 giờ 19-5 khánh thành đền thờ Bác.

Sau khi khánh thành đền thờ thì tinh thần cách mạng của Nhân dân lên cao nên địch càng quyết tâm phải phá cho bằng được. Đội bảo vệ được thành lập gồm 7 anh em và giao cho đồng chí Nguyễn Văn Khoa làm Đội trưởng. Nhiệm vụ bám trụ, máy bay bắn thì mình phải bắn để cho máy bay không hạ thấp được, bộ binh vô thì bắn cho chạy ngược ra hoặc giật trái nổ buộc chúng phải ngược quay ra. Ngày ấy, tiểu đoàn của Mã Thành Nghĩa  là một tiểu đoàn khét tiếng ác ôn, đã tổ chức nhiều trận càn, bắt phụ nữ, trẻ em làm con tin. Nhưng trước sự đấu tranh cứng rắn của người dân, địch đành thất bại, rút lui. Đội bảo vệ đền thờ Bác Hồ đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ đền thờ đến ngày miền Nam  hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Chú Nguyễn Văn Khoa

Người thương binh Nguyễn Văn Khoa là nhân chứng sống còn lại có thể kể rành rọt cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở huyện Châu Thới. Với tình yêu và lòng kính trọng, người thương binh này vẫn tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Dù không ít lần hứng chịu những trận mưa bom, những đợt càn quét thảm khốc thế nhưng đội bảo vệ đền thờ Bác do đồng chí Nguyễn Văn Khoa làm Đội trưởng và dân Châu Thới vẫn quyết tâm không để đền thờ lọt vào tay địch…

… và sự hy sinh thầm lặng

Tham gia vào đội bảo vệ đền thờ Bác Hồ ngày ấy, những chiến sĩ đều ý thức được một điều là sự sống và cái chết rất mong manh. Bảy chiến sĩ được chọn đã làm lễ truy điệu sống. Không may, chiến sĩ Nguyễn Văn Khoa trong một trận chiến ác liệt đã bị bom đạn “xé” nát chân trái và giám định thương tật 4/4. Làm tốt nhiệm vụ trong thời chiến, đồng thời cũng làm tốt công việc của mình trong thời bình, người thương binh này vẫn âm thầm qua năm tháng, không quản nắng mưa, hàng ngày vẫn lau dọn đền thờ, đi tuần bảo vệ đền thờ. Người thương binh là nhân chứng sống còn lại có thể kể rành rọt cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở huyện Châu Thới. Với tình yêu và lòng kính trọng, người thương binh vẫn tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Dù không ít lần hứng chịu những trận mưa bom, những đợt càn quét thảm khốc thế nhưng đội bảo vệ đền thờ Bác do đồng chí Nguyễn Văn Khoa làm Đội trưởng và dân Châu Thới vẫn quyết tâm không để đền thờ lọt vào tay địch…

Chú bảy Khoa cho biết: “Năm 2010, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành tu bổ, tôn tạo và mở rộng di tích. Phía sau đền có nhà trưng bày với khoảng gần 400 tài liệu, hiện vật và hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Ở phía trước đền thờ, nhìn từ nhà trưng bày, có hai bức phù điêu bề ngang 3m, dài 11m. Giữa trung tâm nhà trưng bày có tháp sen cao 4m. Tổng quy hoạch khu đền thờ Bác và nhà trưng bày là 2ha. Ngoài khu vực chính của di tích còn có hoa viên và hội trường để chiếu phim tài liệu giới thiệu với du khách khái quát về lịch sử của quân và dân Châu Thới chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đền. Bản thân tôi sẽ bảo vệ đền thờ Bác cho đến khi nào không còn sức khỏe mới thôi…”.

Chia tay chú bảy Khoa, chúng tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai những câu vè của người dân nơi đây

“Bà Chăng đi dễ khó về
Khi vô tàu sắt, khi về tàu cây
Kẻ thù ngoan cố vào đây
Ăn đan du kích phải đi chầu Diêm Vương”.

Bài, ảnh: Phạm quyên

 

 

Bình luận (0)