Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Câu chuyện văn hóa qua âm nhạc dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã từng nghe qua các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh ở nhà, nhưng chỉ đến khi được tham gia chương trình giới thiệu dân ca quan họ do Phòng GD-ĐT Q.1 (TP.HCM) tổ chức, các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quang Khải mới được hòa mình vào không gian văn hóa phi vật thể đầy ắp âm thanh và giai điệu.

Nghệ sĩ Vân Anh giới thiệu với học sinh các nhạc cụ dân tộc: đàn bầu, đàn T’rưng, đàn tứ

Có thể coi chương trình giới thiệu dân ca quan họ vừa là giờ dạy âm nhạc nhưng cũng là một tiết học ngoài trời thật sự sống động đối với hơn 400 học sinh trường Trần Quang Khải.

Các em học sinh không chỉ được thưởng thức nhiều bài quan họ cổ như Khách đến chơi nhà, Mời trầu, Con nhện giăng mùng…, mà còn được nghệ sĩ Ngọc Quang (chủ nhiệm Câu lạc bộ Trúc Xinh thuộc Cung Văn hóa Lao động TP.HCM) giới thiệu về nguồn gốc các làng quan họ và sự giàu có của làn điệu quan họ Bắc Ninh. Nhiều em không khỏi bất ngờ khi biết có đến 300 làn điệu quan họ đã được ký âm và mỗi bài lại có giai điệu riêng. Đây chính là nét phong phú về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ còn quảng bá văn hóa quan họ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với những nét đặc trưng và hấp dẫn nhất. Từ chiếc áo tứ thân, khăn mỏ quạ liền chị đến khăn đóng áo dài của mấy liền anh tay xách ô… đều toát lên vẻ đẹp nền nã, thanh lịch của người nghệ sĩ ruộng đồng vùng Kinh Bắc. Qua cách mời trầu, sự tiếp đón khách quan họ, các em lại được học văn hóa ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo mà ông cha ta còn lưu giữ được cho đến nay. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” têm hình cánh phượng vẫn là phong tục đẹp dù cho xã hội phát triển và hội nhập.

Các em học sinh tập múa và hát dân ca quan họ 
Hàng tuần mỗi khi có tiết học ngoài trời được tổ chức ở sân trường là thầy và trò ngôi trường mang tên vị Tể tướng Chiêu Minh Đại vương đều háo hức tham gia. Không còn là những giờ học trong bốn bức tường khép kín, học sinh được tung tăng để tiếp nhận tri thức qua cách học mới, các em trở thành chủ thể tương tác tích cực nhất với thầy cô.

Bài học “khách đến nhà không gà thì vịt” tưởng như xưa cũ lại là nếp sống văn hóa mới cần được răn dạy từng chút cho thế hệ trẻ bởi “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Không chỉ pha trà mời nước, khách đến chủ nhà phải quý trọng hơn khi được mời nghe những câu ca thắm đượm nghĩa tình: “Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”. Dù chỉ quen nhau trong giây lát nhưng tình người đẹp mãi nên chia tay chẳng dứt: “Người ơi người ở đừng về” với lời hẹn thề mong đợi: “Đến hẹn lại lên người ơi”. Không cần phải dùng đến giáo án nhiều lời dạy, chỉ qua mỗi khúc hát quan họ, các em thêm yêu quý dân ca, thêm trân trọng tiếng lòng của cha ông, hồn thơ của đất nước. Tiết học sau đó lại càng hào hứng hơn khi nghệ sĩ Vân Anh giới thiệu với các em 3 bản hòa tấu bằng các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn T’rưng, đàn tứ. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ kiểm tra kiến thức âm nhạc của học sinh trong việc nhận diện các loại đàn…

Thầy Hồ Quang Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) khẳng định: Đây không phải tiết học âm nhạc ngoài trời duy nhất và đầu tiên đối với học sinh trường Trần Quang Khải. Trước đó các buổi ngoại khóa về dân ca Nam bộ do nhà trường tổ chức đã giúp các em có thêm kiến thức và cơ hội thưởng thức các điệu lý, câu hò của vùng Nam bộ như một cuộc về nguồn văn hóa dân tộc. “Những tiết học sinh động và hào hứng chính là định hướng của ngành GD-ĐT trong việc đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục kiến thức âm nhạc cho học sinh tiểu học. Qua đó góp phần giữ gìn, phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua âm nhạc dân gian”, thầy Tuấn cho biết.

Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)