Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Câu chuyện việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

 

Đăng ký xin việc tại sàn giao dịch việc làm lần 3 năm 2008

Một danh nhân đã từng nói: “Lao động là vinh quang”. Bởi vậy, những ai có thái độ sống tích cực trong xã hội cũng đồng tình với câu nói ấy và cần mẫn ngày đêm với công việc của mình, xem đó là niềm vui, niềm hạnh phúc đồng thời là cách thức tồn tại, phát triển cho chính bản thân mình và góp phần cải thiện xã hội ngày một tốt đẹp. Vậy mà, sự vinh quang tưởng chừng giản đơn nhất ấy lại không đến với không ít người lao động khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Khoảng thời gian này, hàng chục triệu người lao động đang nóng lòng chờ thưởng tết âm lịch của đơn vị mình ra sao thì có hàng vạn người lao động khác hoặc rời bỏ công ty xí nghiệp hoặc nơm nớp lo âu không biết bị mất việc lúc nào. Những ngày đầu năm 2009, báo chí đăng tải nhiều tin bài về lao động và việc làm khiến những ai quan tâm đến công ăn việc làm cũng phải giật mình. Nhìn cảnh hàng chục ngàn công nhân mất việc giã từ các công ty xí nghiệp khăn gói về quê trong giọt nước mắt chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhói lòng. Khi từ giã những vùng quê nghèo khó lên phố thị, vào các khu công nghiệp tập trung tìm kế sinh nhai, mỗi anh chị em công nhân đều mong muốn có được công ăn việc làm ổn định, lâu dài để góp phần cải thiện cuộc sống, dần thoát khỏi cảnh nghèo túng… Vậy mà, ước mơ chính đáng rất thật ấy lại bị cơn khủng hoảng tài chính, cơn bão khủng hoảng toàn cầu cuốn phăng đi khiến công ty đóng cửa, xí nghiệp giảm hợp đồng buộc công nhân thôi việc về quê. Khi rời quê đi tìm việc, họ nuôi bao nhiêu hi vọng thì bây giờ trở về quê họ tuyệt vọng bội lần. Trong năm 2008 đã có 30.000 công nhân mất việc do suy giảm kinh tế. Bộ LĐ-TB-XH dự báo năm 2009 sẽ gay gắt hơn với khoảng 15 vạn lao động sẽ bị mất việc làm, một con số đáng suy nghĩ cho cả những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính quyền địa phương và cả chủ các doanh nghiệp sử dụng lao động.
Bộ chủ quản của ngành lao động đang khẩn trương xây dựng chính sách đối với lao động trong các doanh nghiệp bị mất việc. Theo đó, chủ yếu là các giải pháp giải quyết chế độ, trả lương và trợ cấp thôi việc cho người lao động trong trường hợp bị mất việc làm. Song, thiết nghĩ cần có những giải pháp căn cơ, dài hạn hơn đối với người lao động để không xảy ra tình trạng mất việc. Gói kích cầu mà Chính phủ vừa triển khai đi kèm với các biện pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để không rơi vào tình trạng phá sản, chủ doanh nghiệp không bỏ trốn là việc cần thực hiện cấp bách. Vấn đề này không chỉ mỗi ngành LĐ-TB-XH mà các bộ ngành khác phải vào cuộc nhanh chóng mới mong mang lại kết quả khả quan. Việc nâng cao tay nghề và trình độ học vấn, tác phong công nghiệp cho công nhân cũng phải thực hiện bài bản hơn, có hiệu quả hơn. Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người lao động gắn liền với giáo dục ý thức trách nhiệm và tinh thần biết chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đối với người lao động cũng phải được quan tâm. Chính sách nhà ở, nhất là khu kí túc xá, nhà trọ tập thể cho công nhân phải được xúc tiến khẩn trương. Song song đó, chủ doanh nghiệp cần phối hợp tốt với các tổ chức quần chúng và đoàn thể tạo sân chơi, hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh bổ ích cho người lao động tại các khu, các cụm công nghiệp tập trung và khu lưu trú của công nhân phải thường xuyên và thiết thực… Tóm lại, tạo điều kiện cho công nhân “an cư” để họ “lạc nghiệp”; làm sao để công nhân thấy được sự quan tâm đối với họ để có thể đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng của nền kinh tế.
Mong rằng, vấn đề công nhân và việc làm sớm được giải quyết, mọi người lao động đều được thực hiện nguyện vọng chính đáng của họ là: được làm việc ổn định. Làm sao để xuân Kỷ Sửu đến với mọi nhà, niềm vui đến với mọi người, trong đó có hàng chục triệu người lao động? Mỗi chúng ta hãy chung vai góp sức, trong khả năng có thể để mang lại niềm vui ấy cho hàng vạn gia đình công nhân mất việc!
NGUYỄN VĂN CẢI

 

Bình luận (0)