Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Câu đố chinh phục thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn ba thập kỷ, khối ru-bích trở thành một trong những món đồ chơi bán chạy nhất hành tinh với số lượng mỗi năm hơn nửa triệu chiếc.
Ru-bích là một loại câu đố 3 chiều, được phát minh vào năm 1974 bởi một nhà điêu khắc và kỹ sư kiến trúc Ơ-nô Ru-bích, một kiến trúc sư và giáo sư tại Đại học Bu-đa-pét, Hung-ga-ri. Ông nhận bằng sáng chế của Hung-ga-ri vào năm 1975. Giáo sư Ru-bích tạo ra khối ru-bích để giúp sinh viên nhận ra những mối quan hệ trong không gian ba chiều. Ông nhớ lại: “Tôi học kiến trúc ở Đại học Bu-đa-pét. Sau khi học xong tôi bắt đầu giảng dạy. Có một khóa học đặc biệt gọi là “Nghiên cứu hình thể học”. Đây là môn học tạo lập các hình thể, hình khối đơn thuần, không có chức năng gì đặc biệt. Hình khối là một dạng rất cơ bản, dễ dàng hoán đổi vị trí một cách linh hoạt. Tôi nhận ra khả năng di chuyển của chúng và tôi cũng thấy thật khó để chuyển chúng lại vị trí cũ. Sau khi hoàn thành giải pháp định hình cho nó, thì cũng là lúc tôi thấy rằng đó đích thực là một trò chơi trí tuệ”.
 
 Ô-xca van Đê-ven-tê và “Over The Top”.Ảnh: genk
Ngay sau khi Giáo sư Ru-bích cho sinh viên xem khối ru-bích, nó nhanh chóng gây nên tiếng vang. Trong vài năm sau đó, Giáo sư Ru-bích đã liên hệ với các công ty để sản xuất hình lập phương xoay của ông với quy mô lớn. Tuy nhiên, nhiều người không mặn mà với món đồ chơi này, bởi họ nghĩ nó không thể trở thành mặt hàng kinh doanh. “Những doanh nhân trong ngành kinh doanh đồ chơi nói tôi không thể bán được thứ này vì mọi người không thể chơi đồ chơi ấy. Nó quá khó”, Ru-bích kể lại.
Mặc dù khối ru-bích rất được ưa chuộng ở Hung-ga-ri, nhưng tình trạng đối đầu về chính trị vào thời bấy giờ khiến nó không thể sang Mỹ. Hai người khiến ru-bích trở thành thứ đồ chơi nổi tiếng toàn cầu là Lác-di Ti-bo và Tôm Krê-mơ, chủ Công ty Seven Towns Ltd tại Luân Đôn. Họ đã mua được quyền phân phối ru-bích trên phạm vi thế giới. Ti-bo đã thuyết phục được giới chức Hung-ga-ri cho phép đưa công nghệ sản xuất khối ru-bích ra khỏi nước này. Trong khi đó, Krê-mơ tìm thấy một công ty đồ chơi Mỹ có tên Ideal Toy sẵn sàng tiếp thị và phân phối sản phẩm.
Khối ru-bích nhanh chóng trở thành đồ chơi được yêu thích trên toàn thế giới. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1983, hơn 200 triệu khối ru-bích đã được bán. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn được sản xuất ở quy mô nhỏ cho đến khi Công ty Seven Towns đảm nhận hoạt động tiếp thị, đồng thời bán quyền sản xuất cho Công ty Oddzon tại Mỹ vào năm 1995. Kể từ đó tới nay, doanh số bán khối ru-bích tăng dần và đạt mức hơn 500.000 chiếc mỗi năm. Năm 1980, ru-bích đã đạt giải “Puzzle của năm” (trò chơi của năm) và sau đó đoạt giải “Puzzle hay nhất của năm”.
Những người yêu thích ru-bích luôn tìm cách tăng tốc độ quay để kết thúc trò chơi trong thời gian ngắn nhất. Sự cuồng nhiệt của họ dẫn tới một môn thể thao có tên speedcubing. Dan Ha-rít từng hai lần đoạt chức vô địch speedcubing với thời gian ngắn nhất là 10,59 giây. Tuy nhiên kỷ lục này vẫn thua xa Phê-lích Giem-đéc, người Ô-xtrây-li-a, người chỉ mất 6,24 giây để hoàn thiện khối ru-bích 6 mặt.
Không dừng lại ở đó, nhiều người đã sáng tạo ra các rô-bốt chơi ru-bích. Gần đây nhất, nhóm sinh viên Đại học Xuyn-bun, Mỹ, đã lập kỷ lục mới cho chú rô-bốt của họ khi hoàn thành 6 mặt của ru-bích chỉ mất 10,69 giây. Đây là tổng số thời gian trong đó đã tính cả thời gian phân tích các hình khối. Để làm được điều này, nhóm sinh viên đã đưa ra giải pháp phân tích hình ảnh mới. Kỷ lục 10,69 giây đã phá vỡ kỷ lục của rô-bốt quay ru-bích cũ là 18,2 giây.
Đặc biệt hơn, những khối ru-bích 6 mặt 3x3x3 (mỗi cạnh 3 khối nhỏ) được phát triển lên thậm chí là 17 khối. Sử dụng công nghệ dựng hình 3D, Ô-xca van Đê-ven-tê, người Hà Lan đã tạo nên khối ru-bích có tên “Over The Top” từ 1.539 miếng ghép với chiều dài mỗi cạnh xấp xỉ 14cm, có thể coi là vĩ đại nhất trên thế giới hiện nay. Với mỗi chiều 17 khối nhỏ, “Over The Top” có thể làm đau đầu bất kỳ chuyên gia ru-bích nào, cũng như tiêu tốn của họ rất nhiều thời gian để giải. Xét về lý thuyết, với cùng một phương pháp, người ta có thể giải được bất kỳ khối ru-bích nào. Sự khác biệt chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên nếu tính trung bình, một khối ru-bích 5x5x5 có thể tốn 5 phút, 7x7x7 tốn 20 phút, 11x11x11 tốn 1 tiếng… Vậy khó có thể tưởng tượng “Over The Top”, khối ru-bích 17x17x17 trên sẽ ngốn bao nhiêu thời gian.
Theo Dương Viết Đàm
QĐND

Bình luận (0)