Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cầu đường sắt Bình Lợi được đề nghị giữ lại phần nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành Văn hóa TP HCM nhìn nhận cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của TP và của ngành đường sắt Việt Nam nên cần bảo tồn nguyên trạng một phần.

Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải liên quan đến việc thực hiện bảo tồn công trình cầu đường sắt Bình Lợi

Theo Sở Văn hóa – Thể thao TP, cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của  TP HCM và của ngành đường sắt Việt Nam.

Với giá trị lịch sử, văn hóa như trên, Sở Văn hóa – Thể thao nhận thấy việc bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức) và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức) là cần thiết.

Việc giữ lại một phần nguyên trạng cầu nhằm lưu giữ dấu tích cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch trên địa bàn TP.

Cầu đường sắt Bình Lợi

Đối với các nhịp cầu còn lại trước khi tháo dỡ, Sở Văn hóa – Thể thao đề nghị cho phép Bảo tàng TP HCM khảo sát, sưu tầm, ghi hình và tiếp nhận một số cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị để lưu trữ tư liệu, hình ảnh phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Cầu đường sắt Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902 với chiều dài 276 m, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại.

Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán ri vê. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948" (Bình Lợi, tháng 10-1948).

Theo Phan Anh/NLĐO

 

Bình luận (0)