Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu học trò có …hàng chục đôi tay

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ đây, hình ảnh cậu học trò mất đôi tay, tập tễnh bên chân giả đã quá quen thuộc với học sinh bán trú trường THPT Phương Nam, Định Công, Hà Nội. Tiến đang đi tiếp con đường đến tương lai của mình trong ngôi trường chan chứa tình thầy, nghĩa bạn. Căn phòng luôn có 2 người

Nguyễn Văn Tiến sau khi xuất viện.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ chú “lính chì” Nguyễn Văn Tiến, người đã xả thân cứu bạn thoát khỏi cái chết vì đường điện cao thế ngày 17-1-2009 dẫn tới bị bỏng điện phải cắt cụt 2 tay và 1 chân. Những tưởng cậu học trò Nguyễn Văn Tiến sẽ không còn sức gượng dậy sau cú tai nạn. Nhất là sau những ngày điều trị tỉnh dậy, Tiến bàng hoàng khi biết trên cơ thể mình đã vĩnh viễn mất đi đôi tay và một bên chân trái. Sự tột cùng của đau đớn thể xác, nhân với nỗi khổ tâm của người thân đã khiến cậu rơi xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng. May thay, hành động dũng cảm cứu bạn của Tiến đã được kịp thời thông tin trên Báo An ninh Thủ đô và sự sống của em bắt đầu có niềm hy vọng. Tiến được Chủ tịch nước gửi thư khen, rồi được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Số tiền bạn đọc gửi đến em sau bài báo “Còn đôi tay cháu vẫn cứu người” lên tới con số kỷ lục: hơn 3 tỷ đồng. Thế rồi, sau khi tạm bình phục sức khỏe, Tiến được đưa sang Hàn Quốc lắp chân và tay giả.

Chúng tôi trở lại thăm Tiến sau gần 4 năm kể từ ngày em gặp nạn. Trong bộ đồng phục trắng, Tiến đã rắn rỏi lên nhiều. Tiến đang học lớp 12 trường THPT Phương Nam, một ngôi trường nằm bên khu dân cư Định Công, Hà Nội. Có lẽ, đây sẽ là mái trường lưu giữ nhiều kỷ niệm với Tiến trong quãng đời học sinh nhất. Buổi tối trước khi đến lớp học của Tiến, chúng tôi ghé qua khu bán trú nơi Tiến ở. Đó là một căn phòng thoáng rộng, có nhiều giường tầng ngăn nắp. Giường Tiến đặt tại nơi thuận tiện nhất. Bữa cơm tối của Tiến được đựng trong chiếc khay i-nox rất tinh tươm. Cùng ăn với Tiến là thầy Nguyễn Thành Chung, bữa nào cũng vậy, thầy lấy cơm ở căng tin rồi mang đến cả 2 thầy trò cùng ăn. Tiến tâm sự: “Kể từ ngày em vào trường, đến nay học được 3 năm rồi. 3 năm em được 3 thầy thay phiên chăm sóc. Từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho đến việc cõng em lên lớp…”. Mặc dù đã có chân giả, nhưng không phải lúc nào Tiến cũng tập tễnh bước được. Nhất là khi trái gió, vết thương sưng tấy và đau nên không thể lắp chân giả vào được. Tiến mất cả đôi tay, song chỉ một bên phải lắp được tay giả, bên còn lại thì đành chịu do phần tay còn lại quá ngắn, sát vai, không còn điểm bám.
Ước mơ giản dị
Khi tôi đang viết bài này, Tiến đã liên hệ nói rằng “em chỉ ước nguyện sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ thi vào ngành Xã hội học của trường Đại học KHXH&NV Hà Nội”. Xúc động trước tấm gương vươn lên của Tiến, các bạn học đã làm một clip về Tiến với tựa đề “Nếu còn một đôi tay”. Thước phim ngắn đã mang lại giải nhất sau khi mang sang Nhật Bản dự thi. Tôi đã xem đoạn phim, và cũng thật dễ hiểu vì sao nó giành giải nhất. Bởi hoàn cảnh của Tiến, hành động cứu bạn và sự nỗ lực sau đó của em đã là thước phim sống động và giản dị. Nhân vật trong phim không hề được tô hồng, cũng không có kỹ xảo của người quay mà chỉ là sinh hoạt thường nhật của một cậu học trò bị mất 2 cánh tay và một bên chân.
Giờ căn phòng của Tiến chỉ còn 2 người, đó là Tiến và người thầy giúp đỡ trong sinh hoạt. Cô Trương Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THPT Phương Nam cho hay: “Trước đây mỗi giường là một học sinh bán trú, nhưng năm nay do kinh tế khó khăn nên nhiều học sinh đã phải chuyển về quê học…”. Thiếu đông vui, Tiến và thầy Chung sẽ buồn hơn. Nhưng điều đó cũng để thấy Tiến vẫn còn rất may mắn, cho dù sự thiệt thòi của em thật khó có gì bù đắp lại được. Tiến được tổ chức nhân đạo của Hàn Quốc tài trợ phần lớn kinh phí học hành, phần nhỏ còn lại là do trường THPT Phương Nam giúp đỡ. Tiến tâm sự: “Ở đây đi học có các thầy cô, bạn bè giúp đỡ em nhiều. Có lẽ đây là nơi lưu nhiều kỷ niệm đối với em sau này”. Tiến cho biết, ngày nghỉ cuối tuần tới em sẽ xin phép thầy cô về Đoan Hùng, Phú Thọ thăm gia đình để rồi xuống tập trung vào bài vở chuẩn bị cho kỳ thi đại học năm tới. Tôi nghĩ, với nỗ lực vươn lên của Tiến, với ước ao trở thành nhà nghiên cứu xã hội học cháy bỏng trong em, cùng với nhiều đôi bàn tay đang dìu bước, Tiến nhất định sẽ biến ước mơ thành hiện thực.
Theo Đức Trí-Nguyễn Long
Anninhthudo

Bình luận (0)