Với niềm đam mê cờ tướng, em Nguyễn Tấn Phát (lớp 10A10, Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi) không chỉ có được bộ môn giải trí lành mạnh, rèn luyện trí tuệ giúp ích cho việc học mà còn trở thành tài năng trẻ của cờ tướng Việt Nam với gia tài huy chương đồ sộ. Mới đây, em còn vinh dự mang về cho nước nhà huy chương vàng Giải vô địch cờ tướng thế giới năm 2022 ở nội dung U16 nam.
Nguyễn Tấn Phát tham dự Giải vô địch cờ tướng thế giới năm 2022
Gia tài trên 60 huy chương
Ở lứa tuổi 16, Phát đã sở hữu cho mình bộ sưu tập hơn 60 huy chương, giải thưởng về cờ tướng. Phần lớn thành tích của em là huy chương vàng và giải nhất. Đây không chỉ là niềm tự hào đối với bản thân và gia đình Phát mà còn là vinh dự cho nhà trường, đất nước khi xuất hiện một tài năng trẻ thích bộ môn giải trí mà nhiều người nghĩ chỉ dành cho người lớn tuổi.
Chia sẻ về đam mê của mình, Phát cho biết do nhà có ông nội và ba mê chơi cờ tướng nên em có cơ hội tiếp cận với bộ môn này từ khi còn nhỏ. Lên 5 tuổi, ông nội đã bắt tay vào chỉ dạy cho em những ván cờ đầu tiên. Với lợi thế thông minh, nhạy bén, Phát nhanh chóng tiếp thu và đi những nước cờ không kém gì người chuyên nghiệp.
Thấy tài năng của Phát, gia đình đã cho em thử sức ở giải đấu cờ tướng cấp huyện. Thật bất ngờ, khi một đứa trẻ chưa vô lớp 1 đã đoạt được huy chương vàng. Từ giải cấp huyện, Phát được tuyển chọn tham gia thi cờ tướng cấp thành phố và tiếp tục đoạt huy chương cao nhất.
Nguyễn Tấn Phát cùng đội tuyển cờ tướng Việt Nam năm 2022
Không dừng lại ở thành tích cấp huyện, cấp thành phố, Phát còn đoạt nhiều huy chương ở giải cờ tướng cấp quốc gia, quốc tế. Năm 2019, Phát nằm trong đội tuyển cờ tướng Việt Nam tham dự Giải vô địch cờ tướng thế giới tại Canada ở nội dung U12 nam. Bằng sự tự tin, chàng trai 12 tuổi đã mang về cho nước nhà huy chương bạc. Dù không đoạt được giải cao, nhưng với Phát đây là niềm vinh dự lớn đối với em. “Lần đầu tiên thi đấu giải quốc tế em cũng còn nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ sự động viên của cha mẹ, thầy cô em đã vượt qua và giành huy chương”, Phát cho biết.
Sau 3 năm, cũng tại cuộc thi này nhưng tổ chức tại Malaysia, Phát đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ nặng ký đến từ 15 quốc gia khác nhau giành huy chương vàng ở nội dung U16 nam. “Mỗi cuộc thi đều có người thắng, người thua. Đối với em, khi thi đấu sẽ không đặt nặng vấn đề giải thưởng nhưng sẽ cố gắng hết mình. Dù huy chương gì thì cái quan trọng vẫn là bản thân mình đã nỗ lực hết mình, làm hết sức có thể”, Phát chia sẻ.
Với suy nghĩ đó, dù cuộc thi lớn hay nhỏ Phát đều có tinh thần rất thoải mái. “Nếu mình đặt mục tiêu trong cuộc thi, mình sẽ bị áp lực. Ngược lại, mình sẽ cảm thấy thoải mái, xem cuộc thi chỉ là sân chơi để giao lưu để mở mang kiến thức”, Phát nghĩ vậy.
Gắn kết tình cảm
Nhờ môn cờ tướng, Phát không chỉ có được một môn chơi trí tuệ mà còn góp phần lưu giữ văn hóa. “Đối với em, cờ tướng không còn là môn giải trí đơn thuần mà đã trở thành đam mê. Càng chơi, em càng thích thú vì giúp đầu óc mình nhanh nhẹn, nhạy bén, tư duy logic. Em nghĩ ở lứa tuổi học sinh, thay vì thích lên mạng sống ảo, tiếp cận với những trò chơi, giải trí hiện đại thì mình cũng có thể tìm một môn giải trí có ích để vừa lưu giữ nét văn hóa vừa rèn luyện bản thân”, Phát nhắn gửi đến các bạn cùng trang lứa.
Nguyễn Tấn Phát cùng với thầy Trần Ngọc Long (huấn luyện viên cờ tướng Việt Nam)
Dù đam mê cờ tướng nhưng Phát vẫn chú tâm vào việc học. Nhiều năm liền em đều đạt được thành tích cao trong học tập, phong trào. “Sau những giờ học áp lực em lấy cờ tướng ra chơi cùng ông nội hoặc ba để lấy lại tinh thần. Nhờ cờ tướng giúp em gần gũi với ông nội và cha hơn. Từ bàn cờ, em cũng có thể kể cho ông và cha nghe những vấn đề mà mình gặp trong cuộc sống, qua đó họ giúp em tháo gỡ khó khăn”, Phát cho hay.
Ông Nguyễn Văn Dè (cha của Phát) cho biết, Phát rất mê cờ tướng. Thấy bộ môn này hay, bổ ích giúp phát triển tư duy nên gia đình động viên. Nhà có ông nội, cha biết chơi cờ nên hướng dẫn cho Phát. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên chở Phát giao lưu cờ tướng với những người giỏi hơn. “Gia đình rất ủng hộ sự lựa chọn của con nhưng trước mắt vẫn là việc học của cháu. Dù đam mê hay thích gì thì cũng phải đảm bảo việc học”, ông Dè nói.
Là môn thể thao không yêu cầu cao về sân chơi cũng như dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tập luyện… đây là lý do giúp môn cờ tướng dần trở nên phổ biến trong cuộc sống. Trước đây, để chơi cờ người chơi thường tự trang bị cho mình một bàn cờ bằng gỗ, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người, bàn cờ có thể đóng bằng gỗ tốt hoặc gỗ bình thường. Tuy nhiên, loại bàn cờ này thường có kích thước lớn và trọng lượng nặng, rất khó di chuyển nhất là đối với người cao tuổi. Cũng vì vậy, những năm gần đây bắt kịp nhu cầu xã hội khi ngày càng có nhiều người chơi cờ tướng, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại bàn cờ nhỏ gọn như bàn cờ giấy, bàn cờ nhựa… Mặc dù số lượng người chơi cờ đã giảm hơn so với trước nhưng cờ tướng vẫn là một trong những môn thể thao trí tuệ, bổ ích và đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tao nhã, độc đáo của những người yêu thích bộ môn này. Nhờ vậy, mà phong trào cờ tướng từng bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng trong thi đấu.
Hồ Sông Hậu
Bình luận (0)