Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu học trò hiếu thảo sáng tạo mô hình “rô bốt giúp việc nhà”

Tạp Chí Giáo Dục

Mong muốn giúp bố mẹ đỡ vất vả hơn trong công việc, cậu học trò lớp 9 Trường THCS Gia Thanh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã sáng tạo mô hình rô bốt gắp, bốc, dỡ hàng hóa và giành giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng.

Với mô hình “Rô bốt gắp, bốc, dỡ hàng hóa” thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, Bùi Minh Chiến, học sinh lớp 9A Trường THCS Gia Thanh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã giành giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn tỉnh lần thứ II – năm 2011.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông, ngay từ nhỏ Bùi Minh Chiến đã thấu hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ trước những công việc đồng ruộng nặng nhọc. Tuy còn bé, nhưng Chiến luôn mong muốn mình có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ và làm vơi bớt đi gánh nặng cho bố mẹ.
“Thấy bố mẹ hàng ngày phải bê vác nặng nhọc và trèo lên rất cao để cất lúa, em cảm thấy rất thương bố mẹ. Thế là em nảy ra ý tưởng chế tạo một con rô bốt giống như cái cần cẩu cát ngoài sông để đưa các hàng hóa lên cao mà không phải tốn nhiều sức lực”, Chiến tâm sự.
Gặp chúng tôi tại trường, cậu học trò với dáng hình nhỏ, cao gầy và đôi mắt sáng tỏ ra khá nhút nhát và trầm tính. Chiến khiêm tốn cho biết: “Mang tác phẩm đi dự thi em chỉ mong mình được giải khuyến khích để về khoe với bố mẹ chứ không nghĩ em lại đạt được kết quả cao như vậy”.
Được biết, ngoài giờ học trên lớp và thời gian phụ giúp gia đình, Chiến luôn tận dụng lúc rảnh rỗi để chế tạo mô hình “rô bốt gắp, bốc, dỡ hàng hóa” vào những ngày cuối tuần. Đối với em, đó là những khoảng thời gian em cảm thấy thú vị và có ý nghĩa nhất vì được làm công việc mà mình yêu thích.
Là một học sinh giỏi môn Vật lý, với những kiến thức đã học trên lớp về chuyển động cơ học, kết hợp học hỏi qua sách báo…, Chiến đã miệt mài lắp ráp và sáng tạo không ngừng. Chiến cho biết em còn thường lên mạng để tham khảo và xem các video hướng dẫn về việc chế tạo máy móc. Đây là nguồn tư liệu rất hữu ích để em có thể triển khai được ý tưởng của mình.
Sau hơn 3 tháng chịu khó mày mò, Chiến đã hoàn thành mô hình của mình.
Ngoài những nguyên vật liệu tận dụng tái chế từ những đồ đạc đã hỏng của gia đình như các thiết bị trong nồi cơm điện, máy sấy, đồ chơi…, em còn chịu khó tìm mua thêm vật dụng ở các hàng đồ cũ: nhôm, nhựa, dây điện…, mỗi ngày một vài món rồi gom góp lại để lắp ráp mô hình.
Trong quá trình triển khai ý tưởng, không tránh khỏi có nhiều lúc gặp phải thất bại nhưng em không hề nản chí mà càng nỗ lực hơn nữa, tìm tòi xem mình làm sai ở đâu rồi khắc phục sửa chữa. Chẳng hạn như khi mới bắt đầu làm phần tay cho rô bốt, Chiến loay hoay mãi mà hai tay kẹp vẫn không sao giữ được đồ vật. Sau một hồi suy đi tính lại cẩn thận, em quyết định dán thêm miếng xốp và lắp thêm bánh răng vào tay của mô hình. Kết quả đạt được đã không phụ lòng cậu học trò chịu khó, và lần đầu tiên em điều khiển rô bốt gắp được chiếc chén thủy tinh nhỏ.
Sau hơn ba tháng miệt mài cộng với sự hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi của các thầy cô giáo bộ môn, Chiến đã hoàn thành sản phẩm để đưa đi dự thi. Mô hình “rô bốt gắp, bốc, dỡ hàng hóa” có chiều cao 25cm, chiều dài 50cm, gồm 4 bánh, ốc bệ, 2 tay kẹp và bệ quay 3600. Cánh tay chia làm hai khớp, có hai tay kẹp giống như ngón tay người, có thể gắp một vật từ bên này sang bên khác không phải di chuyển mà chỉ cần quay bệ. Kết hợp với bộ điều khiển kèm theo, rô bốt có thể thực hiện được chức năng tiến, lùi, rẽ trái, rẽ phải. Tác phẩm đã nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng giám khảo.
Cô Nguyễn Thị Hồng Ninh, giáo viên tổng phụ trách Trường THCS Gia Thanh chia sẻ: “Em Bùi Minh Chiến là một học sinh ngoan ngoãn, thông minh và say mê sáng tạo từ nhỏ. Rất vinh dự cho nhà trường cũng như cho hoạt động Đội khi Chiến giành giải nhất trong cuộc thi, hi vọng năm sau em vẫn tiếp tục cố gắng để tài năng của em một lần nữa được tỏa sáng”.
Bên cạnh giải nhất, Chiến còn xuất sắc đạt thêm giải phụ trong cuộc thi đó là giải cho tác giả có mô hình đẹp nhất. Đây là sự khích lệ lớn lao đối với cậu học trò ham học hỏi Bùi Minh Chiến để em có thể phấn đấu, biến ước mơ trở thành người kỹ sư chế tạo máy thành hiện thực.
Thanh Huyền – Duy Tuyên
(Dân trí) 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)