Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu học trò liệt học đánh máy bằng chân

Tạp Chí Giáo Dục

Tốt nghiệp cấp 2 tại Trường THCS Thiện Kỵ (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) với tấm bằng khá nhưng em Vi Văn Đại phải bỏ dở con đường học tập vì dị tật trên cơ thể khiến em không thể một mình vượt qua quãng đường 14km để đến trường THPT.
Bỏ dở chiếc bút đến với "con chuột"

Những tưởng em phải ở nhà và ánh sáng kiến thức sẽ mãi mãi khép lại với cậu học trò nghèo miền sơn cước thì một cơ hội khác đã đến với em. Biết được hoàn cảnh của Đại, thầy Chu Hoa Nam – dạy môn tiếng Anh tại Trường THCS Thiện Kỵ đã xin cho em xuống học tin học tại Trung tâm Nghị lực sống ở xóm Giữa, thôn Thạch Bích, xã Bích Hà, huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Em Vi Văn Đại đang học đánh máy bằng chân.

"Lúc mới vào trung tâm, em thấy ngại và mặc cảm lắm, chỉ sợ mọi người thấy em như thế này lại trêu chọc nhưng các anh, chị và các bạn ở đây mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng không ai giống ai nên em cũng cảm thấy tự tin hơn.

Khi bắt đầu vào học, mấy anh ở trung tâm hướng dẫn em sử dụng chuột bằng tay nhưng nhìn thấy em loay hoay, ngượng nghịu, có khi mất cả tiếng em vẫn không làm được nên chuyển sang dùng chân.

Bàn phím và chuột được đặt xuống gầm bàn, thiếu ánh sáng nên anh quản lý lại lắp cho em một chiếc bóng điện. Mới đầu đặt bàn chân phải lên con chuột, em di đi di lại cũng khó chứ chưa nói đến bấm và giữ chuột", Đại cho biết.

Nói xong Đại đến bên chiếc máy tính, khom mình ngoắc cái đầu đẩy chiếc ghế lại gần bàn, giơ chân phải lên, ngón chân cái dí vào nút nguồn để mở máy, rồi lại dùng chân bật công tắc bóng điện.

Đại ngồi trên ghế, hai tay khẳng khiu chĩa về phía trước, ánh mắt hết nhìn lên màn hình chỉnh sửa từng chữ rồi lại cúi xuống dưới chân.

Chân trái giữ lấy bàn phím, chân phải của em nhanh nhẹn đưa đi đưa lại, nhấn những chữ cái một cách chính xác thành thạo, rồi lại giữ chuột bôi đen, chỉnh sửa, chèn ký hiệu. Đang làm bài thì em dừng lại co chân phải lên lấy tay xoa xoa và bẻ ngón chân cái bị chuột rút cứng đờ, một lát sau lại tiếp tục.

Làm bài xong em lấy cằm của mình níu quyển sách lại gần và kiểm tra xem đã giống với bài tập các anh chị giao chưa. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, lâu lâu cái đầu lại lắc lắc như tự cảm thấy không hài lòng với cái chân của mình.

Có điều kiện em sẽ học tiếp THPT

Dù đang theo học tại lớp tin học của Trung tâm Nghị lực sống nhưng Vi Văn Đại vẫn mong muốn một ngày nào đó em có thể tự kiếm tiền để đi học tiếp cấp 3.

Đại cho hay: "Thi xong tốt nghiệp THCS, biết hoàn cảnh không thể theo học THPT nên em có nhờ thầy cô giáo trong trường tìm giúp những trường giành cho người khuyết tật để em làm hồ sơ thi vào. Mãi mới tìm được một trường ở Bắc Giang, khi mang hồ sơ xuống nộp thì họ nói hết hạn. Em nghĩ chắc mình phải ở nhà chứ không được đi học nữa. Nhưng may mắn là thầy Nam đã giới thiệu em xuống đây".

Ngày xuống Hà Nội, đi ngang đường gặp các bạn cùng trang lứa nô đùa trên đường đến trường, nhìn tấm áo trắng có in tên trường và nụ cười ngây thơ của các bạn khiến ước mơ được học tiếp lên cấp 3 của cậu bé kém may mắn lại nhen nhóm trỗi dậy. Nhưng em cũng đành giấu kín ước mơ nhỏ bé của mình để tập trung học tin học tại Trung tâm Nghị lực sống. Nhiều hôm hết giờ học các bạn khác đã nghỉ nhưng Đại vẫn ngồi bên máy tính mắt chăm chú lên màn hình, chân phải mỏi run nhưng em vẫn cố gắng làm cho xong bài tập.

Em Nguyễn Thị Đông, một người bạn mới của Đại tại Trung tâm Nghị lực sống khâm phục: "Em cũng bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn nhưng tay thì lành lặn, khi mới vào học cầm con chuột thấy ngượng ngùng và khó. Đằng này bạn ấy lại còn dùng chân…".

Cậu bé Vi Văn Đại, sinh năm 1997 tại xóm Mỏ Vàng, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Em bị liệt toàn thân từ nhỏ, để đi được như ngày hôm nay em đã phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật đôi chân. Mẹ bỏ đi khi em mới được 35 ngày tuổi, bố lấy vợ hai và vào miền Nam sinh sống khi em đang học lớp 8. Đại ở với ông bà nội.

Theo Hứa Phương
Báo điện tử Kiến thức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)