“Hồi học tiểu học, nó lượm ve chai trong trường. Mấy đứa bạn trong lớp nhìn thấy, giật túi ve chai, đứa đá, đứa cầm quăng lung tung. Nó chỉ khóc chứ nào dám làm gì, chờ tụi bạn bỏ đi mới gom lại mang về cho mẹ”.
Nguyễn Hùng Duy và mẹ đang phân loại bao nilon trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 |
Nghe những lời kể đầy xúc động đó, mọi người sẽ khó hình dung được rằng: nhân vật chính trong câu chuyện trên giờ đã là chàng trai sắp bước vào tuổi 18 và là một học sinh giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Em là Nguyễn Hùng Duy (học lớp 12A1 Trường THPT Gia Định, TP.HCM).
“Mẹ dạy em như thế!”
Căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 trong khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) chính là nơi tá túc tạm thời của hai mẹ con Duy gần một năm nay. Trong căn phòng nhỏ hẹp ấy, có tới 2/3 diện tích là chỗ “cư ngụ” của các bao đựng ve chai. Không gian sinh hoạt của hai mẹ con Duy chỉ còn gói gọn trong một tấm nệm nhỏ, vừa là chỗ ngủ, chỗ Duy học tập, cũng vừa là chỗ để treo các tấm giấy khen chứng nhận thành tích của em đạt được trong năm vừa qua. “Nhà không còn chỗ treo. Những giấy khen cũ của em nó được gom gọn lại để trên gác”, mẹ của Duy, phân trần.
Gần 18 năm lớn lên trong vòng tay mẹ, chưa bao giờ Duy có mặc cảm về hoàn cảnh của mình và công việc của mẹ. Từ khi học tiểu học, Duy đã biết tranh thủ nán lại sau giờ tan trường để nhặt chai lọ, giấy vụn mà các bạn bỏ lại để mang về cho mẹ. Lên THCS, sau mỗi buổi học, Duy lại lang thang các khu vực quanh nhà để nhặt ve chai, phụ thêm cho mẹ lo tiền học phí, các khoản sinh hoạt hàng ngày. Đến tận bây giờ, em vẫn duy trì thói quen ngó nghiêng các thùng rác trong trường, nhặt chai lọ bỏ vào bao rồi máng lên xe đạp để khi hết giờ học mang về nhà. Mỗi buổi học của Duy đều được mẹ đưa – đón và hai mẹ con thường tranh thủ nhặt nhạnh thêm các thứ trên đường về nhà. Ngày mưa cũng như ngày ráo, hai mẹ con đều về nhà lúc 10 giờ đêm, sau khi giúp mẹ dọn dẹp xong mọi thứ Duy mới ngồi vào bàn học. Thức khuya học bài muộn, nhưng kết quả Duy đạt được trong quá trình học tập khiến không ít bạn bè nể phục: lớp 10 em giành huy chương đồng trong kỳ thi Olympic 30-4; lớp 11 đạt giải ba kỳ thi hóa học Hoàng gia Úc… Từ khi đi học tới nay, năm nào Duy cũng là học sinh giỏi, chưa bao giờ khiến mẹ phải buồn vì chuyện học tập của mình. Chính nhờ thành tích đó, năm nào Duy cũng được Trường THPT Gia Định miễn học phí, hỗ trợ học bổng trong quá trình học.
“Tương lai còn chưa biết thế nào nhưng tôi dù nghèo đến đâu cũng phải lo cho con cái chữ để sau này không phải vất vả như mình”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà nói. |
Hỏi Duy có ngại mỗi khi bị bạn bè bắt gặp lượm ve chai không, em trả lời: “Em không ngại! Vì mẹ dạy em đó là việc làm chân chính. Em lượm ve chai cũng là để mẹ có thêm thêm tiền lo cho em sau này”.
Nghèo cũng phải lo cho con học chữ
Mẹ của Duy – bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – năm nay đã 52 tuổi. Bà Hà được một gia đình nhận nuôi từ khi còn rất nhỏ nên bà không có nhiều họ hàng, càng hiếm khi nhận được sự giúp đỡ từ họ. Gần 18 năm qua, mỗi khi phòng trọ tăng giá, mái tôn bị dột vì mưa, nền ngập nước do triều cường là hai mẹ con lại phải chuyển chỗ ở, nhưng cũng chỉ quẩn quanh ở khu vực Thanh Đa để Duy học hết tiểu học và THCS. Sớm tinh mơ, bà dậy thật sớm, leo bộ lên các lô chung cư để nhặt chai lọ, ống nhựa… trong túi rác của các hộ gia đình. Đến gần 6 giờ, bà về nhà để lo bữa sáng và “hộ tống” cậu con trai tới trường. “Em nó trước đi học gần nhà nên toàn đi bộ, lên THPT mới biết chạy xe đạp. Nó đi học, tôi chạy theo sau để rủi xe có bị hư hay có chuyện gì còn kịp thời ứng phó, với lại tranh thủ trên đường đi lượm ve chai luôn”, bà Hà giải thích.
Do sống và lượm ve chai lâu ngày quanh các khu chợ nên nhiều người biết hoàn cảnh của mẹ con bà Hà, nhiều người buôn bán trong chợ để dành túi nilon, thùng carton… cho bà. “Một ký bao nilon bán chỉ được 4 ngàn đồng, gom mấy ngày mới đủ một ký. Nhưng mà có còn hơn không, mỗi thứ gom lại một ít cũng đủ lo cho hai mẹ con”, bà Hà nói.
Tuổi già, sức yếu nhưng bà chưa dám nghỉ ngày nào, bất kể là mưa hay nắng, bất kể căn bệnh dạ dày vẫn hành hạ bà mấy năm ròng rã chỉ để kiếm cho đủ 100 ngàn đồng/ngày. “Mỗi tháng nếu chịu khó thì cũng kiếm được trên dưới 3 triệu đồng, phân nửa số đó là trả tiền thuê nhà, còn dư bao nhiêu thì hai mẹ con gói ghém chi tiêu. Hồi trước, tôi còn vác gạo cho một vựa gạo trong chợ đến các gia đình ở các lô chung cư gần đó, nhưng đến nay sức khỏe kém rồi, không kham nổi nữa”, bà Hà cho biết. Vất vả là vậy, nhưng nhắc đến con, bà không giấu nổi ánh mắt tự hào: “Em nó hiền lành, ngoan ngoãn lắm, chưa bao giờ để tôi phải bận tâm về chuyện học hành. Nhìn con được như vậy tôi cũng mừng, luôn động viên con cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tương lai còn chưa biết thế nào nhưng tôi dù nghèo đến đâu cũng phải lo cho con cái chữ để sau này không phải vất vả như mình”.
Ngọc Anh
Bình luận (0)