Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu học trò mang ước mơ vượt núi

Tạp Chí Giáo Dục

A Lăng Năm – niềm tự hào của dân bản A Roi

Ở ngôi làng A Roi, xã Che Ri (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) xa xôi cách trở, có một cậu học trò nghèo người dân tộc Cơ Tu bỏ ngoài tai lời rủ rê của lũ bạn cùng trang lứa, vượt qua khó khăn quyết tâm thi đỗ vào Khoa Anh ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Đó là em A Lăng Năm, sinh viên năm thứ nhất của trường.
Thà đói cơm còn hơn thiếu chữ
Chuyến xe đưa đón hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó học giỏi sau những ngày về quê ăn Tết đáp lại Bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng vào chiều muộn. Trở lại thành phố sau chuỗi ngày nghỉ Tết ở quê, trông gương mặt cô cậu sinh viên nào cũng hớn hở. Tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ quà từ miền biên ải về đãi đám bạn cùng xóm trọ, A Lăng Năm hồ hởi khoe với chúng tôi: “Những thứ này ba mẹ em chuẩn bị sẵn để tặng các bạn ở miền xuôi đấy. Năm nay dân bản em ăn Tết vui hơn mọi năm, nhà nào cũng có bánh tét, kẹo mứt để đón năm mới”.
A Lăng Năm sinh ra trong gia đình dân tộc Cơ Tu nghèo có đến bảy anh chị em. Cuộc sống ở chốn núi rừng heo hút vốn thiếu thốn đủ thứ, đối với chàng sinh viên này dường như càng vất vả hơn khi nhà đông anh em, ba mẹ lại già yếu. Ngay từ nhỏ, ý thức việc học con chữ để có được một tương lai bên ngoài cổng làng bùn lầy nước đọng nơi thâm u núi rừng luôn thôi thúc em miệt mài vượt khó. “Thằng A Lăng Năm chịu khó lắm, thương con đứt ruột vì phải đi học đường xa cực khổ, nhiều lần tui khuyên thằng bé bỏ học nhưng nó không chịu. Nó bảo, bây chừ đi học cực khổ, mai mốt sẽ nên người và có việc làm ổn định chớ không phải vất vả như đời ba mẹ”, bà A Lăng Thị Lý (65 tuổi), mẹ của A Lăng Năm cho biết.
Không phải đến bây giờ, khi vượt chặng đường ngót trăm cây số từ miền núi Tây Giang (Quảng Nam) về thành phố Đà Nẵng theo học, A Lăng Năm mới thấm thía sự nhọc nhằn. Ngay từ những ngày vừa bước chân lên cấp 2, mỗi ngày em đã phải lội bộ vượt núi rừng gần chục cây số mới tới được trường học. Tan buổi học, em lại cặm cụi đi thật nhanh để về phụ giúp ba mẹ lên rẫy kiếm cái ăn. Nhà nghèo, tuổi thơ nhọc nhằn cày cuốc trên nương rẫy, săn bẫy chim muông giúp gia đình nhưng thành tích học tập của em lúc nào cũng đạt khá trở lên. Lên cấp 3, chặng đường tới trường càng xa xôi, cách trở hơn, nhiều bạn bè cùng trang lứa vì thế lần lượt “rơi rụng” dần sự học. A Lăng Năm vẫn miệt mài mỗi tuần hai lần cơm đùm gạo bới ra trung tâm huyện Tây Giang để học. “Hồi cấp 3, mỗi lần đến trường phải mất hai ngày, tranh thủ mỗi dịp lễ Tết là em đi bộ về nhà mang gạo ra trường. Từ khi học trường huyện, được nghe thầy cô kể về tấm gương các anh chị vượt khó học hành thành đạt rồi thi thoảng được cùng lớp đi tham quan đây đó, trong em đã hình thành quyết tâm thà đói cơm còn hơn thiếu chữ. Có học hành thì mới mang lại cho mình một tương lai tươi sáng”, A Lăng Năm bộc bạch.
Học để phục vụ bản làng
Từ bao đời nay, không chỉ thế hệ con em mà kể cả các phụ huynh người dân tộc thiểu số trên miền núi Tây Giang đều có chung tâm lý: Con chữ không làm no cái bụng; việc một đứa trẻ sinh ra, lớn lên thạo cây cung mũi tên để săn bắt con thú, con chim, biết trỉa cây lúa rẫy rồi đến tuổi trưởng thành thì dựng vợ gả chồng và làm một mái nhà sàn bên vách núi là quan trọng nhất. Cũng có lẽ vì tâm lý đó nên cả bản A Roi từ mấy chục năm nay chưa có ai bước chân vào đại học. A Lăng Năm là cậu học trò đầu tiên của bản dám bước qua tất cả quan niệm cũ kỹ đó, thuyết phục ba mẹ thay đổi tư duy để cho cậu xuống thành phố thực hiện giấc mơ đại học.
Còn nhớ, trước ngày thi đại học, Năm đã đắn đo rất nhiều trong khi chọn ngành học. Cuối cùng cậu chọn ngành Anh văn. “Nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, lúc đầu em định chọn nghề sư phạm tiểu học nhưng nghĩ mãi em quyết định đổi sang ngoại ngữ. Với em, việc theo học ngoại ngữ là cả một thử thách lớn vì học sinh miền núi lên cấp 3 mới được làm quen với môn học này, trong khi đó ở thành phố các em lớp 3 đã được học rồi. Thế hệ chúng em đã thiệt thòi nhiều quá rồi, học ngoại ngữ sau này ra trường em có thể tình nguyện về lại bản làng gúp các em nhỏ đuổi kịp các bạn thành phố”, A Lăng Năm cho biết.
Ở trường, để không bị thua sút các bạn, A Lăng Năm chăm chỉ đọc sách, điều gì chưa hiểu em đều tìm đến bạn bè và thầy cô để hỏi. Ngoài ra, em tranh thủ nghe thêm radio về các chương trình dạy đọc tiếng Anh để có thể phát âm chuẩn. “Lúc đầu em cũng thấy mình hụt hơi, nhưng sau đó nhờ các bạn giúp đỡ nên đã quen dần. Bây giờ thì ổn hơn rất nhiều rồi. Em cũng đã biết đi xe đạp và sử dụng điện thoại di động. Mấy cái này hồi ở bản làng em không hề biết, đi đâu cũng quen đi bộ thôi”, A Lăng Năm cười hiền, nói.
Mới chỉ qua một học kì, chặng đường phía trước của cậu học trò A Lăng Năm còn dài và còn vất vả hơn rất nhiều so với những gì cậu trải qua. Nhưng với những gì đã quyết tâm thực hiện, tin rằng em sẽ vững vàng vượt lên thử thách. Và một ngày kia khi ước mơ vượt núi tìm con chữ hoàn thành, thế hệ trẻ bản làng A Roi sẽ được em truyền lại kiến thức bằng cả nhiệt huyết của người thanh niên ham học hỏi và say mê trên con đường chinh phục kiến thức. A Lăng Năm chính là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.
Bài, ảnh: Phan Lệ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)