Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang tận hưởng những ngày hè vui vẻ thì Lê Duy Lãm (học sinh lớp 7/1 Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TP.HCM) lại tích cực củng cố kiến thức về lập trình chuẩn bị cho cuộc thi Tài năng Robotacon 2017 (bảng B) tại TP.HCM sắp tới.
Nhóm nghiên cứu của Lê Duy Lam (bên trái) đoạt giải ba cuộc thi quốc tế tổ chức tại Ấn Độ (ảnh nhân vật cung cấp) |
Lê Duy Lãm là thí sinh từng đoạt giải ba cuộc thi World Robot Olympiad 2016 tổ chức tại Ấn Độ. Đây là giải đấu dành cho người thiết kế robot dùng các phần lắp ghép và bộ điều khiển để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Cụ thể, trước chủ đề xử lý rác thải của cuộc thi, Lãm và hai bạn cùng nhóm là Võ Thiết Quang, Nguyễn Hữu Thiện (học sinh Trường WellSpring) phải thiết kế, lắp ráp và lập trình robot tự động xử lý các khối rác giả trên sa bàn. Kết quả, nhóm của Lãm đã xuất sắc giành giải ba chung cuộc sau khi vượt qua hàng trăm đội đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Mặc dù thành tích đạt được chưa phải là cao nhất nhưng Lãm xem đây là động lực để phấn đấu học tốt hơn nữa môn lập trình. “Cuộc thi World Robot Olympiad 2016 mang đến cho em và các bạn không ít trải nghiệm thú vị về quy mô, tầm vóc. Và trên hết là sự trải nghiệm vùng đất mới với nhiều bạn bè đến từ các nước. Qua đó chúng em được giao lưu, chia sẻ, học hỏi thêm kỹ năng làm việc nhóm, lập trình để hoàn thiện, nâng cao khả năng cho bản thân”, Lãm chia sẻ.
Lãm đam mê lập trình khá sớm. Năm học lớp 4, em được ba mẹ tạo điều kiện làm quen môn lắp ráp robot, từ đó các mô hình lắp ráp sáng tạo cứ dần lôi cuốn và em đam mê lúc nào không hay. Từ niềm đam mê, Lãm đã tham gia các câu lạc bộ robot để học tập sâu hơn, qua đó thỏa sức nghiên cứu, khám phá thế giới khoa học công nghệ. Liên quan đến lĩnh vực này, tài liệu tiếng Việt hướng dẫn về lập trình còn khá ít, vì thế ngoài giờ học trên lớp, Lãm tự lên youtube mày mò học thêm để nâng cao kiến thức. Hầu hết kiến thức liên quan đều sử dụng tiếng Anh nhưng “chướng ngại vật này” không hề gây khó khăn cho Lãm, trái lại em còn biết cách tận dụng để rèn luyện tiếng Anh, tăng cường vốn từ chuyên môn.
Theo Lãm, trước khi xác định theo đuổi kiến thức lập trình đòi hỏi bản thân phải có niềm đam mê. Do môn học này thiên về các thông số nên việc viết sai mã code xảy ra thường xuyên dễ khiến người học nản lòng, bỏ cuộc nếu thiếu đam mê. Với Lãm, không chỉ đam mê mà em còn xem lập trình là những bài toán thú vị để trải nghiệm. Mặt khác, lập trình robot thiên về giáo dục STEM, trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, ngoại ngữ theo hướng vừa học lý thuyết vừa gắn với thực hành, phát triển tư duy, năng lực sáng tạo cũng là động lực để Lãm theo đuổi.
Ngoài giải thưởng tại cuộc thi World Robot Olympiad 2016, Lãm còn giành được nhiều giải thưởng khác như: Giải nhất bảng A2 Robotacon TP.HCM (hệ HUNA), giải nhất sáng tạo IYRC (International Youth Robot Competition) tổ chức tại Malaysia (hệ HUNA) năm 2014. Năm 2015, em đoạt giải nhì ở bảng A3, B1 cuộc thi Robotacon TP.HCM (hệ HUNA). Năm 2016, em đoạt giải nhì bảng A4 Robotacon TP.HCM (hệ HUNA) và giải nhất bảng B1 Robotacon TP.HCM (hệ LEGO). |
Không chỉ học giỏi lập trình, Lãm còn học giỏi đều các môn khác. 7 năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi, mặc dù không đến lớp học thêm môn nào ngoài tiếng Anh. Chị Trần Thị Mai Loan (mẹ của Lãm) chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, tinh thần ý thức tự học của Lãm rất cao, không bao giờ đợi ba mẹ nhắc nhở, thúc giục. Trong việc học cháu hướng đến thực hành là chính, nhằm tạo sự ứng dụng, sinh động, hiệu quả. Đặc biệt, ở bậc tiểu học, cháu đã thể hiện niềm đam mê khám phá khoa học…”.
Chia sẻ với chúng tôi, Lãm cho biết ngay từ bây giờ em phải cố gắng nâng cao kiến thức lập trình bên cạnh ngoại ngữ để hiện thực hóa ước mơ trở thành nhà thiết kế tự động hóa. Trước mắt, em muốn giành được giải cao tại cuộc thi tài năng Robotacon 2017 sắp diễn ra ở TP.HCM. Có thể nói, với Lãm, mỗi cuộc thi đều đem đến cho em sự trưởng thành về kiến thức, kỹ năng – là nền tảng để hiện thực hóa ước mơ của em.
Minh Phương
Bình luận (0)