Nguyễn Hoàng Linh đang học bài |
Nhìn gương mặt khôi ngô, thông minh, ít ai ngờ Nguyễn Hoàng Linh – học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Long An, tỉnh Long An lại có một hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đã có lúc, Hoàng Linh phải năn nỉ mẹ đừng buông xuôi để em còn có cơ hội tới trường…
Con nhà nghèo
Chúng tôi tới nhà Hoàng Linh ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành vào một buổi trưa của tháng 12-2010. Chỉ nhìn con đường dẫn vào nhà thôi cũng đủ biết gia đình em rất nghèo. Vào nhà rồi thì thấy nghèo hơn sự tưởng tượng ban đầu của chúng tôi. Bởi, chỉ cần ngước cổ nhìn lên trần nhà đã thấy chi chít hoa nắng.
Cô Nguyễn Thị Thúy Phương, mẹ Hoàng Linh, cho biết: “Căn nhà này được dựng từ khi tôi và ba thằng Linh lấy nhau, cũng 18-19 năm rồi. Từ đó đến nay, có khi nào dư một đồng một cắc nào đâu để mà mua vật liệu sửa chữa lại nhà. Tôn trên mái đã cũ và có rất nhiều lỗ thủng, những lỗ to thì lấy ni lông che lại, còn lỗ nhỏ thôi mặc kệ. Bốn vách tường dựng bằng lá dừa nước nay cũng mục nát gần hết, có nhiều lỗ to đến nỗi đứa con nít cũng chui vừa…”.
Trong căn nhà tuềnh toàng đó, chúng tôi thấy chẳng có thứ tài sản nào đáng giá cả. Một bộ bàn ghế đá, vừa để ăn cơm, vừa để tiếp khách và cũng là chỗ học của Linh và em trai Nguyễn Hoàng Sang – học sinh lớp 8 Trường THCS Vĩnh Công. “Bộ bàn ghế này là của người hàng xóm chê cũ không xài nên cho lại gia đình, chứ đâu có tiền mà mua”, cô Phương nói. Hai cái quạt máy hoen gỉ cũng là hàng từ thiện. Đặc biệt là cái máy tính cũ kỹ do sư phụ chùa Thiên Long Tự cho anh em Linh để học vi tính.
Từ ngày cha mất, lao động chính trong gia đình Linh chỉ còn có mẹ. Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng là cô Phương dắt xe đạp ra khỏi nhà, ai thuê gì làm nấy. Nào là nhổ cỏ, bóc hạt điều, cứ việc gì có tiền là cô làm. Nhiều hôm làm cực “như trâu” mà chỉ kiếm được 30-40 chục ngàn đồng. Các con mỗi ngày một lớn, chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng vì thế mà tăng lên trong khi việc kiếm tiền ngày càng khó khăn. Trước đây người ta còn cho cô Phương nhận hàng gia công về nhà may vào buổi tối hay đem hạt điều về nhà bóc vào những lúc rảnh, nay thì không. Bởi vậy, “Đã có lúc tôi muốn buông xuôi, nhưng khi tôi hỏi các con: “Nếu mẹ không lo được nữa thì các con có chịu nghỉ học không?”. Hai anh em nó nói: “Mẹ ráng lên mẹ, bây giờ mẹ lo cho tụi con tới trường, mai này anh em con sẽ lo cho mẹ”. Thế là tôi lại gắng gượng…”, cô Phương tâm sự.
Học để có tương lai
Nhà nghèo như vậy, cơm bữa đói bữa no nhưng anh em Linh học rất giỏi. Bởi, “chỉ có học hành đến nơi đến chốn mới có tương lai”, Linh nói.
Đối với anh em Linh được đến trường với cái bụng no đã là một niềm hạnh phúc nên chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện đi học thêm. Năm Linh học lớp 9 ở Trường THCS Vĩnh Công, các bạn trong lớp đua nhau đi học thêm hết thầy này đến cô khác, riêng Linh thì cặm cụi học ở nhà. Nhiều đêm đang học thì trời đổ mưa, nước từ trên mái nhà theo cái lỗ thủng chảy xuống ướt hết cả bàn học. Linh vội vã ôm sách vở chạy lên giường học, rồi đến giường cũng bị dột ướt hết cả sách, lem hết cả vở. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản bước chân của Linh đến với tri thức.
Năm 2009, Linh thi đậu vào Trường THPT chuyên Long An, điều đó khiến các bạn trong lớp và trong Trường THCS Vĩnh Công rất khâm phục. Học trường chuyên nên Linh không phải đóng học phí, giảm bớt được gánh nặng cho mẹ. Tuy vậy, “Trường cách nhà tới 8km mà lại học cả ngày nên em không có thời gian giúp mẹ kiếm tiền”, Linh tâm sự.
Nói thì nói vậy, chứ Linh cũng rất chu toàn công việc gia đình như nấu cơm, giặt đồ, dạy em Sang học…
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Linh nói: “Em thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Mẹ bệnh từ nhiều năm nay nhưng vẫn gắng gượng chịu đựng chứ không dám đi bệnh viện vì nhà không có tiền”, dù rằng trước khi cha mất ước mơ của Linh là trở thành một cảnh sát hình sự.
Linh cũng cho biết, sau khi thi đậu đại học sẽ đi làm gia sư để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống cũng như đóng tiền học phí.
Mong rằng, ước mơ của Linh sẽ sớm trở thành hiện thực để em có thể thực hiện lời hứa với mẹ là: “Con sẽ lo cho mẹ”…
Bài, ảnh: Thùy Linh
Bình luận (0)