Sau giờ học, em Lê Thanh Tùng thường phụ giúp mẹ nhiều việc
|
Tuy nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Tân Liêm thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM), nhưng muốn tìm đến nhà em Lê Thanh Tùng không khó bởi người dân nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh cậu bé gầy gò thường đi hái bông so đũa về bán kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ.
Lê Thanh Tùng hiện đang là học sinh lớp 11A1 Trường THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh). 10 năm liền Tùng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài ra, năm học lớp 9, em còn đạt giải ba môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP. Lớp 10, Tùng đạt huy chương bạc trong kỳ thi học sinh giỏi Cụm chuyên môn 4. Những thành tích đó chính là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cậu học trò nghèo và biết bao giọt mồ hôi, nước mắt của người mẹ tảo tần sớm hôm để con được đến trường.
Vượt lên hoàn cảnh
Năm Tùng học lớp 3, ba em đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông. Sau đó ba mẹ con phải khăn gói về ở với ông nội. “Từ ngày ba của hai đứa nhỏ mất, tui vất vả nhiều hơn nhưng được cái hai chị em nó đều ngoan và có chí học lắm”, bà Lê Thị Kim Dung, mẹ Tùng, tâm sự. Chị gái Tùng là Lê Thị Cẩm Vân vừa đỗ vào Khoa Luật Dân sự của Trường ĐH Luật TP.HCM. Gánh nặng sẽ đè thêm lên đôi vai bà Dung khi bà là trụ cột chính trong gia đình. Nhà không có đất để canh tác nên bà Dung phải đi làm mướn, ai thuê gì thì làm đó. Mùa lúa thì đi cấy lúa thuê, đập lúa, nhổ cỏ vườn… Nhiều người giới thiệu cho bà công việc đỡ nhọc nhằn hơn nhưng do làm quá xa nhà nên bà đành từ chối. “Tui không dám đi làm xa vì chỉ có ông nội của hai đứa nhỏ ở nhà. Tui làm ở gần nhà còn chạy về cơm nước cho ông cụ. Đi làm xa rủi ông cụ có bề gì thì sao…”, bà Dung nói. Hiếu thuận với cha chồng, thương yêu con cái nên người phụ nữ ấy không nề hà bất cứ việc gì để kiếm tiền lo cho gia đình. Hết mùa lúa, bà đi làm gia công cho một cơ sở xếp giấy nhưng công việc này cũng bấp bênh vô cùng…
Tất cả thu nhập trong gia đình chỉ trông cậy vào bà Dung, đó là miếng cơm manh áo, là đồng tiền chắt chiu cho con cái không phải bỏ dở con đường học vấn. |
Những ngày buồn nhất của gia đình bà Dung có lẽ là những ngày không có ai thuê mướn, khi đó bà phải đi lôi cây đước, cây mắm trôi sông về phơi khô làm củi rồi bán lại cho người ta. Thương mẹ vất vả, Tùng chỉ biết dặn lòng mình phải cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ. Hôm nào nghỉ học, Tùng đi chặt củi, hái bông so đũa đem bán kiếm tiền giúp mẹ. Một ký bông so đũa chỉ bán được 10.000 đồng. Mỗi lần thường hái được khoảng gần hai ký nhưng không phải hôm nào mang ra chợ cũng có người mua. Những hôm bán không hết, món canh chua bông so đũa chính là bữa ăn chính của gia đình em. “Tui đi làm cực khổ sao cũng chịu được, chỉ mong các con mình có chí học tập. Nhiều lần tui la Tùng khi thấy nó cứ loay hoay cuốc, xới đất ở khoảnh sân nhỏ trước nhà. Nó nói trồng thêm rau má, lá dứa, đậu bắp để đem ra chợ bán kiếm được đồng nào đỡ đồng đó”, bà Dung ngậm ngùi nói.
Trò chuyện với chị gái của Tùng, chúng tôi mới biết em từng bị bệnh hen suyễn suốt mấy năm trời, lại không có tiền chạy chữa nên em sụt cân đi hẳn. “Nhiều lần em thót tim khi thấy Tùng lên cơn hen suyễn. Suốt mấy năm trời, bệnh tật hành hạ nhưng Tùng cố gắng chịu đựng. Rồi tự nhiên gần đây, bệnh của Tùng giảm đi nhiều nhưng giờ nhìn nó ốm o, gầy guộc, mẹ và em xót xa lắm”, chị gái Tùng tâm sự.
Được biết, năm 2013, Tùng đã được nhận học bổng “Chung một ước mơ” do Báo Tuổi trẻ trao tặng.
Nuôi một ước mơ
Mỗi ngày đi qua, Tùng luôn cố gắng học tốt, phụ giúp mẹ những việc nhỏ trong gia đình và nuôi hy vọng, ước mơ. Quãng đường đạp xe 30 phút từ nhà đến trường của Tùng dường như cũng gần hơn khi em biết niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió của mẹ chính là được nhìn thấy kết quả học tập thật tốt của mình. Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, đôi mắt Tùng thoáng chút buồn. Có lẽ em biết chặng đường phía trước của mình sẽ còn rất nhiều khó khăn. “Em muốn thi đậu vào ngành sư phạm toán và sẽ cố gắng hết sức mình. Một phần vì em muốn làm thầy giáo, một phần để gánh nặng trên vai mẹ sẽ nhẹ bớt vì nếu đậu vào ĐH Sư phạm thì em sẽ được miễn giảm học phí”, Tùng bộc bạch.
Khi chúng tôi ra về, Tùng đạp xe theo để tiễn một đoạn đường, chỉ cho chúng tôi con đường tắt để tránh bùn lầy rồi em mới quay về nhà. Tùng nói trời mưa to quá nên chắc chiều nay em cũng không đi hái bông so đũa được…
Bài, ảnh: Yên Hà
Cô Hồ Trọng Chinh, giáo viên chủ nhiệm lớp Tùng, chia sẻ: “Tùng là một học sinh rất ngoan, có tinh thần tự giác học tập. Có những lần tôi vô tình nhìn thấy đôi bàn tay của em lấm bùn đất khi đến lớp. Hỏi ra tôi mới biết sau giờ học Tùng thường đi hái bông so đũa, chặt củi để đem ra chợ bán kiếm tiền phụ mẹ”.
|
Bình luận (0)