Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cậu học trò nghiện game và giải pháp cai game

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhân, Phương và Hoài Cho (từ trái sang) đang bàn bạc giải pháp cai nghiện game online

Như một động lực để vượt lên chính mình, từ một học sinh (HS) tối ngày “luyện” game online, em Nguyễn Văn Nhân (lớp 11, Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) đã bước qua cám dỗ để cùng nhóm bạn trong lớp trở thành quán quân của hội thi Intel ISEF năm 2011.

Vượt qua 33 đề tài sáng tạo của các HS đến từ 24 trường THCS và THPT ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, đề tài Các trò chơi điện tử – thực trạng và những tác động tiêu cực đến HS THPT trên địa bàn của nhóm Nhân đã giành giải chuyên nghiệp và giải nhất về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và hành vi.
Tâm sự của cậu học trò nghiện game
Tham gia vào nhóm nghiên cứu đề tài này có ba bạn HS lớp 11B1 Trường THPT thị xã Quảng Trị, đó là Trần Xin Hoài Cho, Đinh Thị Phương và cậu học trò từng có bề dày thành tích bốn năm nghiện game Nguyễn Văn Nhân. “Từng là một người nghiện game quên ăn, bỏ học, khi nhận được đề nghị của các bạn, em hết sức e dè, ái ngại. Nhưng nhờ sự động viên kịp thời của các bạn và cô giáo chủ nhiệm, cuối cùng em đã mạnh dạn đồng ý tham gia”, Nhân chia sẻ.
Để hoàn thành đề tài mang tính xã hội này, nhóm của Nhân đã tiến hành làm các cuộc phỏng vấn, phát phiếu điều tra tại các trường THPT trên địa bàn, phân tích số liệu và xâm nhập các quán internet. Bạn Đinh Thị Phương tâm sự: “Mọi việc khởi đầu có vẻ suôn sẻ nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chúng em gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, khi đi phỏng vấn các bạn HS, chúng em chỉ nhận được câu trả lời: Chơi cho vui, có nghiện đâu mà lo hoặc có bạn chỉ im lặng và cười. Tiếp đến, việc xâm nhập quán internet để tìm hiểu thực tế và chụp ảnh gặp phải sự phản ứng quyết liệt của chủ quán. Vậy là cả nhóm phải thay đổi phương pháp, giả những game thủ vào quán vừa chơi game, vừa nghe ngóng tình hình. Điều thuận lợi là do Nhân quen biết khá nhiều game thủ nên việc tiếp cận các bạn nghiện game cũng trở nên dễ dàng hơn”.
“Sau hai tháng thực hiện, đề tài của cả nhóm dần hoàn thiện, được các thầy cô trong trường giúp đỡ gửi đi dự thi ở tỉnh. Những tưởng chỉ dừng lại ở đó, tụi em không ngờ được chọn tham dự hội thi Intel ISEF năm 2011 tại thành phố Huế”, Phương cho biết thêm.
Đề tài của nhóm HS này được ban giám khảo hội thi đánh giá rất cao nên đã giành giải nhất về lĩnh vực xã hội nhân văn và hành vi. Đối với Nhân, thành công lớn nhất của em không chỉ là điểm số học kỳ này tiến bộ hơn rất nhiều so với thời gian trước mà đó là từ bỏ được game online, một trò chơi mà nếu không sắm vai một người đứng ngoài cuộc, Nhân không thể lường hết được những tác hại do nó gây ra. “Trước đây em cứ nghĩ chơi cho vui, sau khi nghiên cứu mới nhận thấy tác hại của game oline và thương ba mẹ hơn”, Nhân giãi bày.
Tác động khách quan đến đối tượng chơi game
Game online thực chất không hoàn toàn có tác động xấu đến người chơi, đó là cách nhìn nhận mà nhóm Nhân đưa ra. Đây được xem là một loại hình vui chơi giải trí trên mạng internet được sử dụng rất phổ biến, giúp HS thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học và mang lại sự nhạy bén, linh hoạt cho người chơi. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chơi như thế nào cho hợp lý là điều khiến cả nhóm trăn trở hàng tháng trời để tìm ra giải pháp hữu ích nhất.
Chia sẻ với chúng tôi, các em cho biết: “Nhiều bạn thừa nhận lúc đầu vào đây chỉ chơi cho biết, nhưng thấy hấp dẫn quá nên muốn khám phá và nghiện lúc nào không hay. Không chỉ có thế, nhiều bạn còn lôi kéo cả bạn bè thậm chí là em út của mình vào ma trận của trò chơi vô bổ này”. 
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, trung bình mỗi tháng, một HS luyện Võ lâm truyền kỳ tiêu hết 300 ngàn đồng. Rất nhiều bạn HS mê trò chơi này vì trong đó có những màn đánh nhau rất hấp dẫn và mang đến cảm giác chiến thắng đối phương. Qua một thời gian tìm hiểu, nhóm của Nhân nhận ra rằng, nhiều gia đình thấy con chơi game ở ngoài đã mua máy về nhà với mục đích giúp con vừa học, vừa thư giãn. Và chính sự lơ là của phụ huynh đã đẩy con em mình trở thành người nghiện game lúc nào không hay. Một yếu tố khác thu hút các HS nghiện game là thời gian trở lại đây, gần điểm trường có rất nhiều quán internet thi nhau mọc lên như nấm sau mưa, hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Có nhiều điểm kinh doanh hoạt động suốt 24/24 giờ, che mắt cơ quan chức năng bằng cách đóng cửa tiệm nhưng bên trong vẫn hoạt động bình thường. 
Thông điệp cho người nghiện game
Từ quá trình nghiên cứu thực trạng về nghiện game online trong giới HS, nhóm đã đưa ra nhiều giải pháp giúp bạn trẻ “cai nghiện” như vai trò của gia đình, nhà trường, các nhà cung cấp game trên thị trường, các cơ quan chức năng… Tuy nhiên, ý thức của người chơi vẫn là một giải pháp tối ưu để giúp bản thân họ từ bỏ được game online. Đó chính là thông điệp mà cả nhóm muốn gửi tới những bạn HS nghiện game online. 
Theo bạn Hoài Cho, trên thực tế, có những gia đình rất quan tâm đến con, nhà trường cũng có những giải pháp tốt để quản lý HS nhưng nhiều bạn vẫn tìm mọi cách để chơi game. Vì vậy, tốt nhất là mỗi HS nên xác định nhiệm vụ chính của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường là nên tập trung vào việc học, ra sức phấn đấu để có kết quả học tập thật tốt. Thời gian dành cho việc học sẽ giúp các bạn thoát khỏi sự kiểm soát của game. Riêng Nhân thì bộc bạch: “Đề tài của chúng em muốn mang tới cho các bạn cùng trang lứa thông điệp rằng, game có thể là một loại hình giải trí nếu sử dụng đúng cách, bằng không, nó sẽ mang lại những mất mát lớn, ảnh hưởng xấu đến tương lai các bạn. “Cai nghiện” là một việc hết sức khó khăn, nhất là đối với những ai đã có thời gian dài chơi game online. Nhưng chúng em tin rằng các bạn sẽ thực hiện được nếu có quyết tâm. Hãy xem em là một ví dụ rất cụ thể”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Lâu nay nói tới đối tượng HS nghiện game, người ta liên tưởng đến vô vàn hậu họa đi kèm theo nó, nào là sức khỏe người chơi bị giảm sút; có bạn vì quá mê game nên nhập tâm vào nhân vật trong các trò chơi của mình dẫn đến phải vào bệnh viện tâm thần điều trị; giờ giấc sinh hoạt đảo lộn làm cho việc học hành bị chểnh mảng dẫn đến ở lại lớp hay bỏ học… Vì vậy, trước khi bước vào “mê hồn trận” của trò chơi, các bạn hãy dành thời gian suy nghĩ về tác hại của nó”, bạn Nguyễn Văn Nhân nhắn nhủ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)