Không có đôi tay bởi khuyết tật bẩm sinh, mỗi ngày lên lớp, cậu bé Hà Văn Tài, HS lớp 4B, Trường TH Lê Văn Tám (xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vượt qua nỗi đau thân phận, miệt mài nắn nót từng con chữ bằng đôi chân nhỏ bé, viết ước mơ lên từng trang vở kẻ ô ly…
Dù không may mắn khiếm khuyết đôi tay, Hà Văn Tài vẫn nuôi ước mơ học chữ, trở thành một giáo viên |
1.Câu chuyện về cậu bé không tay Hà Văn Tài khiến ai từng gặp một lần đều xúc động. Không may mắn bị khuyết tật bẩm sinh. Tài còn thiếu may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa bởi gia đình ly tán. Khi Tài đang còn là cái bào thai thành hình trong bụng mẹ thì bố Tài bỏ đi. Năm lên 3 tuổi, không thể ngồi ôm đứa con khuyết tật với những tháng ngày đau khổ nên mẹ Tài đành gửi con lại cho bà ngoại em để đi tìm cuộc sống mới. Tài đến trường bằng họ của bà ngoại ghi vào giấy khai sinh. Suốt 4 năm qua, Tài vẫn miệt mài đến lớp và tự lập ở nhà như một người trưởng thành thực thụ. Tài không biết buồn, hay chính số phận không cho em buồn dù thiếu đi đôi tay, mọi sinh hoạt của em đều trở nên khá khó khăn, trong khi bên cạnh đều không có ba mẹ chăm sóc ngay từ ngày còn bập bẹ tập nói. Tài lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà ngoại. Hai bà cháu, một già cả ốm đau thường xuyên, một trẻ thiếu đôi tay nương tựa vào nhau mà sống.
Bà Hà Thị Bướm, bà ngoại của Tài kể lại, Tài dù không có đôi tay nhưng cu cậu rất ngoan ngoãn, mọi việc cậu đều tự lập bằng đôi chân của mình. “Từ ngày mẹ cháu gửi cháu lại cho tui, tui cứ nghĩ mãi về tương lai của cháu. Nghe cháu nô đùa, chạy nhảy rồi tự tập xúc cơm, uống nước bằng chân, lòng tui đau như cắt. Sinh ra cũng một phận người, sau này bà già, không còn lao động được thì ai sẽ là người chăm bẵm cháu”. Năm lên 6 tuổi, nhìn chúng bạn cùng xóm đến trường, Tài hỏi ngoại: “Đến bao giờ con được tới trường học chữ?”. Thương cháu, bà Bướm nhiều đêm trăn trở, người ta không chân thì có thể đi xe lăn, còn đôi tay để viết, nhưng cháu bà làm sao có thể đi học được khi không có đôi tay? Nghĩ vậy nhưng không đành để cháu lủi thủi nơi góc nhà, bà quyết định dắt cháu đến trường xin cho cháu vào học. Tấm lòng của người bà ấy được các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lê Văn Tám đồng cảm. Sau khi Ban Giám hiệu đồng ý nhận Tài, nhà trường còn đóng riêng một bộ bàn ghế đặc biệt để hàng ngày Tài có thể ngồi hẳn trên bàn để tập viết.
2.Hỏi Tài về những ngày đầu tập tễnh viết chữ bằng chân, Tài kể: “Ban đầu em kẹp cây bút đến mòn cả ngón chân mà phải mất rất nhiều lần mới viết được. Lâu dần thành quen, nhưng đôi khi em cũng bị chuột rút, phải nhờ đến sự giúp đỡ của cô giáo mới trở lại bình thường”. Từ đôi chân nhỏ, gầy và có nhiều vết mòn do tì cây viết, những hàng chữ do Tài viết ra ngày càng đều, đẹp không kém các bạn trong lớp.
Ngồi cạnh bà, Tài nói: “Bà đừng buồn, cháu sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này trở thành thầy giáo để không phụ lòng bà và có công ăn việc làm để giúp đỡ bà!”. Một ước mơ giản dị, con đường phía trước còn rất dài, nhưng những gì đã qua và đang đến là cả một nỗ lực phi thường của cậu bé không tay Hà Văn Tài. |
Câu chuyện tới trường của Tài là hành trình dài về nỗ lực không chỉ của bản thân em mà còn cả của các thầy cô giáo – những người giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp cầm bàn chân em nắn nót từng con chữ. Cô Hàng Thị Sành – người thầy đầu tiên cùng Tài luyện chữ kể lại: “Tôi dạy cháu Tài năm lớp 1. Suốt cả năm ròng rã ấy, hai cô trò thường xuyên dành thời gian để cháu luyện chữ bằng chân. Có nhiều lúc, đang viết, chân cháu bị chuột rút thế là mọi thứ rơi tung tóe, đó là chưa kể bàn chân cầm bút bị bong đỏ, chai sần hết cả lên nhìn thương lắm. Mãi gần một năm sau cháu mới viết được chữ nhưng cháu không hề tỏ ra nản chí”. Còn cô Hoàng Thị Hiên, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B của Tài vui vẻ cho biết, Tài rất chăm ngoan và học tốt, đạt thành tích giỏi. Các bạn trong lớp, trong trường hiểu được thiệt thòi của Tài nên đều cảm mến Tài chứ không hề trêu chọc. Nhà trường cũng như giáo viên giảng dạy đều cố gắng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ em trong học tập.
3. Chiều tan trường, trở về trong ngôi nhà nhỏ của bà ngoại ở xã Cam An, cất cặp sách vào bàn học, Tài nhanh nhảu thay quần áo, tự lấy nước uống rồi quẩn quanh bên bà. Những tiếng cười thật ấm áp dù cuộc sống còn nhiều điều trăn trở. Nhìn đứa cháu thiệt thòi, bà Bướm cất giọng trầm buồn: “Nhiều khi nhìn cháu bặm môi viết chữ bằng chân đến bật máu, tui ước mình có thể san sẻ một phần thân thể để bù đắp khiếm khuyết cho cháu. Bây giờ hai bà cháu sống nương tựa vào nhau dù rau cháo đạm bạc cũng thấy căn nhà ấm cúng, chỉ sợ mai này tui tuổi già sức yếu, không có ai chăm sóc cháu!”.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)