Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu học trò quê chế tạo máy thái rau quả

Tạp Chí Giáo Dục

“Em sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp. Mỗi khi nhìn đôi tay chai sạn của cha mẹ phải hàng ngày thức khuya, dậy sớm băm bèo, thái rau, khoai, sắn để làm thức ăn chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, em thấy thương cha mẹ thật nhiều” – Nguyễn Vũ Hoàng, học sinh lớp 11, chia sẻ với chúng tôi về động cơ chế tạo máy thái rau quả.

Thương cha mẹ, đam mê chế tạo máy phục vụ chăn nuôi
Trò chuyện với chúng tôi, em Hoàng tâm sự: "Em sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp. Mỗi khi nhìn đôi tay chai sạn của cha mẹ phải hàng ngày thức khuya, dậy sớm băm bèo, thái rau, khoai, sắn để làm thức ăn chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, em thấy thương cha mẹ thật nhiều. Mỗi lần như vậy, em chỉ ước muốn làm được một việc gì đó có ích để đền đáp công ơn của cha mẹ- người đã làm lụng vất vả, nuôi dưỡng mình nên người. Bằng sự quyết tâm cùng với kiến thức cơ bản về kỹ thuật đã học, em bắt tay vào công việc chế tạo chiếc máy thái rau củ quả đa năng dành cho chăn nuôi này. Sau nhiều tháng thiết kế, chế tạo, đi tìm giải pháp mới, em đã chế tạo thành công chiếc máy thái rau củ mà em từng mong ước lâu nay để giúp cha mẹ…"

Nguyễn Vũ Hoàng (trú tại thôn 5, xã Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) bên bàn học và những phần thưởng của mình

Chiếc máy thái rau củ quả đa năng dành cho chăn nuôi do em Hoàng thiết kế, chế tạo gồm các bộ phận là: khung máy, trống băm thái rau củ, bộ phận thoát thức ăn, động cơ và hệ thống truyền lực… Động cơ là một sức mạnh chính quyết định sự thành hay bại của một chiếc máy. Máy thái rau củ quả đa năng này sử dụng môtơ một pha, công suất 1,1kw, tốc độ 1.400 vòng/phút. Động cơ dùng nguồn điện xoay chiều 220V và được đấu vào động cơ nhờ một công tắc điện và một công tắc khởi động cho động cơ được lắp chặt trên khung máy. Để dao thái của máy có thể hoạt động, chúng ta có một giây curoa 18, hai puli làm truyền động trực tiếp từ động cơ đến lưỡi dao. Cách vận hành chiếc máy này cũng thật đơn giản: Nhấn công tắc điện, sau đó dùng tay ấn mạnh vào nút khởi động để máy vận hành, cho nguyên liệu (có thể là cỏ, rau, bèo, củ, quả vào) vào thì dao sẽ cắt ngọt các nguyên liệu này rồi được xả xuống cửa thoát.
Nếu không đóng chặt nắp trống thì máy không hoạt động vì không may máy đang hoạt động nắp trống bị bung hoặc đóng không chặt sẽ rất nguy hiểm. Sau khi thức ăn đã đầy, chúng ta đạp chân vào cần số để chậu thức ăn được đưa ra ngoài dễ dàng.
Chiếc máy này có thể áp dụng vào thực tiễn
Theo em Hoàng, máy thái rau củ quả đa năng có rất nhiều điểm mới so với các loại máy thái rau củ khác chưa có như: chốt và công tắc an toàn, khi thay thế lưỡi dao mà không đóng chắc chắn nắp trống thì cả hệ thống không hoạt động. Và còn một điều nữa, khi máy vừa cắt cầu dao điện mà chúng ta thường nhanh chóng mở nắp thay lưỡi dao thì hay bị dao chém phải tay do máy vẫn quay vì có lực quán tính. Vì vậy, chốt an toàn đã khắc phục sự bất cẩn của con người. Nhưng còn một tính mới cũng không kém trong chiếc máy này là: thông thường, chúng ta phải thò tay vào để lấy thức ăn sau khi thái, việc này không hay cho lắm vì rất nguy hiểm do có thể một chi tiết máy nào đó có thể gãy và theo thức ăn ra ngoài với tốc độ lớn sẽ gây nguy hiểm nên máy này chỉ cần đạp cần số 5 và hệ thống tự động đưa thức ăn ra ngoài.
Chiếc máy này được chế tạo đơn giản, nhưng lại đáp ứng nhiều công dụng của người sử dụng. Cơ cấu vận hành dễ dàng, cấu tạo bền đẹp và chắc chắn, khả năng áp dụng trong thực tiễn là rất cao. Với công suất làm việc của một người băm rau thì 1 giờ có thể băm được 15kg nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (cỏ, rau, củ), nhưng khi dùng chiếc máy này thì công suất có thể đạt tới 75 đến 80kg/giờ, tiêu tốn điện năng hết khoảng 1.000 đồng. Với công suất làm việc của máy như vậy, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian, công sức cho người chăn nuôi. Máy này phù hợp với các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở trang trại, có nhu cầu làm phân xanh cho trồng trọt…  
Được biết, năm 2009 em Nguyễn Vũ Hoàng – (trú tại thôn 5, xã Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) đã đoạt giải nhất cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ V- năm 2009" với mô hình "Máy dọn vệ sinh trang trại gà vịt". Năm 2009, em Hoàng vinh dự được nhận huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Và năm 2010, Hoàng  – học sinh lớp 11A6, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) – còn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen. Chúc cho niềm đam mê sáng tạo của em Hoàng ngày càng bay cao, bay xa trên con đường hướng tới chân trời tri thức của nhân loại.
Theo Tamnhin.net

 

 

Bình luận (0)