Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu học trò trường làng “gánh” ước mơ sang Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

“Được vinh dự là một trong 8 đề tài của HS Việt Nam tham dự cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ vào tháng 5 tới, suốt mấy tuần nay em vừa vui vừa lo. Vui vì đề tài được chọn đến tham dự một cuộc thi quốc tế, nhưng cũng lo vì đây là lần đầu tiên đi ra nước ngoài, làm thế nào để trình bày đề tài của mình một cách hoàn hảo nhất trước 1.700 đề tài của các bạn đến từ năm châu. Nhưng đây cũng là một cơ hội để trải nghiệm!”. Em Phạm Huy, HS lớp 11A3, Trường THPT thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) bộc bạch.

Thầy trò Phạm Huy đang hoàn thiện các chi tiết chuẩn bị tham dự cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ

5 năm ấp ủ một giấc mơ

Những ngày này, cậu học trò Phạm Huy – chủ nhân đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật” đang tất bật cải tiến các chi tiết một cách hoàn hảo nhất để chuẩn bị tham dự cuộc thi quốc tế tại Mỹ. Huy nói, để đưa được sản phẩm đến với đấu trường quốc tế của em là cả một câu chuyện thật dài.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng quê thuần nông xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong). Tuổi thơ của Huy là những tháng ngày quẩn quanh bên quán sửa xe máy của cha. Những trò chơi với ốc vít dẫn đường cho Huy đam mê kỹ thuật. Lớp 8, sau một lần xem ti vi tình cờ thấy chương trình đang phát về sản phẩm cánh tay robot dành cho người khuyết tật do người Mỹ chế tạo nhưng chi phí lại quá đắt đỏ nên Huy đã nảy ra ý tưởng sẽ sáng chế một cánh tay có đủ công năng giúp người khuyết tật và bất cứ ai có số phận kém may trên đất nước mình đều có thể mua được. Ấp ủ, mày mò, vừa học vừa tìm hiểu để làm sao có thể cho ra đời một cánh tay robot. Hai năm ròng rã, Huy cho ra đời phiên bản đầu tiên, tuy chưa hoàn thiện lắm. Đến tháng 8-2016, khi nhà trường thông báo phát động Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học các cấp, Huy tìm đến thầy giáo Lê Công Long trình bày ý tưởng. Được sự hướng dẫn của thầy, Huy bắt tay vào nghiên cứu hoàn thiện tiếp các chi tiết. Huy kể: “Để hoàn thiện cánh tay robot là một quá trình gian nan. Nghiên cứu đưa ra ý tưởng, thiết kế và tính toán xong vẫn chưa an tâm. Khó nhất là tìm mua các mạch điện tử. Em phải đặt hàng chuyển từ Đà Nẵng ra, rồi chi tiết phần vỏ cánh tay in 3D phải đặt từ TP.HCM. Nhưng kinh phí không có nên mỗi lần gom góp chỉ mua mỗi thứ được một cái. Nhiều lúc lắp vào thử thì mạch điện cháy. Thế là phải đặt mua lại. Thời gian vận chuyển lâu cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác nghiên cứu. Rồi thầy trò phải bỏ thời gian đến các hội khuyết tật xin thử nghiệm”. Chật vật trong việc đầu tư thời gian và vật liệu nên khi tham gia thi tỉnh, đạt giải nhất chung cuộc, Huy bảo kết quả đó đã là niềm vui lớn. Để tham gia sân chơi lớn hơn, cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và cái khó vẫn là chi phí cho những lần các chi tiết bị cháy, hỏng trong khi đời sống kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả. Dù thầy hướng dẫn hỗ trợ, kêu gọi thêm cả đồng nghiệp nhưng em cũng e ngại. Hôm thầy trò ra Phú Thọ tham gia cuộc thi toàn quốc, lại gặp thêm rắc rối là mạch điện cháy trong đêm trước ngày diễn ra cuộc thi, cả thầy trò lại thức trắng. Huy nói, lúc đó tâm thế được có mặt vòng chung kết toàn quốc đã là vinh dự, nên hoàn thành phần thi xong, cả thầy trò đều thoải mái. Không ngờ 10 giờ trưa, Ban tổ chức gọi gấp về yêu cầu chuyển bài thuyết trình sang tiếng Anh để tiếp tục thuyết trình lần nữa rồi viết tiếp báo cáo tóm tắt. “Lúc đó em cũng không nghĩ mình được giải. Mãi đến hôm sau khi tổng kết, nghe tên mình xướng trên sân khấu, tim em đập rộn ràng như muốn nhảy tung ra ngoài. Sướng lắm”, Huy nhớ lại.

Khát vọng

Sản phẩm cánh tay robot điều khiển bằng cử chỉ ngón chân của Phạm Huy

Thầy Lê Công Long, giáo viên hướng dẫn Huy nhận xét: Huy là một học trò rất đam mê sáng tạo. Sản phẩm cánh tay robot của em có tính ứng dụng thực tế cao và giàu lòng nhân ái. Mong rằng những sáng chế hữu ích như vậy sẽ được tiếp thêm sức sống để đưa vào ứng dụng thực tế, thoát khỏi câu chuyện buồn như nhiều sáng chế khác: thi xong rồi bỏ xó! 

Hôm tôi đến, thầy trò Huy đang loay hoay cải tiến các chi tiết để chuẩn bị tham dự cuộc thi quốc tế Intel ISEF. Dù đã qua đêm trắng loay hoay với robot nhưng gương mặt Huy vẫn tràn đầy hi vọng. Huy cho biết: “Nguyên lý hoạt động của cánh tay robot này là dùng cảm biến gắn vào chân và điều khiển tay theo cử chỉ các ngón chân. Điểm đặc biệt là robot này thuận tiện cho người khuyết tật cả hai tay có thể nhấc được vật nặng khoảng dưới 2kg, cầm cốc nước, muỗng ăn cơm hoặc phục vụ sinh hoạt cá nhân. Về cơ bản đã hoàn thành sản phẩm nhưng em đang cải tiến, thay thế một số chi tiết để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa hoạt động mềm, mượt và được nhiều cử chỉ hơn”. Thấy Huy trăn trở, hoàn thiện robot, thầy giáo hướng dẫn, các thầy cô trong trường và ba mẹ hỗ trợ cho em mua hẳn một chiếc máy in 3D.

Hỏi Huy về cảm xúc chuẩn bị đến Mỹ, Huy cười: “Thật sự em vừa mừng vừa lo! Mừng vì mình vinh dự được tham gia một cuộc thi quốc tế để có thêm cơ hội cọ xát, học hỏi, giao lưu. Sau cuộc thi quốc gia, thầy trò đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến cháy mạch điện nhưng lo nhỡ khi sang bên đó không may lại xảy ra sự cố ngoài ý muốn thì tiếc lắm”. Ngừng giây lát, Huy tiếp: “Tham dự cuộc thi là một trải nghiệm nhưng khát vọng lớn hơn của em là hoàn thiện sản phẩm và có một doanh nghiệp nào đó hỗ trợ để biến ý tưởng thành hiện thực”. Tôi nhìn sâu vào mắt Huy, chợt nhận ra rằng, trên mảnh đất Quảng Trị nắng gió này, cuộc sống dẫu còn lắm khó khăn, thử thách nhưng vẫn có những người trẻ như Phạm Huy biết vượt qua muôn vàn trở ngăn để thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)