Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cậu học trò ước mơ bán rau kiếm tiền chữa mắt

Tạp Chí Giáo Dục

Căn nhà rộng chừng 20m2, xung quanh nhà và mái được bao bọc bởi những tấm tôn nên khi bước vào liền có cảm giác nóng hầm hập, ngột ngạt, khó thở.

Cậu học trò ước mơ bán rau kiếm tiền chữa mắt
Hằng ngày A Yến ra chợ bán rau cùng mẹ – Ảnh: T.T. NHI

“Chỉ có hai mẹ con. Không có chỗ ở nên bà con trong làng dựng tạm cho mẹ con Y Jưp căn nhà này đó. Tất cả cây trong căn nhà này đều lấy từ cây bời lời. Biết là không tốt nhưng tìm đâu ra gỗ mà dựng nhà?” – già làng A Vi, làng Kon H’ra Chót, Kon Tum, chia sẻ với chúng tôi.

Mẹ của A Yến, chị Y Jưp (33 tuổi), vừa đi mua rau của bà con trong làng, rồi cả hai mẹ con mang tới Trung tâm thương mại tỉnh Kon Tum bán dạo kiếm tiền mua gạo. “Mỗi bữa cả hai mẹ con chỉ kiếm được 50.000-60.000 đồng thôi!” – chị Y Jưp nói.

Năm 2013 tai họa ập đến với cậu học trò nghèo A Yến, khi vừa từ trong nhà chạy ra thì bị xe máy do một người cùng làng đâm phải. “Người ta kêu muốn làm con mắt giả cho cháu thì phải đưa xuống TP.HCM, nhưng mình không có tiền làm sao đưa đi được. Không làm mắt giả nên nước mắt của A Yến cứ chảy ra miết thôi, tội nghiệp nó lắm” – nói rồi chị Y Jưp lấy vạt áo quệt nước mắt.

Hằng ngày cậu học trò A Yến lại theo mẹ ra chợ bán rau kiếm lời, bữa may mắn kiếm được vài chục ngàn, còn bữa ế coi như hai mẹ con mất cả vốn lẫn lãi. Không nản chí trước khó khăn, A Yến luôn có nghị lực vươn lên, ba năm liền đều đạt học sinh chuyên cần, học sinh tiên tiến. Cậu học trò nghèo đang học lớp 3A này còn được Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Phòng GD-ĐT TP Kon Tum tặng giấy khen “Biểu dương ý chí, nghị lực, tinh thần vươn lên trong học tập”.

Do không có tiền chữa mắt, lại phải đứng ngoài chợ bán rau nên nước mắt của A Yến cứ chảy ra mãi. A Yến nói hai mẹ con đang cố gắng bán rau để góp tiền chữa mắt, làm chúng tôi thấy chạnh lòng. Ky cóp mãi cả ngày cũng chỉ kiếm được dăm ba chục ngàn đồng, biết đến bao giờ mới đủ tiền đi chữa mắt.

Già làng A Vi nói thêm: “Gia đình Y Jưp thuộc diện hộ nghèo nhất làng, ruộng vườn không có nên chỉ biết đi làm thuê, làm mướn. Chồng bỏ đi từ lâu, con thì bệnh tật… mọi người trong buôn làng đều thương mẹ con Y Jưp nhiều lắm nhưng ai cũng nghèo nên không cách gì giúp được”.

 

TRẦN THẢO NHI (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)