Từ trước đến nay, câu hỏi trong dạy học luôn được xem là một trong những cách thức tích cực hóa vai trò của người học. Đó là một trong những công cụ quan trọng để hướng dẫn người học chiếm lĩnh tri thức và hình thành kỹ năng.
Theo phân phối chương trình ngữ văn sau năm 2015, chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, hệ thống câu hỏi trong giờ đọc hiểu văn bản không đơn giản chỉ là hướng dẫn học sinh (HS) thu nhận kiến thức về nội dung của văn bản mà còn phải hướng đến việc hình thành và rèn luyện năng lực đọc hiểu cho các em.
Lý luận giáo dục hiện đại nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách là người tham gia chủ động, trực tiếp vào quá trình dạy học để tìm kiếm kiến thức và lĩnh hội kỹ năng dưới sự hướng dẫn của giáo viên (GV). Nhưng để người học có thể phát huy tối đa vai trò của mình thì các nhà giáo dục phải xây dựng được một môi trường giáo dục giúp người học có thể sử dụng năng lực tư duy ở mức độ tối đa. Môi trường ấy sẽ được xây dựng bằng các hoạt động tương tác giữa GV và HS với nhau mà hệ thống câu hỏi là công cụ quan trọng để “kích hoạt” và dẫn dắt những hoạt động tương tác đó. Việc sử dụng câu hỏi trong những tình huống dạy học nhất định sẽ đòi hỏi HS phải vận dụng các thao tác tư duy như phân tích, so sánh, phán đoán, suy luận, đánh giá và giải quyết vấn đề. Qua quá trình giải quyết vấn đề, HS vừa lĩnh hội kiến thức, hình thành kỹ năng vừa rèn luyện tư duy.
Vì câu hỏi có vai trò quan trọng như thế nên có thể nói chất lượng cũng như khả năng thành công của một bài học và một giờ dạy sẽ được quyết định chủ yếu qua hệ thống câu hỏi. Bài học ấy, giờ học ấy đã thật sự phát huy được tính tích cực của người học hay chưa?, mục đích của bài học ấy, giờ học ấy có hướng đến phát triển năng lực hay không?, về căn bản là do hệ thống câu hỏi quyết định. Do đó, khả năng thành công của việc thay đổi chương trình theo hướng tiếp cận năng lực sẽ phụ thuộc vào nhận thức về bản chất và mục đích của hệ thống câu hỏi cũng như năng lực thiết kế những câu hỏi này của các nhà biên soạn SGK và GV đứng lớp.
Theo các chuyên gia, hệ thống câu hỏi mà GV thiết kế phải giúp người học nhớ, hiểu, vận dụng… Ảnh: Anh KHôi |
Để người học có thể phát huy tối đa vai trò của mình thì các nhà giáo dục phải xây dựng được một môi trường giáo dục giúp người học có thể sử dụng năng lực tư duy ở mức độ tối đa. |
Dù có nhiều cách hiểu khác nhau về hoạt động đọc nhưng các quan niệm ấy vẫn có những điểm chung. Chẳng hạn như hầu hết đều xác định người đọc không chỉ có vai trò “giải mã ý nghĩa” trong văn bản mà còn giữ vai trò “kiến tạo” (tạo ra nghĩa mới) cho văn bản. Để thực hiện vai trò trên, sự tương tác giữa các yếu tố như người đọc, văn bản và bối cảnh xã hội của hoạt động đọc phải được tổ chức trong quá trình đọc. Trong đó kiến thức nền được đặc biệt chú ý vì đây là mối dây liên kết cơ bản giữa người đọc và văn bản tạo nền tảng để người đọc đi sâu vào văn bản và cũng là để kích thích hứng thú, sự quan tâm của người đọc với văn bản.
Câu hỏi trong giờ đọc hiểu văn bản phải được xây dựng trên cơ sở quan niệm như vậy về bản chất của hoạt động đọc. Ví dụ như câu hỏi phải tạo điều kiện để HS thực sự trở thành người chủ động giải mã ý nghĩa cũng như khuyến khích các em kiến tạo nghĩa cho văn bản. Hoặc hệ thống câu hỏi ấy phải tạo ra được môi trường tương tác giữa các yếu tố như văn bản, người đọc và bối cảnh xã hội của hoạt động đọc, phải khơi gợi được kiến thức nền trong quá trình đọc… Nếu được thiết kế đúng theo tinh thần đó thì hệ thống câu hỏi mới có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho HS cũng như giúp các em hình thành năng lực đọc.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
LTS: Giáo dục TP.HCM đã đăng hai bài viết Đột phá từ đọc hiểu văn bản (18-9) và Xây dựng chuẩn năng lực đọc hiểu (21-9). Số báo này, tòa soạn xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của một giáo viên cũng về chủ đề này. |
6 mức độ của đọc hiểu văn bản Câu hỏi dạy đọc hiểu văn bản cũng chịu sự chi phối từ những nguyên tắc chung khi thiết kế câu hỏi trong dạy học, chẳng hạn như phải phát triển được năng lực tư duy của người học theo 6 mức độ, gồm: Nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Tuy nhiên câu hỏi trong dạy đọc hiểu còn phải thể hiện đúng đặc trưng môn học của mình. Nói cách khác, hệ thống câu hỏi đọc hiểu phải phản ánh đúng bản chất của giờ đọc hiểu văn bản. |
Bình luận (0)