Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Câu II đề thi văn đại học khối C 2009: Có phải là câu nói của Tổng thống Mỹ Lincoln?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi kết thúc đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, trên mạng vanhocmang.net, tác giả Nguyễn Đình Nam có bài viết kể lại việc truy tìm nguồn gốc câu nói trong đề văn: “Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi” (Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.135)”. Và Nguyễn Đình Nam cho rằng đây không phải là câu nói của Tổng thống Mỹ Lincoln.
Tác giả Nguyễn Đình Nam cho biết: “Tôi lên mạng tìm kiếm sự thật. Chỉ gõ vào Google vài từ khóa, tôi đã tìm được bản tiếng Anh của bức thư đó, nhưng ở 3 kết quả tìm kiếm đầu tiên thì kết quả đầu nằm ở Ấn Độ, kết quả thứ hai nằm ở Kabul – Afghanistan, chứ không phải ở Mỹ. Kết quả thứ 3 thì có đoạn cho rằng bức thư đó không phải do Lincoln viết vì cách diễn đạt là của ngôn ngữ hiện đại, khác hẳn so với thời của Lincoln.
Tìm kiếm bằng Google trên các site .gov (Chính phủ Mỹ) và .edu (ngành giáo dục Mỹ) không đem lại kết quả nào khả quan liên quan đến bức thư, nhưng tìm được bộ sưu tập các tác phẩm của Lincoln, là một bộ sách đồ sộ, cho phép truy cập miễn phí, tuy nhiên sau những nỗ lực tìm kiếm trong bộ sưu tập này, tôi cũng không tìm được bức thư đó.
 Tiếp tục tìm kiếm, đến web site của một cơ quan bảo tồn lịch sử của bang Illinois, là bang nhà của Lincoln, tôi tìm thấy bài viết Lincoln chưa bao giờ nói vậy của tiến sĩ Thomas F.Schwartz (đăng ở tạp chí chuyên ngành của Hiệp hội Abraham Lincoln mang tên For The People, bản phát hành mùa đông năm 2001) khẳng định bức thư này là 1 trong 10 điều Lincoln chưa bao giờ nói hay viết, nhưng bị gán cho là của Lincoln. Thomas F.Schwartz là nhà sử học bang Illinois, chuyên nghiên cứu về Lincoln, là Giám đốc Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Lincoln, trong 16 năm lại đây ông đã xuất bản rất nhiều sách về Lincoln. Thomas F.Schwartz  nói: “Bất cứ ai quen thuộc với lối hành văn của Lincoln đều ngay lập tức nhận ra đó không phải lời của Lincoln”.
Tham khảo thêm vài nguồn phân tích khác, các phán đoán cho rằng bức thư đó là của một người ẩn danh viết, tuy bản thân bức thư là một tác phẩm hay, nhưng để tăng thêm sức nặng, người đó đã đề tên Lincoln vào. Tác phẩm đó lan truyền trên internet, nhiều nhất là ở vùng Trung Á. Có lẽ khi lan truyền đến Việt Nam, Bộ GD-ĐT thấy hay nên đưa vào sách giáo khoa mà không kiểm tra nguồn gốc?”.
Chúng tôi đã kiểm tra bước đầu những dẫn chứng của tác giả Nguyễn Đình Nam và nhận thấy ý kiến của tác giả là nghiêm túc và có căn cứ. Thiết nghĩ bộ GD-ĐT  cần  kiểm tra lại nguồn gốc bài viết, nếu không phải của Tổng thống Mỹ Lincoln thì cần phải loại bỏ khỏi sách giáo khoa hoặc hiệu đính cho chuẩn xác.
Võ Ba/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)