Họp cha mẹ học sinh là cơ hội để BGH lắng nghe những phản ánh, tìm sự đồng thuận từ phụ huynh (ảnh do Trường TH Kim Đồng, Gò Vấp cung cấp) |
Hiệu trưởng không chỉ giỏi về chuyên môn, về quản lý mà còn là người “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm cao nhất về tất cả những gì liên quan đến ngôi trường họ quản lý.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Còn nhớ, trước khi bước vào năm học 2009-2010, Ban giám hiệu (BGH), cán bộ, giáo viên Trường THCS Lam Sơn (Q.6) phải tất bật công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng. Cùng thời điểm ấy, dịch cúm A/H1N1 (cúm A) bùng phát, tấn công trường học. BGH nhà trường nhận được “hung tin” một số học sinh của trường bị nhiễm cúm A. Cô Kha Lệ Thanh – Hiệu trưởng nhà trường thông báo họp BGH khẩn để đề ra biện pháp đối phó. Cô Lệ Thanh kể: “Những ngày ấy, dịch cúm A còn quá mới mẻ, ít ai trong chúng tôi hiểu rõ dịch bệnh này. Khi nhận tin một số học sinh nghỉ học không phép, qua xác minh chúng tôi biết những em này bị nhiễm cúm A, cần cách ly điều trị. Lúc ấy chúng tôi thật hoang mang, lo sợ. Bởi gần đến ngày khai giảng năm học mới mà lại xảy ra dịch cúm A trong trường, phụ huynh sẽ cảm thấy hoang mang và không đưa các em đến học. Chúng tôi lúc đó cũng mù mờ thông tin về dịch bệnh này nên hoang mang không kém”. Thế là hàng trăm công việc không tên ập đến, nào là theo dõi, cách ly những học sinh có biểu hiện nhiễm cúm A, trang bị thêm cơ sở vật chất cho học sinh phòng bệnh, xịt thuốc khử trùng, vệ sinh trường lớp; cán bộ, giáo viên của trường phải tìm hiểu, tập huấn về công tác phòng chống, phát hiện học sinh nhiễm cúm A… Lúc này, hiệu trưởng như con thoi, hàng ngày phải tiếp cán bộ y tế của sở y tế, phòng y tế quận về bàn kế hoạch thí điểm mô hình “vừa học vừa chống cúm A”, lại phải thuyết phục phụ huynh đồng thuận với kế hoạch của trường, phải tiếp báo chí…
Cái tâm và trách nhiệm
Với hàng trăm công việc không tên, nếu một hiệu trưởng có tài, biết sắp xếp công việc khoa học thì khó khăn này sẽ bị đẩy lùi. Tuy nhiên, để quy tụ, kết nối sao cho đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn trường hiểu và chung sức vì mục tiêu chung của trường là việc không dễ. Không ít trường, vì tài “thao lược”, quản lý, điều hành của hiệu trưởng chưa thuyết phục được cấp dưới hoặc có động cơ không trong sáng đã làm cho nội bộ mất đoàn kết dẫn đến thưa kiện, khiếu nại làm ảnh hưởng tới hoạt động của trường cũng như chất lượng giáo dục. Cô Kha Lệ Thanh cho biết: “Những thành quả trong việc dập tắt dịch cúm A, đã đưa trường trở thành mô hình “vừa học vừa chống cúm A” là công sức của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường. Phải dựa vào tập thể, nếu một mình dù có giỏi cũng không thể kham nổi công việc”. Cô Võ Thị Thái Vượng, Phó hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng (Gò Vấp) cho biết: “Để tập hợp được tâm huyết, sự cống hiến của phụ huynh và cán bộ, giáo viên, hiệu trưởng phải có cái tâm trong sáng, luôn yêu nghề và nguyện cống hiến hết mình vì nghề. Nếu người làm quản lý giáo dục không vì cái riêng, sẽ mang đến rất nhiều cái lợi cho học sinh!”
CÔNG VIỆT
Bình luận (0)