Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Câu lạc bộ hiệu trưởng: Hiệu trưởng còn là nhà kinh tế giỏi!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để có ngôi trường sạch đẹp, đời sống cán bộ, giáo viên được chăm lo tốt, HT phải là nhà kinh tế giỏi (ảnh minh họa)

Để kết thúc diễn đàn “Câu lạc bộ hiệu trưởng”, phóng viên Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại ý kiến của Tiến sĩ Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói về nhiệm vụ và công việc của người hiệu trưởng trong thời kỳ hội nhập.
1. Nhìn về đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) hiện nay, nhất là hiệu trưởng (HT) các trường trên góc độ lịch sử, chúng ta dễ thấy rằng, người HT hôm nay có một năng lực cao hơn thời gian trước đây. Bởi vì, trước đây người HT thường tập trung ở khâu quản lý. Ở đó, lĩnh vực chính trị và hành chính là những tiêu chuẩn hàng đầu. Do tình hình cuộc sống xã hội phát triển, yêu cầu đòi hỏi người quản lý nhà trường phải nâng cao về mặt chuyên môn. Trong thời gian qua, những người HT cũng đã thể hiện được yêu cầu này rất tốt. Là đã tổ chức được lực lượng sư phạm nhà trường thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhà trường phải đảm bảo chức năng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời kỳ hội nhập. Do đó đòi hỏi người HT không những phải nâng cao năng lực mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về giáo dục, tâm lý lứa tuổi, khả năng giao tiếp, lĩnh vực ngoại ngữ, tin học… Đồng thời, người CBQL giáo dục cũng là một nhà kinh tế, biết tổ chức, quản lý, điều hành để sử dụng nguồn đầu tư một cách hiệu quả nhất.
Với những yêu cầu vừa nêu, với quan điểm vốn có, đó là những yêu cầu nặng nề, tạo áp lực lớn đối với CBQL hiện nay. Đây là vấn đề mà các cấp quản lý, phụ huynh và xã hội phải cảm thông, chia sẻ. Nhưng với quan điểm biện chứng, đây là những vấn đề được đề ra để người CBQL không lạc hậu, đứng dừng, mà giúp cho mỗi CBQL luôn luôn trẻ trung, tiến bộ, hòa nhập chung với trào lưu đổi mới của xã hội nói chung và nhà trường nói riêng. Đó chính là bản chất của nhà trường và những ai đã chọn nghề dạy học (như con thuyền ở giữa dòng sông, nếu không tiến ắt sẽ lùi). Đây cũng chính là điều mà người CBQL và giáo viên luôn luôn tự hào về ngành nghề của mình.
2. Trước những trọng trách vinh quang nhưng khá nặng nề của người HT, kinh nghiệm cho thấy, làm sao để giải quyết được những vấn đế vừa nêu? Theo tôi:
– HT phải biết cách tổ chức lực lượng. Bởi vì, cũng là HT nhưng có người rất thoải mái, có người lúng túng. Hai thái độ này chỉ khác nhau là biết tổ chức lực lượng trong nhà trường. Vì bản chất của người HT là cán bộ tổ chức, thiết kế chương trình, bồi dưỡng lực lượng, phân công nhiệm vụ, đôn đốc và luôn tạo điều kiện để mọi thành viên trong nhà trường thực thi tốt nhất nhiệm vụ của mình. Nhưng cũng có người HT không ý thức được nhiệm vụ đó mà ôm đồm, tự lãnh lấy công việc như một người giáo viên. Người HT biết làm việc là người ý thức rằng, lao động của họ hoàn toàn khác lao động của một giáo viên.
 – HT phải am hiểu công việc, gần gũi với anh chị em trong đơn vị để lắng nghe, chia sẻ, đồng thời cũng là nguồn động viên anh chị em thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ, toàn tâm toàn ý, tạo nên một sức mạnh chung. Phải biết biến việc trong nhà trường thành việc chung của mọi người. Công việc của nhà trường không phải là công việc riêng của HT. Vinh dự của nhà trường không phải của riêng một ai. Phải bằng quan hệ nhân văn thay cho quan hệ hành chính. Phải chia sẻ để hoàn thành tốt công việc. HT phải biết, bất kỳ ai cũng đều muốn được khen, đều muốn hoàn thành tốt công việc, chỉ trừ khi họ không có năng lực hay chưa thông về tư tưởng. Đó là những vấn đề mang tính quy luật mà HT phải nắm lấy, am hiểu, kiên trì thực hiện sẽ đem lại thành công.
 – Người CBQL – HT phải có tinh thần học tập, cầu thị. Đây là điều kiện rất thuận lợi trong thời đại ngày nay, khi mà các phương tiện thông tin đang phát triển rất mạnh mẽ. Qua báo đài, qua mạng Internet… những kinh nghiệm của bạn bè gần xa, những công việc của chính mình hàng ngày phải được suy ngẫm, nghiên cứu, gạn lọc, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực công tác của chính mình. Mặt khác, người CBQL phải luôn học tập đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước để nắm vững quy luật phát triển của xã hội. Từ đó mà sáng tạo, đổi mới kịp thời, đúng hướng, tạo niềm vui tích cực đối với toàn thể hội đồng nhà trường. Nếu trong công tác, mình chỉ chờ để học thuộc lòng, làm theo kinh nghiệm của người khác mà không chủ động, sáng tạo giải quyết tình hình cụ thể của nhà trường sẽ dễ gặp phải những khó khăn, lúng túng, thậm chí mất niềm tin. Thông thường, với một chương trình phát triển cao, người thực thi giỏi thì thấy nhẹ nhàng, vinh quang và phấn khởi. Người có trình độ giới hạn sẽ thấy nặng nề, chán nản, đó là lẽ thường tình. Chúng tôi mong muốn tất cả HT, dù yêu cầu nhiệm vụ cao đến đâu, chúng ta luôn phấn khởi, thành công.
CÔNG VIỆT (ghi)
“Người HT biết làm việc là người ý thức rằng lao động của họ hoàn toàn khác lao động của một giáo viên” – TS. Huỳnh Công Minh.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)