Hiệu trưởng các trường phổ thông trao đổi bên lề một hội nghị |
Một chiếc xe chạy không đúng hướng về đích trễ có thể do máy móc và một phần là do năng lực của người điều khiển. Đối với một ngôi trường, người hiệu trưởng phải thật sự năng động và nhạy bén thì mới hoàn thành sứ mệnh và trách nhiệm của “người cầm lái”.
1. Theo tôi, hiệu trưởng trước hết là một công dân, một công chức nên phải làm tròn bổn phận của một thành viên trong đơn vị. Đó còn là trách nhiệm của một giáo viên trong nhà trường theo sự phân công của xã hội, vì thế đòi hỏi hiệu trưởng phải có phẩm chất công dân và đồng thời phải có một số tư chất cần thiết của người lãnh đạo. Với vai trò quản lý, người hiệu trưởng phải thật sự nhạy bén trong mọi lĩnh vực hoặc nói cách khác: nhạy bén là yếu tố rất cần mà không thể thiếu được đối với nhà quản lý giỏi. Khi hoạt động trong nhà trường luôn phong phú và đa dạng, người điều phối nhạy bén mới nắm bắt được tình hình, giải quyết thấu đáo và êm thấm các hoạt động. Đơn vị nào cũng có nhiều sự việc, đông con người và tất cả nằm trong một hệ thống chỉnh thể. Hiệu trưởng nhạy bén là người quản lý được cả hệ thống đó và giải quyết mọi việc có tính hệ thống. Tôi lấy một ví dụ: Khi xử lý một học sinh vi phạm nội quy thì trước hết hiệu trưởng phải hiểu rõ nguyên nhân để xử lý cho phù hợp “thấu lý đạt tình”. Hay khi dự một giờ không đạt của một giáo viên bộ môn hãy khoan vội kết luận là tay nghề họ yếu mà hiệu trưởng phải xem nguyên nhân từ đâu, vì lý do gì dẫn đến giờ dạy thất bại? Học sinh vô lễ do đâu, nguyên nhân khách quan hay chủ quan?… Nhiều khi lời nói hay hành động của các em thiếu suy nghĩ, bồng bột chứ chưa phải là bản chất thì lúc đó chúng ta không thể xử lý em đó như một học sinh vô lễ được. Nói cách khác, người hiệu trưởng phải biết xử lý đúng mực và chính xác.
2. Hàng ngày tiếp xúc với nhiều văn bản, nhiều loại công văn giấy tờ nên người hiệu trưởng phải nhớ và biết vận dụng. Nhớ ở đây không phải học thuộc lòng (vì làm sao mà nhớ hết được) mà chỉ cần nắm bắt được ý kiến cốt lõi của văn bản để có những hoạt động định hướng. Cũng từ đó mà hiệu trưởng có quyết đoán phù hợp, chọn lựa giải pháp thích hợp với điều kiện cũng như tình hình thực tế của đơn vị. Phải biết hoạt động nào chính yếu, biết công việc nào phụ để có sự ưu tiên hợp lý, cân đối. Tôi lấy ví dụ: Bây giờ trường nào cũng có chương trình tham quan hướng nghiệp cho học sinh, trong lúc đó khó có xí nghiệp hay nhà máy nào đáp ứng được số lượng hàng ngàn học sinh tham gia. Lúc đó người hiệu trưởng phải biết phân định, cử một nhóm những em đại diện có óc quan sát và biết nhận xét, thu hoạch đánh giá để về triển khai xuống từng lớp. Để có sự nhạy bén người hiệu trưởng phải luôn quan tâm tới mọi người mọi việc, nhiệt tình trong công tác có nghĩa là phải có tâm. Khi anh đã có lòng, có chữ thiện trong người thì sẽ có nhiều cách ứng xử phù hợp, thấu đáo trọn tình. Ngoài ra hiệu trưởng cũng phải có tinh thần học hỏi, thực sự cầu thị, thường xuyên nâng cao năng lực để am tường quán xuyến cả lớp lớp công việc.
So với trước đây, đội ngũ hiệu trưởng bây giờ rất năng động từ việc ứng dụng công nghệ thông tin đến việc tự chủ tài chính theo phương án thu chi phù hợp. Năng động đã giúp cho người lãnh đạo làm chủ được tất cả và dễ đi đến thành công.
Cô PHẠM THỊ LAI
(Hiệu trưởng Trường THCS Bàn Cờ, Q.3 – TP.HCM)
Bình luận (0)