Sự kiện giáo dụcTin tức

Cầu Long Kiểng chính thức thông xe

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 8-9, cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) đã chính thức thông xe. Đây là niềm vui, sự phấn khởi của người dân vì khi cầu đi vào hoạt động sẽ thuận tiện cho việc đi lại, giảm ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Nam TP.HCM.


Đại biểu cắt băng thông xe công trình cầu Long Kiểng

Cầu Long Kiểng nằm trên đường Lê Văn Lương, bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức. Cầu có kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng, dài 318m, rộng 15m trong đó có làn xe ô tô; làn xe hai bánh, 3 bánh; lan can, lề bộ hành; gờ chắn xe; hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng.

Dự án cầu Long Kiểng được UBND TP.HCM phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3082/QĐ-UB ngày 28-5-2001 và chính thức khởi công xây dựng vào ngày 9-8-2018 trên cơ sở tiếp nhận mặt bằng giai đoạn 1 từ UBND huyện Nhà Bè. Đến ngày 20-12-2019, dự án phải tạm dừng do không có thêm mặt bằng thi công.


Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM chia sẻ khó khăn trong quá trình thi công

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM – cho biết, giai đoạn từ 28-5-2011 đến 20-12-2019 do nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập về quy mô, ranh dự án, nguồn vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng nên dự án đã có 2 lần điều chỉnh, 1 lần chuyển đổi chủ đầu tư. Nhận thấy cầu Long Kiểng không thể kéo dài và nút thắt bồi thường giải phóng mặt bằng cần được tháo gỡ, công trình cần phải được tiếp tục thi công. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng Sở Giao thông Vận tải TP và các sở, ngành đã tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Cả hệ thống chính trị huyện Nhà Bè cũng quyết liệt vào cuộc đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với cách làm mới, khẩn trương, kiên trì, đến từng hộ dân, từng người để đảm bảo tiến độ triển khai. Ngày 8-9-2022, lễ bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư đã diễn ra và cầu Long Kiểng đã được tiếp tục thi công, chính thức đi vào hoạt động vào hôm nay.


Phương tiện giao thông chạy trên cầu Long Kiểng rộng, thông thoáng

“Chúng tôi rất mong những bài học từ các công trình xây dựng cầu Long Kiểng sẽ được nhân rộng đến các địa phương trên địa bàn TP để trong thời gian tới Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM tiếp tục được bàn giao mặt bằng và thi công, hoàn thành nhiều công trình giao thông đang phải dừng thi công như: Cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long (TP.Thủ Đức); cầu Bà Hom (Q.Bình Tân) cùng các tuyến đường như: Tân Kỳ Tân Quý, Lương Định Của…”, ông Phúc bày tỏ.

Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, cầu Long Kiểng là “công trình 1/4 thế kỷ” vì quá trình triển khai kéo dài tới 22 năm.


Cụ Lâm Thị Nga có mặt từ sớm dự lễ thông xe cầu Long Kiểng

“Đến giờ phút này, tôi vẫn nhớ mãi lời chia sẻ của cụ Lâm Thị Nga cách đây 1 năm khi cây cầu nhận đủ mặt bằng để thi công. Cụ mong được sống đến ngày cầu Long Kiểng hoàn thành, lúc dự án được phê duyệt, cụ mới ngoài 60 tuổi, nay đã gần 90 tuổi”, bà Lệ nói.

Tại buổi lễ thông cầu, cụ Lâm Thị Nga có mặt từ sớm trong sự phấn khởi vì ước nguyện từ lâu nay đã toại nguyện. Cụ nói cầu hoàn thành sẽ giúp người dân thuận lợi trong sinh hoạt, các cháu học sinh đến trường dễ hơn và không còn nơm nớp lo sợ khi đi qua cầu cũ.

Được biết, sau cầu Long Kiểng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM sẽ thông xe cầu Vàm Sát 2 đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa…

Hồ Trinh

Bình luận (0)