Hoạt động trao đổi văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác vượt qua những căng thẳng chính trị hiện nay.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng sâu sắc và cơ hội hợp tác thu hẹp, trao đổi văn hóa và nghệ thuật trở thành một trong những cầu nối quan trọng về ngoại giao. Những trao đổi này, dù đã giảm trong những năm gần đây, có thể là cơ sở để xây dựng lòng tin và hàn gắn phần nào rạn nứt giữa hai đối thủ hàng đầu, theo South China Morning Post.
Một ví dụ về “ngoại giao mềm" giữa hai nước là triển lãm quy mô lớn tại thành phố San Francisco (Mỹ), do bảo tàng tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) tổ chức, với việc giới thiệu hơn 150 hiện vật Trung Quốc thời đồ đồng. Một số hiện vật chưa từng được giới thiệu bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở San Francisco. TÂN HOA XÃ
Bảo tàng Nghệ thuật châu Á tại San Francisco dành khoảng 3.000 m2 để trưng bày các phát hiện khảo cổ học từ triều đại nhà Chu, trị vì trong giai đoạn năm 1050 – 256 trước công nguyên. Các hiện vật sẽ được trưng bày tại bảo tàng cho đến tháng 7. Ông Jay Xu, Giám đốc điều hành của bảo tàng, cho biết cuộc triển lãm diễn ra vào thời điểm mà việc thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Mỹ “cực kỳ quan trọng”. Theo ông, việc triển lãm có sự tham gia và đón nhận của các quan chức chính phủ phản ánh tầm quan trọng của sự kiện như một cơ hội kết nối và tăng hiểu biết lẫn nhau.
Bà Emily Wilcox, phó giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học William & Mary (Mỹ), cho biết hai cường quốc đều có lịch sử lâu đời trong việc coi trao đổi văn hóa và nghệ thuật như một phần trong chính sách ngoại giao. Các hình thức trao đổi có thể do chính phủ tài trợ, hoặc cá nhân và tổ chức ngoài chính phủ.
Vượt qua những rào cản
Ông Gao Minglu, giáo sư danh dự tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), cho hay trao đổi văn hóa Trung – Mỹ đã xuất hiện từ thập niên 1970, khi Bảo tàng Mỹ thuật Boston của Mỹ mang các bộ sưu tập đến Bắc Kinh. Ông nói đó là lần đầu người Trung Quốc được xem các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản của phương Tây và đã truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ mới ở Trung Quốc.
Khách tham quan hiện vật Trung Quốc ở bảo tàng tại San Francisco. TÂN HOA XÃ
Trao đổi văn hóa hai nước bùng nổ vào thập niên 1990, song chững lại từ năm 2008, một phần do khủng hoảng kinh tế và sau đó là “hoài nghi về chủ nghĩa toàn cầu”. Không có nhiều triển lãm nghệ thuật Trung Quốc được tổ chức tại Mỹ trong 15 năm qua, ông Gao nói. Ông cho rằng hoạt động trao đổi có thể vượt qua căng thẳng chính trị và kinh tế, khi “nghệ thuật là kiểu suy nghĩ đặc biệt của con người, có thể hàn gắn những khoảng cách văn hóa và chính trị”.
Đồng quan điểm, bà Wilcox cho rằng trao đổi văn hóa giữa hai nước đối thủ có thể mở ra cơ hội cho người dân từ hai hoàn cảnh khác nhau có thể học hỏi lẫn nhau. Nghệ thuật đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, từ đời sống vật chất hàng ngày đến những hy vọng và ước mơ cá nhân – những chủ đề có thể mở ra những lĩnh vực đối thoại và “những cây cầu của trí tưởng tượng” mà có thể khó đạt được thông qua ngoại giao truyền thống, bà nói.
Bên cạnh giới thiệu và giao lưu các sản phẩm nghệ thuật, Trung Quốc và Mỹ còn bắt tay trong việc chống lại hoạt động trộm cắp và buôn bán hiện vật văn hóa trái phép. Hồi tháng 1, Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc thông báo gia hạn bản ghi nhớ về chống buôn lậu hiện vật văn hóa, được hai nước ký kết lần đầu vào năm 2009, theo China Daily.
Bản ghi nhớ này sẽ là hướng dẫn để các quan chức Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ kiểm soát nhập khẩu các tài liệu cổ từ Trung Quốc. Vào năm 2009 – 2023, tổng cộng 504 hiện vật văn hóa Trung Quốc đã được Mỹ trao trả cho Bắc Kinh. Cơ quan quản lý di sản Trung Quốc cho hay việc gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm là một bước đi thiết thực hướng tới mở rộng giao lưu văn hóa và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, điều đã được lãnh đạo hai nước nhấn mạnh.
Theo Bảo Hoàng/TNO
Bình luận (0)