Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cầu sắt Bình Lợi: Bao giờ khởi công?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau sự cố sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai), nhiều người lo lắng cho sự an toàn của cầu sắt Bình Lợi (TP.HCM) cũng có thể sập bất cứ lúc nào nếu xảy ra va chạm nhỏ. Nguyên nhân do cầu này đã sử dụng đến hơn 100 năm, nhiều hạng mục xuống cấp và kết cấu không phù hợp.

Vẫn còn rất nhiều phương tiện lưu thông qua cầu sắt Bình Lợi cũ (ảnh chụp ngày 5-5)

Dự án vẫn án binh bất động

Trong buổi họp báo tại UBND thành phố ngày 24-3, một lãnh đạo Sở GTVT thông tin với báo chí, ngành giao thông sẽ khởi công ngay cầu sắt Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) mới trong tháng và dự kiến đưa vào sử dụng giữa năm 2017. Cầu thuộc dự án của Bộ GTVT, dài gần 480m, nằm cách cầu cũ 12m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 50m, cao 7m và tổng nguồn vốn hơn 1.300 tỷ đồng.

Thông tin này khiến nhiều người vui mừng bởi dự án cầu sắt Bình Lợi đã động thổ từ tháng 4-2015 nhưng không đi vào thi công. Và tháng 10-2015, đại diện chủ đầu tư thông báo sẽ triển khai thi công công trình song dự án vẫn án binh bất động. Tuy nhiên sau thông tin của vị lãnh đạo Sở GTVT, đến nay mọi thứ cũng vẫn chưa có sự thay đổi. Các nguyên nhân khiến cầu mới chưa thể khởi công được đưa ra trước đó là do vướng đường dây điện trung thế, cao thế, đền bù giải tỏa mặt bằng…

Ngày 5-5, qua quan sát của chúng tôi, có rất nhiều lượt xe máy, xe đạp và cả người đi bộ vẫn đi qua cầu sắt Bình Lợi mặc dù đã có cây cầu Bình Lợi nối dài đường Phạm Văn Đồng mới xây dựng và đưa vào sử dụng. Ông Trần Văn Hiệp (ngụ phường 13) cho biết, đa số phương tiện lưu thông đều ở gần khu vực cầu hoặc làm việc quanh khu vực. Nếu muốn lên cầu Bình Lợi mới phải đi ngược một đoạn đường dài khá bất tiện và tốn thời gian nên nhiều người vẫn sử dụng cầu cũ như thói quen.

Cầu xuống cấp trầm trọng

Cầu sắt Bình Lợi hiện tại được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1902, dài 276m gồm 6 nhịp bắc qua sông Sài Gòn, nối từ phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) sang phường 13 (Q.Bình Thạnh). Kết cấu vòm cầu bằng thép, mặt cầu bằng gỗ, ở giữa là đường ray xe lửa, bên cạnh có lối dành cho xe máy lưu thông. Theo đó, mỗi ngày trên cầu có hàng ngàn phương tiện lưu thông. Dưới sông, hàng chục tàu thuyền, sà lan đi qua gầm cầu.

Có thể thấy, trước thực trạng xuống cấp và những kết cấu không phù hợp của cầu sắt Bình Lợi, việc xây mới một cây cầu khác để thay thế đã trở nên vô cùng cần thiết. Đặc biệt sau sự cố sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai), vấn đề này đòi hỏi càng phải cấp bách hơn nữa.

Ông Ngô Văn Bảy (ngụ phường 13) chia sẻ, cầu đã sử dụng đến hơn 100 năm nên nhiều hạng mục xuống cấp. Đầu cầu hướng phường 13 bị sạt lở. Ở mặt cầu chính, một số đầu thanh gỗ có dấu hiệu mục. Riêng làn đường dành cho xe máy, bề ngang làn đường nhỏ, có đoạn lót bằng bê tông, có đoạn lót bằng thép. Một số miếng bê tông bị vỡ, tạo ổ gà nhìn thấy cả mặt sông, một số miếng thép cũng bị lủng do mục rỗng, thay vào đó nhiều miếng thép khác vá chồng lên nhau khiến mặt cầu không bằng phẳng. Còn lan can cầu trang bị hết sức sơ sài, chỉ là những thanh thép nhỏ. Khoảng cách hàn xì giữa các thành dài, rộng, đủ có thể lọt người.

“Chỉ cần cơn mưa nhẹ sẽ khiến mặt đường trơn trượt, người điều khiển phương tiện không vững tay lái rất dễ bị trượt ngã và rớt xuống sông. Mà chẳng đợi đến mưa, nếu hai xe máy lưu thông chẳng may va quẹt nhẹ cũng đủ hất người xuống sông”, ông Bảy cho biết.

Riêng về mặt kết cấu cầu sắt Bình Lợi cũng bộc lộ nhiều bất cập. Tĩnh không cầu thấp, khoảng 1,5m. Chỉ cần triều cường dâng, mặt nước sông sẽ cao gần đụng cầu vì thế các tàu thuyền, sà lan không thể qua. Và đã từng có không ít vụ sà lan va chạm với cầu vì lí do này. Thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy – Công an TP.HCM, riêng năm 2015 xảy ra 3 vụ va chạm giữa sà lan và cầu. Cụ thể, ngày 1-11-2015, một sà lan chở theo hàng ngàn tấn đá xây dựng đã đụng vào nhịp số 4 của cầu khiến đường ray xe lửa bị lệch, nhiều thanh dầm bằng gỗ bị gãy khiến giao thông gián đoạn. Trước đó, ngày 3-6, một sà lan chở bùn than cũng bất ngờ bị kẹt, dội ngược gầm cầu gây ảnh hưởng kết cấu. Cách đó không lâu, ngày 29-5, một chiếc sà lan rỗng cũng kẹt dưới gầm cầu.

Có thể thấy, trước thực trạng xuống cấp và những kết cấu không phù hợp của cầu sắt Bình Lợi, việc xây mới một cây cầu khác để thay thế đã trở nên vô cùng cần thiết. Đặc biệt sau sự cố sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai), vấn đề này đòi hỏi càng phải cấp bách hơn nữa. Với nhiều lý do khác nhau khiến cho cầu mới chưa thể khởi công sẽ đồng nghĩa với những nguy hiểm rình rập phương tiện và người lưu thông, tương tự sự cố cầu Ghềnh.

Ông Ngô Văn Bảy tâm tư: “Cầu mới được xây dựng đưa vào sử dụng sớm không chỉ góp phần bảo tồn di tích lịch sử cầu sắt Bình Lợi cũ mà còn đảm bảo an toàn các phương tiện lưu thông qua đây hàng ngày”.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Bình luận (0)