Đến hẹn lại lên, vào mỗi kỳ kiểm tra lại xuất hiện những đề kiểm tra khiến học sinh “tức ngực”. Điều lạ lùng là hiện tượng này không chỉ xảy ra với các khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà ngay cả các khối lớp dạy theo chương trình cũ vẫn gặp phải.
Giáo viên ra đề kiểm tra cần phải cẩn trọng, chỉn chu (ảnh minh họa)
Sự cẩu thả trong cách ra đề của một bộ phận giáo viên khiến học sinh thiệt thòi trong đánh giá.
Những đề kiểm tra “tức ngực”
Thời điểm này, các trường học trên địa bàn TP.HCM đang bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ II. Nhiều đề kiểm tra khiến học sinh “tức ngực” ngay từ lúc đọc đề. Đơn cử như đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) dài 3 trang. Trong đó, riêng đoạn văn đọc hiểu đã chiếm đến 2,5 trang. Với thời gian làm bài 90 phút, học sinh than “khó có thể hiểu để làm sâu do dữ liệu quá dài”. “Chỉ đọc đề, hiểu đề thôi em đã mất đến 30 phút vì đoạn văn quá dài, phải đọc nhiều lần mới nắm được ý chính. Vì thế, em có cảm giác làm bài không “đã” vì quá gấp gáp, viết không thể hết ý được do không đủ thời gian làm bài. Giá mà đoạn văn đọc hiểu là một văn bản ngắn hơn thì bài viết của em sẽ tròn trịa hơn”, N.H (học sinh lớp 10 của trường) chia sẻ.
Mới đây, đề kiểm tra môn ngữ văn cuối học kỳ II của lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6) với cách thức ra đề “thiếu sót” khiến học sinh “dở khóc, dở cười”. Thậm chí, nhiều giáo viên cũng phải “chào thua” đề kiểm tra này. “Ngữ liệu trong đề kiểm tra là bài thơ Át cơ rất lạ lùng, khó hiểu. Hơn nữa, cách đặt các câu lệnh trong bài đọc hiểu khiến chúng em khi đọc đề không biết phải làm thế nào. Phần nghị luận văn học thì đoạn trích tác phẩm Vợ nhặt có 2 nhân vật mà đề lại yêu cầu phân tích vẻ đẹp nhân vật, bản thân em không biết nên phân tích vẻ đẹp cả 2 nhân vật hay chỉ chọn 1 trong 2 là đáp ứng yêu cầu của đề. Đề kiểm tra này thực sự gây khó hiểu, ức chế cho chúng em khi làm bài”, B.Q (học sinh lớp 12 của trường) thẳng thắn nói.
Cẩu thả, xuề xòa khi ra đề, học sinh thiệt thòi
Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) nhìn nhận, các đề kiểm tra gây tranh cãi thường bắt nguồn từ việc người giáo viên chưa ý thức được việc lựa chọn ngữ liệu đảm bảo tính giáo dục, thẩm mỹ, khoa học và cách đặt câu hỏi để khai thác được quan điểm, góc nhìn, thái độ của học sinh. Trong khi đó, giáo viên lại chú trọng quá nhiều đến yếu tố tạo tính mới lạ, độc đáo, chưa nghiêng về tính giáo dục. “Khi ra đề kiểm tra, ngữ liệu trong đề phải hết sức cân nhắc và phải là sự đau đáu của giáo viên. Việc chọn ngữ liệu cho học sinh hiểu đúng là điều giáo viên cần cẩn trọng. Ngữ liệu hay mà không mang tính giáo dục, thẩm mỹ thì cũng không được. Ngược lại, ngữ liệu dễ dãi quá cũng không được. Lựa chọn một văn bản cho học sinh đọc hiểu phải được giáo viên cân nhắc ở nhiều yếu tố, không thể xuề xòa, dễ dãi được”, thầy Đỗ Đức Anh nêu rõ.
Theo giáo viên này, ngay cả đề thi tốt nghiệp THPT, dù mức độ kiến thức, ngữ liệu trong đề chỉ ở mức vừa phải song cũng có nhiều đoạn thơ học sinh còn phải than thở thì huống hồ là các bài thơ với tính ẩn dụ cao, hình thức thơ không phổ biến. Với các ngữ liệu đọc hiểu quá khó hiểu, hình thức thơ không phổ biến thì giáo viên cần nên hạn chế đưa vào đề, tránh gây sự hoang mang cho học sinh. “Việc giáo viên xuề xòa, dễ dãi khi ra đề kiểm tra sẽ gây ra nhiều thiệt thòi cho học sinh. Bởi, trước hết các đề này sẽ khiến học sinh hoang mang khi tiếp cận, học một đằng nhưng khi kiểm tra một nẻo, từ đó tác động đến kết quả đánh giá học sinh, không tránh khỏi tình trạng các em lo lắng khi làm bài”, thầy Đỗ Đức Anh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc giáo viên xuề xòa, dễ dãi khi ra đề kiểm tra sẽ gây ra nhiều thiệt thòi cho học sinh (ảnh minh họa)
ThS. Trần Lê Duy (giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ, khi ra đề kiểm tra môn ngữ văn, việc chọn ngữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngữ liệu phù hợp phải đảm bảo tính giáo dục, thẩm mỹ, khoa học, đặc biệt là phải phù hợp với đặc điểm tâm lý và trình độ của học sinh. “Việc ra đề kiểm tra học kỳ không phải là vấn đề áp lực với giáo viên vì đây là chuyện hết sức bình thường của thầy cô. Để tránh những đề kiểm tra gây tranh cãi, giáo viên phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc, kỹ lưỡng khi ra đề. Tránh lựa chọn các văn bản, ngữ liệu gây tranh cãi, thiếu nghĩa tường minh, văn bản khó hiểu, trúc trắc với học sinh sẽ khiến các em áp lực khi làm bài và không đảm bảo mục tiêu đánh giá học sinh”, ThS. Trần Lê Duy phân tích.
Đứng ở góc độ giảng viên ĐH thường xuyên tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, một giảng viên khác của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, các đề kiểm tra gây tranh cãi trong thời gian qua vẫn xuất hiện dù giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên là do thầy cô chưa thực sự tâm huyết và dành sự chỉn chu khi ra đề. Bởi chỉ khi giáo viên chỉn chu, tâm huyết, nghiêm túc khi ra đề thì học sinh mới trân trọng, các em mới có cảm hứng khi làm bài, cảm thấy môn văn nhiều hứng thú, thú vị và ý nghĩa. Đặc biệt, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi giáo viên được trao quyền nhiều hơn trong ra đề kiểm tra theo hướng phát huy phẩm chất năng lực học sinh, việc chọn ngữ liệu, cách thức ra đề kiểm tra không còn gói gọn trong các tác phẩm mà đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, càng đòi hỏi cao hơn sự chỉn chu của giáo viên khi ra đề. “Khi ra đề kiểm tra định kỳ, giáo viên phải đứng ở góc độ của học sinh. Lựa chọn văn bản, ngữ liệu cẩn trọng, mang tính giáo dục cao, phù hợp với năng lực học sinh song vẫn cần khơi lên trong các em niềm ham thích, say mê với văn học, gợi mở ra các giá trị giáo dục thẩm mỹ cao. Sự cẩu thả, xuề xòa trong cách ra đề sẽ tác động nghiêm trọng đến nhận thức đối với môn ngữ văn của học sinh”, giảng viên này phân tích.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)