Tôi đã nhiều lần gặp Quyến từng là chàng trai “vàng” của bóng đá VN. Nhưng không có lần nào hình ảnh của Quyến buộc tôi phải nhớ nhiều như hôm anh gia nhập “Gia đình Pepsi” hồi tháng 4-2004.
Hôm ấy Quyến rụt rè trong bộ đồ quần jean áo thun, ánh mắt đầy vẻ ngượng ngập khi bắt tay những người sang trọng. Đặc biệt, trông Quyến thật tội khi đầy vẻ lúng túng lúc bắt tay và chụp ảnh chung với ngôi sao Mỹ Tâm…
Sở dĩ nhắc lại câu chuyện của Văn Quyến, bởi có thể nói đây là trường hợp tiêu biểu trong làng bóng VN về hiện tượng sa đà theo hưởng thụ, hủy hoại sự nghiệp của mình.
Một trường hợp tiêu biểu
Hãy nhớ lại Quyến thuở nhỏ là một cậu bé chăn trâu nghèo khổ ở một làng quê Nghệ An. Nhờ những buổi quần thảo bóng bưởi, mọi người thấy được khả năng thiên phú nơi đôi chân cậu bé. Thế là những lời động viên giúp Quyến tự tin lên đường ứng thí cuộc thi tuyển sinh năng khiếu của đoàn bóng đá SLNA. Thật dễ dàng, Quyến đã được chọn và khăn gói từ giã mẹ lên đường nhập học.
Ở đoàn bóng đá SLNA, người ta đã dạy Quyến những gì? Đương nhiên phần lớn thời gian là kỹ năng chơi bóng. Những buổi học văn hóa theo chương trình bổ túc thì được chăng hay chớ và người dạy lẫn người học đều ý thức rằng nó chỉ diễn ra cho có.
Và rồi từ 17 giờ trở đi Quyến làm gì? Tất cả HLV dạy đá bóng, thầy cô dạy văn hóa đều đã về. Giờ chỉ còn lại Quyến và bạn bè cùng lớp. Họ, những cậu bé 12-13 tuổi, làm gì thấy gì trong khoảng thời gian từ chiều đến khi lên giường ngoài hình ảnh các đàn anh người thì nhậu, người sát phạt và người lên đồ hiệu dập dìu đi chơi với bạn gái…
Đầu óc tinh khôi của Quyến đã được vạch lên những nét vẽ đầu tiên không mấy đẹp đẽ. Và nếu nhiều bạn đồng lứa như Thuật, Tấn… cuối tuần về nhà đều được bố mẹ răn đe, giáo dục, nhắc nhở thì Quyến không may khi bố mẹ chia tay nhau, người mẹ chỉ biết đắp đổi sự thiếu thốn tình cảm của con bằng sự nuông chiều.
Và rồi tài năng của Quyến bắt đầu tiến triển tốt đẹp, nổi tiếng và kèm theo những khoản thu nhập mà cậu bé chăn trâu ngày nào dù có mơ cũng không thấy nổi. Tiền ấy được Quyến làm gì ngoài việc học theo các đàn anh ăn nhậu, sát phạt và bạn gái. Thậm chí khi trưởng thành, tiếp xúc với cuộc đời, gặp gỡ những người sang trọng, nổi tiếng, Quyến có gì ngoài tài đá bóng? Và ở những nơi ấy, đâu có chỗ cho Quyến phô diễn tài của mình, tiếp xúc trò chuyện thì anh chả biết nói gì! Thế là mặc cảm về cái không có gì đó được anh cố che đậy bằng áo bằng quần, bằng điện thoại đắt tiền, bằng khả năng uống rượu tây sành sỏi…
Ông Nguyễn Văn Vinh – giám đốc điều hành CLB Hoàng Anh Gia Lai, một người am hiểu sâu sắc đời sống bóng đá VN – cũng từng thừa nhận con đường của Văn Quyến cũng là mẫu số chung của nhiều cầu thủ VN hiện nay. Ông Vinh còn khẳng định do người lớn đã không tạo nên môi trường sinh hoạt lành mạnh cho cầu thủ. Thậm chí người lớn còn “tập” các cầu thủ trẻ sự dối trá qua các việc như khai man tuổi tác, chỉ đạo buông trận này, đá trận kia…
Nói về chuyện người lớn “dạy” cho trẻ con nói láo, tôi chợt nhớ lại câu chuyện xảy ra tại buổi lễ Văn Quyến gia nhập “Gia đình Pepsi”. Đó là việc ông Phạm Phú Ngọc Trai – tổng giám đốc Pepsi VN – đã hỏi Quyến: “Cháu có hút thuốc không?”. Và Quyến đã trả lời chắc nịch: không. Ông Trai hỏi thêm: “Nghe nói cháu nhậu dữ lắm phải không?”. Các vị lãnh đạo đội SLNA có mặt ở đấy đã vội đỡ lời: “Lúc trước thì có chứ bây giờ hết rồi”! Trời ạ, trên thực tế đó là thời điểm mà tài năng nhậu và rít thuốc lá của Quyến đang phát triển tỉ lệ thuận với tài nghệ đá bóng!
”Không có kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời”
Thật thú vị, tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn là một người cũng có những quan tâm đến hiện tượng tiêu dùng quá mức để khẳng định mình trong giới trẻ hiện nay nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng. Anh cho biết: “Trong một lần nói chuyện với 150 bạn trẻ xoay quanh chủ đề tiêu dùng cho bản thân, tôi đã phát ra 150 phiếu thăm dò. Kết quả có đến 72,8% cho biết sẵn sàng xài thoải mái vô tư hết khả năng mình có. Thậm chí cả tạm ứng, vay mượn để xài cho thỏa mãn ý thích. Điều đó nói lên một điều chuyện tiêu xài không nghĩ đến ngày mai là một vấn đề lớn của giới trẻ chứ không riêng gì giới cầu thủ.
Tuy nhiên, không phủ nhận mức độ tiêu xài quá độ của giới cầu thủ có phần trội hơn giới trẻ nói chung. Tôi cũng đã có khảo sát giới cầu thủ và được biết dù hiện nay họ nhận mức lương khá cao, nhưng nếu ngày 10 nhận lương thì đến ngày 20 là nhẵn túi! Thậm chí khi nhận được những món tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng từ việc chuyển nhượng, họ cũng xài bằng hết qua việc mua sắm các vật dụng đắt tiền.
* Theo ông, do đâu mà có lối sống đó?
– Theo tôi, nhìn chung giới trẻ hiện nay rất kém về kỹ năng quản lý tài chính. Đặc biệt, phần lớn không có kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời. Lý do vì gia đình, xã hội và nhà trường chúng ta hiện nay ít chú trọng đến chuyện này, trong khi đó sức hấp dẫn của tiêu dùng quá lớn. Nhiều bạn trẻ học nhiều còn chưa ý thức được chuyện tích lũy, lo lắng cho tương lai thì chả trách sao các cầu thủ vốn không được học hành đầy đủ.
Bên cạnh đó, các cầu thủ khác với giới trẻ thông thường, đó là học phải sống trong môi trường làm việc hơi bất thường. Thông thường các cầu thủ phải dồn hết sức cho tập luyện, thi đấu trong một thời gian kéo dài vài tháng. Khi kết thúc, họ muốn được đền bù. Nếu ai may có gia đình giáo dục, kèm cặp sẽ hướng được sự đền bù vào các hoạt động tích cực, còn ai không may chắc chắn đi theo con đường hưởng thụ tiêu cực.
* Nếu có một lời khuyên cho ngành thể thao, ông sẽ nói gì?
– Tôi đã tìm hiểu câu chuyện này ở nhiều nước và thấy trong tất cả CLB thể thao chứ không riêng gì bóng đá, người ta đều có chuyên gia tâm lý. Và chính họ là những người hướng dẫn kỹ năng sống, giải tỏa những suy nghĩ bất bình thường xuất hiện trong đầu VĐV.
Tuy nhiên, thật khó làm được điều này trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay. Một phần do các nhà quản lý thể thao chưa ý thức được tầm quan trọng của chuyên gia tâm lý, một phần nữa chúng ta cũng quá thiếu thốn đội ngũ này. Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể thao TP.HCM mỗi năm có mời tôi một đôi lần đến nói chuyện với các VĐV trẻ, nhưng thú thật tôi cũng không đi được vì quá bận. Tuy nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc ngành thể thao phải chú trọng đến vấn đề này thật nghiêm túc, đặc biệt ở các trung tâm đào tạo, trường năng khiếu. Cuối cùng, gia đình cũng phải tham gia tích cực hơn trong việc quản lý, giáo dục con em mình, không thể giao khoán tất cả cho trường, cho trung tâm đào tạo.
Tài Em: “Tôi là người may mắn” Trong làng bóng VN hiện nay, Tài Em được xem là mẫu cầu thủ nghiêm túc, biết nghĩ đến tương lai. Anh tâm sự: ”Cầu thủ VN ngày nay thu nhập khá cao. Khi chưa có gia đình, mỗi tháng tôi chỉ xài hết khoảng 40% thu nhập cho mình và giúp đỡ cha mẹ, còn lại để tích lũy cho tương lai khi hết đá bóng. Về tương lai, hiện nay tôi đang lo học tiếng Anh và chuẩn bị đăng ký học ĐH TDTT để khi giã từ thi đấu sẽ chuyển sang công tác huấn luyện. Tôi nghĩ tôi may mắn khi được cha mẹ luôn nhắc nhở mình sinh ra trong một gia đình nghèo nên phải biết quý trọng đồng tiền, phải biết lo dành dụm cho tương lai. Bên cạnh đó, tôi cũng may mắn được sống và làm việc trong một đội bóng trong sáng, đoàn kết, những người lãnh đạo thật sự là những tấm gương tốt”. |
HUY THỌ (theo tuoitre)
Kỳ 4: Những lời cảnh tỉnh
Bình luận (0)